Chú Sáu trưởng ấp có "tài vận động"

Cập nhật, 13:40, Thứ Ba, 24/10/2017 (GMT+7)

Nói về chú Nguyễn Văn Tuội- Bí thư kiêm Trưởng ấp Hưng Thịnh- thì: “Người dân nơi đây ai cũng quý mến và xem chú Sáu như người anh, người chú trong nhà. Bởi nhờ có chú mà đường sá thông thương, địa phương phát triển hơn”- đồng chí Đường Văn Vũ- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Hưng- nói chắc nịch như thế.

Chú Tuội (trái) luôn sâu sát, lắng nghe tiếng nói của dân.
Chú Tuội (trái) luôn sâu sát, lắng nghe tiếng nói của dân.

Vận động xây cầu, làm đường

Những cơn mưa rả rích cuối tuần không ngăn bước chúng tôi về ấp Hưng Thịnh- ấp điểm của xã Tân Hưng (Bình Tân) trong xây dựng nông thôn mới.

Khi đến gia đình chú Sáu đã xế trưa, đúng lúc người trưởng ấp này chuẩn bị xe “đi công chuyện”. Hỏi đi đâu thì chú bảo: nghe tối qua trong ấp có người bị té nên đến hỏi thăm. Vậy là chúng tôi xin tháp tùng theo.

Dẫn chúng tôi đi trên những trục đường ngang dọc được láng nhựa, trải đá hoặc đổ đan, chú Sáu cho biết:

Trước đây toàn là đường đất, bà con mình đi lại hay vận chuyển hàng hóa buôn bán khó khăn lắm. Giờ đường sá thông thương, người dân mình đi đâu, làm gì cũng thuận lợi hết.

Hiện địa phương đã không còn những con đường làng lầy lội, những chiếc cầu khỉ cheo leo.

Thay vào đó là đường nhựa, đường đan hay đường đá nối liền thôn xóm. Nhờ vậy, đời sống người dân ở đây được cải thiện, địa phương ngày càng khởi sắc…

Chúng tôi ghé thăm nhà chú Thái Văn Phước- dân chính gốc nơi đây. Bên tách trà nóng, chú Phước nhớ lại cảnh trước đây đường đất trời mưa là lầy lội lắm, bà con cứ phải xách dép lội bì bõm…

Rồi chú nhìn về con đường đan trước nhà phấn khởi, nói: Như con đường này nè, trước hễ mưa xuống là nước tới nửa cẳng chân, giờ thì xe máy chạy bon bon và có cả đèn đường chiếu sáng nữa.

Cô Phan Thị Phiến- vợ chú Phước- tiếp lời: Được như thế cũng nhờ có phần công sức không nhỏ của trưởng ấp mình đó. Trưởng ấp đứng ra vận động kinh phí rồi đôn đốc bà con cùng chung tay xây cầu, làm đường.

Theo cô thì chú Sáu xông xáo, nhiệt tình, trách nhiệm lại có “tài vận động” nữa. Hễ chú đứng ra kêu gọi là bà con gật đầu “cái rụp” liền.

Không đồng tình sao được, khi mà trưởng ấp lúc nào cũng gương mẫu đi đầu lại có trách nhiệm, biết lo cho dân và vì sự phát triển chung của địa phương.

Và rồi, từ đoạn đường Kiến Vàng, đường “cặp” Kiến Vàng, đường vào lộ Bờ Quẹo đến cầu Tám Dầu… tất cả đều có “dấu ấn” của người bí thư chi bộ ấp không ngại “xắn tay” vác xi măng, khiêng cát đá hay cắt sắt cùng bà con.

Nghe bà con khen mình như thế, chú Sáu nói từ tốn: “Được làm những chuyện có ích cho bà con, đóng góp cho địa phương vừa là niềm vui vừa là nhiệm vụ của người trưởng ấp mà. Hơn nữa được bà con đồng tình ủng hộ địa phương mới được như thế.

