Giáo viên mầm non quỳ lạy: Tại sao các cô lại dễ dàng quỳ gối như thế?

Cập nhật, 16:35, Thứ Năm, 14/06/2018 (GMT+7)

 

Hình ảnh giáo viên mầm non ở Nghệ An quỳ lạy đoàn công tác để xin được dạy trẻ. Ảnh cắt từ clip
Hình ảnh giáo viên mầm non ở Nghệ An quỳ lạy đoàn công tác để xin được dạy trẻ. Ảnh cắt từ clip

Theo PGS-TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, sự việc các giáo viên mầm non ở Nghệ An phải quỳ lạy cơ quan chức năng để xin được dạy trẻ là vô cùng đáng tiếc. Các cô không nên quỳ gối như vậy, vì đang là giáo viên.

Những giờ qua, dư luận có nhiều tranh cãi về hình ảnh nhiều giáo viên thuộc Nhóm trẻ mầm non Tuổi Thơ, đóng trên địa bàn thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương (Nghệ An) bất ngờ quỳ lạy đoàn công tác của địa phương để xin được dạy trẻ.

Theo thông báo của UBND thị trấn Thanh Chương, cho đến thời điểm hiện tại, nhóm trẻ mầm non tư thục Tuổi Thơ vẫn chưa được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép quyền sử dụng đất trên diện tích đất cũ của Trung tâm hướng nghiệp huyện Thanh Chương, chưa đầy đủ các thủ tục hồ sơ pháp lý để được hoạt động, đã bị UBND thị trấn 3 lần lập biên bản vi phạm hành chính.

Dù vậy, do nhu cầu gửi trẻ rất lớn, nên trường vẫn tiến hành tuyển sinh, tuyển giáo viên chăm sóc, dạy dỗ trẻ. Đến khi cơ quan chức năng kiểm tra, yêu cầu đóng cửa vì không hoàn tất thủ tục pháp lý, vì lo sợ bị mất việc nên các giáo viên đã quỳ lạy, van xin.

Hình ảnh đã khiến nhiều người xúc động, không cầm được nước mắt, nhưng cũng khiến không ít người - nhất là nhà giáo thấy đau lòng.

Bởi trong môi trường giáo dục, không có chỗ cho sự quỳ gối. Cô giáo đã tự tước bỏ ở mình yếu tố quan trọng nhất của danh dự con người, danh dự nhà giáo, đó là lòng tự trọng.

Bày tỏ quan điểm về sự việc này, PGS-TS Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa XIII - cho rằng hình ảnh giáo viên quỳ gối thực sự rất phản cảm, dù bất kể đằng sau hình ảnh đó là câu chuyện gì.

“Đã là công dân Việt Nam thì phải sống và làm việc theo pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, với tư cách là nhà giáo, các cô càng phải ý thức được vị thế của mình, càng không nên dễ dàng quỳ gối như thế.

Có thể tấm lòng của giáo viên cần được ghi nhận, nhưng phải trên cơ sở tuân thủ, đúng các quy định của pháp luật. Khi nhìn hình ảnh này, tôi thấy rất phản cảm.

Nếu trường làm chưa đúng, thiếu thủ tục, thì có thể hoàn thiện, để được phép hoạt động, chứ không nên khóc lóc, quỳ lạy như vậy. Nếu hành động của cô xuất phát từ một động cơ trong sáng là vì trẻ em, thì có thể chọn cách trình bày một cách đàng hoàng, kiến nghị một cách công khai, tại sao lại phải quỳ lạy chứ?” - PGS Bùi Thị An đặt câu hỏi.

Bà cũng cho rằng, thời gian qua nở rộ các cơ sở mầm non tư nhân để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của các gia đình, nhưng cũng đã có nhiều vụ bạo hành xảy ra, gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, việc các cơ sở giáo dục mầm non chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật là hết sức cần thiết.

“Còn với cơ quan chức năng, cũng nên kiểm điểm lại mình vì sao lại để xảy ra việc giáo viên quỳ lạy như thế? Nếu các đồng chí làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, không gây khó dễ gì cho doanh nghiệp, thì không sao. Nhưng nếu cơ quan chức năng gây sức ép, o bế, thì phải kiểm điểm. Vì chúng ta có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, nên các doanh nghiệp tư nhân có thiện chí làm giáo dục phải được tạo điều kiện hết sức, không được phép hạch sách, gây khó dễ”- vị đại biểu Quốc hội khóa XIII khẳng định.

THeo ĐẶNG CHUNG (LĐO)