Kết nối phố

Người đô thị dễ căng thẳng?

Cập nhật, 13:45, Thứ Tư, 25/07/2018 (GMT+7)

Hơn một nửa dân số thế giới hiện đang sinh sống ở các đô thị (ĐT), dự báo đến năm 2020 là 56%. Việt Nam hiện có khoảng 1/3 dân số (trong tổng số 93,7 triệu người) sống ở ĐT, dự báo đến năm 2020 sẽ tăng lên 2/3.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu và thống kê của giới chuyên gia đã cho thấy, môi trường sống ĐT khiến người ta dễ mắc phải nhiều bệnh tật. Trong đó, những người sinh ra và lớn lên ở ĐT có tỷ lệ mắc chứng tâm thần phân liệt, nguy cơ căng thẳng thần kinh, trầm cảm và những rối loạn khác về tâm thần cao hơn so với ở nông thôn.

Các khám phá khoa học cho biết, sống trong môi trường xã hội đầy áp lực, nhất là ở các ĐT lớn, một phần của bộ óc con người có những “hoạt động thặng dư” liên quan tới trầm cảm, bồn chồn, nóng nảy, thậm chí bạo hành.

Bên cạnh, một nghiên cứu bởi các nhà khoa học thuộc ĐH Washington cho thấy, không khí ô nhiễm cũng dẫn đến tình trạng tâm lý căng thẳng. Tại một nơi bất kỳ có nhiều bụi trong không khí hơn, thì người tham gia khảo sát tại đó có tỷ lệ căng thẳng cao hơn 17% so những nơi khác.

Còn theo GS.TS Đặng Vạn Phước- Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, người dân thành phố bị stress hơn so với trước đây do phải tính toán nhiều trong công việc, kẹt xe... Sống căng thẳng và xu hướng ăn nhiều đạm, ít rau, thích ăn nhanh, ít vận động, rượu bia nhiều... cũng làm bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường gia tăng.

Tuy nhiên, những nghiên cứu không khuyến cáo người ĐT bán nhà đất để “lui về quê ở ẩn”. Thay vào đó, khẳng định việc dành thời gian rời khỏi ĐT đông đúc để tận hưởng thiên nhiên trong lành là liệu pháp hiệu quả giúp nâng cao sức khỏe, cân bằng cuộc sống.

NAM ANH