Trách nhiệm từ trái tim

Chú Tuội phấn khởi giới thiệu chiếc cầu, tuyến đường do mình vận động và cùng làm với bà con.
Chú Tuội phấn khởi giới thiệu chiếc cầu, tuyến đường do mình vận động và cùng làm với bà con.

Theo chân chú Sáu, chúng tôi mới thấy hết được tình cảm của người cán bộ này dành cho dân… Chỉ tay về căn nhà cấp 4 được xây dựng kiên cố, chú giới thiệu:

“Đây là nhà của anh Nguyễn Văn Dẫn- hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà, vay vốn phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Còn kia là nhà anh Trần Tâm Tính- hộ nghèo được hỗ trợ học nghề giờ hoàn cảnh đã khá hơn…” Hầu như, đi đến đâu thì chú đều giới thiệu rành rọt tên từng người và hoàn cảnh của từng hộ.

Theo chú, trưởng ấp không chỉ lo chuyện quản lý xóm ấp hay đường sá cho dân là xong bổn phận, mà còn phải quan tâm đến đời sống của bà con.

Chính vì thế, chú không ngần ngại đứng ra xin hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo, tạo điều kiện cho họ vay vốn làm ăn. Chú cũng vận động quyên góp thành lập quỹ hỗ trợ bà con khi ốm đau, bệnh tật…

“Mình giúp được dân gì thì cứ giúp. Miễn sao bà con vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống là vui rồi”.

Nghe chú nói thì đơn giản, nhưng thật ra để làm “cho dân hài lòng” cũng chẳng giản đơn chút nào. Bởi nếu không có tâm huyết, không sâu sát, chăm lo bằng những việc cụ thể thì sao được dân yêu thương như vậy?

Từ trước đến giờ, mỗi khi người dân trong ấp cần là chú có mặt, từ lo cấp sổ hộ nghèo cho đến thăm bà con khi ốm đau bệnh tật hay có hữu sự.

Như chuyện buổi tối chú Ba Năng bị té xe gãy xương sườn thì ngay sáng hôm sau được hỗ trợ 2 triệu đồng.

Anh Phạm Văn Hiếu bị bệnh phổi, nhà nghèo cũng được phụ 2 triệu đồng để điều trị. Còn cụ Phan Thị Chính hoàn cảnh neo đơn lại bệnh tật cũng được hỗ trợ tiền, gạo thường xuyên…

Chính bởi sự tận tâm phục vụ, mà hễ chú Sáu đi tới đâu thì bà con đều cười chào quý mến.

Nhiều cô bác có tuổi ở địa phương nói với chúng tôi: trong 40 năm chú Sáu làm trưởng ấp, họ chưa một lần nghe ai than phiền về người cán bộ này.

Những điều mà họ nghe nhiều nhất chính là lời động viên, sự chia sẻ với người dân khi họ gặp khó khăn.

“Bởi thế mà chỉ cần trưởng ấp hô một tiếng là người dân có mặt đông đủ để góp công, góp sức thực hiện các công trình xây dựng quê hương hay quyên góp vì người nghèo”- chú Lê Hoàng Anh là người dân nơi đây cho biết.

Còn chú Phan Văn Út thì: “Thương trưởng ấp không nề hà cực khổ vận động làm đường, làm cầu, làm nhà cho dân. Cũng nhờ có trưởng ấp vận động mà thằng Hiếu cháu tôi mới có điều kiện trị hết bệnh, có sức khỏe làm việc trở lại”.

Bằng nhiệt huyết và trách nhiệm của mình, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp- Nguyễn Văn Tuội đã xây dựng ấp Hưng Thịnh trở thành ấp văn hóa kiểu mẫu của địa phương. Ấp có 100% hộ dân treo ảnh Bác và cam kết thực hiện không vi phạm trật tự an toàn giao thông, không vi phạm các tệ nạn xã hội; các tuyến đường đều được thay bằng đường đá, đường đan; hộ nghèo giảm đáng kể, chỉ còn 6 hộ…

Bài, ảnh: CẨM HUỆ