Nâng thu nhập từ tận dụng phế phẩm và trồng chuyên canh

Cập nhật, 07:50, Thứ Năm, 21/09/2017 (GMT+7)

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, Đảng ủy, UBND xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh) đã chọn hướng đi đúng trong việc phát triển trồng chuyên canh bưởi Năm Roi và tận dụng phế phẩm nông nghiệp để làm thức ăn chăn nuôi, bón phân cho cây bưởi. 

Qua đó, đã giúp cho nhiều nông hộ nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác, góp phần nâng chất tiêu chí thu nhập cho xã nông thôn mới (NTM).

Tận dụng phế phẩm từ bã đậu nành làm thức ăn cho dê rồi tận dụng phân dê bón cho vườn bưởi giúp tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường.
Tận dụng phế phẩm từ bã đậu nành làm thức ăn cho dê rồi tận dụng phân dê bón cho vườn bưởi giúp tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường.

Tăng thu nhập từ tận dụng phế phẩm

Xuyên qua các vườn bưởi Năm Roi rợp bóng mát, cành nặng trĩu quả, chúng tôi tham quan mô hình nuôi dê của anh Nguyễn Huy Cường (ấp Mỹ Phước 2).

Mô hình này tuy không mới nhưng việc tận dụng phế phẩm từ xác bã đậu nành (sau khi làm tàu hủ ky) để làm thức ăn chăn nuôi vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí sản xuất là cách làm hay của người dân xã Mỹ Hòa.

Nhìn đàn dê béo tròn nhai ngon lành xác bã đậu nành, nhiều người thấy “lạ”, nhưng đây được xem là nguồn thức ăn chính, có tại chỗ với giá khá rẻ (chỉ 500 đ/kg).

Bên cạnh, người nuôi còn có thể bổ sung thêm cỏ, các loại rau quả hư giập hoặc có sẵn trong vườn, theo kiểu “có gì thì cho ăn đó”, nên khi nuôi dê chủ yếu là lấy công làm lời. Anh Cường cho biết, anh đang nuôi 15 con dê. Đối với dê thịt, khoảng 8 tháng là xuất chuồng (45- 50 kg/con, giá 95.000 đ/kg) nên “kiếm vài chục triệu đồng/năm khỏe re”.

Chị Phan Tí Hon- Bí thư Xã Đoàn Mỹ Hòa- cho biết, nhờ tranh thủ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Minh (200 triệu đồng), xã đoàn đã xây dựng mô hình thanh niên làm kinh tế “nuôi dê thịt” ở ấp Mỹ Phước 2, trong đó chọn Bí thư Chi đoàn ấp làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn- cũng là người thực hiện thí điểm mô hình và vận động 5 đoàn viên tham gia.

Mỗi người được vay 15- 25 triệu đồng để làm chuồng và mua con giống. Tổng đàn có 97 con, sau nửa năm thu lời 800.000- 1.500.000 đ/con. Ngoài ra, các hộ này còn tận dụng phân dê để bón cho vườn bưởi, giúp giảm chi phí và tăng năng suất cây bưởi.

Từ hiệu quả mang lại, đến nay có 11 người tham gia mô hình với tổng đàn 407 con, thu nhập bình quân 50 triệu đồng/người/năm. Hiện mô hình này đang tiếp tục được nhân rộng toàn xã, góp phần nâng chất tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM.

Theo chị Tí Hon, đạt được kết quả trên là nhờ xây dựng mô hình phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của người nuôi. Xã đoàn cũng đã mạnh dạn đổi mới nội dung và hình thức vận động gắn với “người thật, việc thật” để người dân thấy được hiệu quả mà làm theo.

Mô hình này vừa góp phần phong phú đàn vật nuôi, giúp tăng thu nhập từ “lấy công làm lời” và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhờ tận dụng phế phẩm có sẵn để làm thức ăn cho dê, rồi tiếp tục tận dụng phân dê bón cho vườn bưởi.

Chuyên canh vườn bưởi Năm Roi

Với đặc điểm Mỹ Hòa là xã cù lao, đất được phù sa bồi đắp, thích hợp phát triển vườn cây ăn trái.

Năm 2000, được Nhà nước đầu tư nâng cấp các tuyến đê bao kết hợp với giao thông nông thôn nên đã chủ động được nguồn nước tưới tiêu, một số bà con chuyển từ đất lúa sang trồng cây ăn trái.

Theo ông Nguyễn Văn Phi- Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, nhận thấy cây bưởi Năm Roi phát triển tốt, cho năng suất cao; đồng thời được các ngành chức năng nhận định đất Mỹ Hòa thích hợp cho trồng cây ăn trái, đặc biệt là bưởi Năm Roi, UBND xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển từ đất lúa sang vườn.

Từ 30- 50ha trồng bưởi ban đầu, đến năm 2008 toàn xã không còn đất lúa. Hiện, Mỹ Hòa có 1.163ha chuyên canh bưởi Năm Roi, chỉ có hơn 100ha là trồng cây khác, còn lại là đất phi nông nghiệp.

Qua nhiều năm, cây bưởi Năm Roi vẫn không ngừng phát triển trên vùng đất Mỹ Hòa. Trong ảnh: Đoàn cán bộ NTM trong tỉnh tham quan vườn bưởi ở Mỹ Hòa.
Qua nhiều năm, cây bưởi Năm Roi vẫn không ngừng phát triển trên vùng đất Mỹ Hòa. Trong ảnh: Đoàn cán bộ NTM trong tỉnh tham quan vườn bưởi ở Mỹ Hòa.

So với trồng lúa thì thu nhập trồng bưởi Năm Roi cao hơn nhiều. Tuy nhiên, do lúc đầu nông dân chưa có kinh nghiệm nên năng suất đạt thấp, chất lượng bưởi không cao, giá cả không ổn định, mỗi công bưởi lời 4- 5 triệu đồng/năm.

Sau đó, được các ngành chức năng đầu tư thủy lợi khép kín, thường xuyên tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật nên kiến thức canh tác của người dân nâng lên, chi phí đầu tư giảm, năng suất tăng, giá cả tăng qua từng năm.

Cụ thể, năm 2014 giá bưởi khoảng 10.000- 11.000 đ/kg, năm 2015 thì 12.000- 13.000 đ/kg, năm 2016 là 14.000- 15.000 đ/kg.

Từ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã ngày càng cao hơn. Cụ thể, giai đoạn 2005- 2010 chỉ 17 triệu đồng/người/năm, đến giai đoạn 2010- 2015 là 30,5 triệu đồng/người/năm, năm 2016 đạt 35,89 triệu đồng/người/năm và dự kiến trong năm nay là 40 triệu đồng/người/năm. Qua mô hình cho thấy hiệu quả mang lại tăng gấp 10 lần so trồng lúa.

Đạt được kết quả trên, phải kể đến sự quan tâm của các ngành chức năng thông qua việc xúc tiến quảng bá và đăng ký thương hiệu bưởi Năm Roi, đã tạo điều kiện đảm bảo đầu ra và nâng cao giá trị cho trái bưởi. Điều đáng tự hào nữa là, bưởi Năm Roi đạt top 10 trái cây ngon ĐBSCL.

Song, vấn đề ông Nguyễn Văn Phi băn khoăn hiện nay là đầu ra thị trường tiêu thụ, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật của người dân vẫn còn hạn chế, bưởi đạt loại I và loại II còn thấp, chiếm khoảng 25- 30% sản lượng bưởi. Nhưng nhìn chung, việc chuyển đổi từ cây lúa sang trồng bưởi Năm Roi bước đầu đã mang lại hiệu quả, đời sống người dân ngày càng phát triển.

Tại lễ đón bằng công nhận xã Mỹ Hòa đạt chuẩn NTM, đồng chí Nguyễn Hiếu Nghĩa- Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Bình Minh- lưu ý: “Xã cần giữ vững và phát triển cây bưởi Năm Roi trở thành đặc sản và vươn tới thương hiệu quốc gia; đồng thời gắn với phát triển du lịch sinh thái vì hiện nay xã Mỹ Hòa là có tiềm năng tốt nhất”.

Điều này cho thấy, cây bưởi Năm Roi sẽ vẫn là cây trồng chủ lực, gắn bó mật thiết trong tiến trình phát triển xã Mỹ Hòa. Vấn đề còn lại là cần phát huy nhân tố con người trong việc nâng cao chất lượng và giá trị cây bưởi Năm Roi.

 

Hiện, xã Mỹ Hòa đang phát triển nhiều mô hình hiệu quả. Nổi bật là mô hình trồng hoa trên các tuyến đường, góp vốn xoay vòng giúp nhau làm kinh tế, chăn nuôi dê thịt. Bên cạnh, xã còn được Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh hỗ trợ mô hình trồng bưởi theo GlobalGAP, VietGAP (95ha) giúp bán ra cao hơn giá thị trường 1.000 đ/kg. Mô hình tưới phun trên cây có múi do Phòng Kinh tế- Hạ tầng thị xã hỗ trợ cũng đã giúp người dân tiết kiệm chi phí và nhân công trong sản xuất.

  • Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI