Chăm chút cho sản phẩm homestay Vĩnh Long

Cập nhật, 05:21, Thứ Ba, 24/10/2017 (GMT+7)

Sản phẩm homestay đã được hình thành từ rất sớm, khi mà du lịch Vĩnh Long còn ở “buổi đầu mò mẫm” liên kết, mở tour với các hãng lữ hành nước ngoài.

Trải qua nhiều giai đoạn, nhằm thích ứng, cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp du lịch của Vĩnh Long không ngừng cải thiện, nâng cấp sản phẩm nhằm hướng đến gần với “bản chất” của homestay mà vẫn tạo được nét riêng.

Ông Lê Văn Hiến trong ngôi nhà xưa Homestay Út Thủy.
Ông Lê Văn Hiến trong ngôi nhà xưa Homestay Út Thủy.

Cần sức bật mới

Có thể thấy, dòng đời của sản phẩm homestay khá dài và bền vững, tuy nhiên, nó vẫn phải không ngừng tự làm mới mình để thích ứng với mỗi giai đoạn phát triển, thậm chí đáp ứng với từng dạng khách, từng nhóm khách riêng biệt.

Tất cả các sản phẩm du lịch đều đòi hỏi có sự đầu tư công phu, chi phí ban đầu và chi phí để sản phẩm tồn tại, không xuống cấp.

Trong đó, chi phí về “chất xám” cũng là cái khó lớn; bởi điều này mới có thể làm nên sự khác biệt một cách đặc biệt. Với homestay, sự đầu tư, chăm chút cho cái hồn cốt của sản phẩm có lẽ là cái khó cho các nhà đầu tư.

Trong quy hoạch phát triển tầm ngắn và trung hạn của tỉnh Vĩnh Long, cũng luôn đưa homestay vào một trong những thế mạnh chính cùng với thiên nhiên sông nước và những vườn cây ăn trái.

Đây được xem như điểm nhấn cốt lõi để thực hiện thành công Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy, xác định mục tiêu đến năm 2020 đưa du lịch Vĩnh Long cơ bản ngành kinh tế quan trọng thành ngành kinh tế mũi nhọn..., đưa du lịch Vĩnh Long trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực và cả nước.

Đây là mục tiêu mà chính các doanh nghiệp du lịch của tỉnh được xem là “nhân vật chính”, nhưng để tạo được sức bật và sự phát triển một cách mạnh mẽ, rõ rệt nhất thì nhiều doanh nghiệp đều rất cần đến những cơ chế, sự đãi ngộ đặc biệt mà quan trọng hơn cả là sự quan tâm, sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt hơn, cụ thể hơn từ các cơ quan, chính quyền địa phương.

Ông Lê Văn Hiến- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Cửu Long- viện dẫn cụ thể: “Sự trỗi dậy một cách mạnh mẽ gần đây nhất của Đồng Tháp rõ ràng có sự “xắn tay” vào trực tiếp của BCĐ du lịch của tỉnh mà cụ thể trưởng ban này là người lãnh đạo cao nhất của tỉnh.

Bên cạnh đó, là sự tham mưu của những chuyên gia giỏi, có tâm huyết, tạo nên những sự kiện, những cuộc xúc tiến lớn ở tầm quốc gia, để sản phẩm địa phương tạo được tiếng vang”.

Đó là sự thành công đã gắn được với thế mạnh, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Những doanh nghiệp du lịch của Vĩnh Long nhiều năm qua đã nỗ lực vượt qua những khó khăn trong sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và cũng đang rất cần có những sức bật mới, thực sự mạnh mẽ để tạo nên những thay đổi lớn.

Bởi không có sự quyết liệt trong đầu tư và thu hút đầu tư, cũng như tự thân các doanh nghiệp không ngừng hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm thì mục tiêu đề ra cho du lịch năm 2020 là thực sự rất khó khăn.

Chăm chút cái hồn của homestay

Phía trước là khoảng sân rộng có thể tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời.
Phía trước là khoảng sân rộng có thể tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời.

Đầu tư, suy nghĩ xây dựng được một sản phẩm đã là một thành công ban đầu, nhưng để thực sự hiệu quả, thu hút hấp dẫn được du khách thì rất cần sự thiết kế, tổ chức chuyên nghiệp cao.

Điển hình như chúng ta xác định thế mạnh homestay, nhưng làm sao tạo sự khác biệt không thể lập lại ở nơi khác?

Ngay trên địa bàn của Vĩnh Long, mỗi homestay cũng phải mang nét riêng, linh hồn riêng, bởi đây là hình thức du lịch đưa người khách đến gần hơn với sinh hoạt, văn hóa truyền thống địa phương, thông qua mỗi nếp nhà mà du khách được lưu lại.

Đó là sự gần hơn, gắn bó với gia chủ, với từng thành viên gia đình.

Đó chính là yếu tố tạo nên thành công, “thương hiệu” cho các “chủ nhà” như: Sáu Giáo, Tám Hổ, Ba Lình,... ở thời kỳ du lịch còn chưa phát triển mạnh mẽ như ngày nay.

Thực tế thì hầu hết các doanh nghiệp du lịch, lữ hành ở Vĩnh Long những năm gần đây, đều rất quan tâm, đầu tư cho sản phẩm homestay, giờ đây riêng 4 xã cù lao huyện Long Hồ đã có đến hàng chục điểm đón khách, trong đó có những doanh nghiệp mạnh nâng cấp sản phẩm có thể đáp ứng nhu cầu cao của du khách trong và ngoài nước.

Đó là sự nỗ lực đáng ghi nhận. Điểm Homestay Út Thủy của Công ty CP Du lịch Cửu Long là một ví dụ.

Chị Thủy- quản lý điểm Homestay Út Thủy- cho biết: “Ngay từ buổi đầu xây dựng điểm này, lãnh đạo công ty đã quan tâm cố gắng chăm chút từng góc kiến trúc, lối bài trí, cho đến cách sắp đặt từng đồ vật trong nhà, sao cho tạo nên sự ấm cúng, sự gợi nhớ về nếp nhà Nam Bộ xưa”.

Nhà được xây dựng cố gắng giữ kiến trúc không gian nhà 3 gian 2 chái của Nam Bộ, với gian chính thờ tổ tiên ông bà, đặt bộ tràng kỷ, cùng với bộ ván ngựa bên gian nhà phụ.

Điểm khác biệt là tất cả các phòng ngủ của khách cũng được thiết kế gắn liền bên trong gian nhà, làm sao để gắn với mọi sinh hoạt trong gia đình đúng nghĩa homestay.

Từ trong nhà cho tới những cảnh quan xung quanh đều rất quan trọng, góc sân, góc vườn, bờ ao... đều được thiết kế hoa kiểng, bon sai và nhiều loại cây ăn trái quen thuộc của miền Tây Nam Bộ.

Thế mạnh của nhà xưa Út Thủy chính là sự kết nối với Khu du lịch An Bình, tạo nên không gian có thể cùng lúc đáp ứng được nhiều dạng khách trong và ngoài nước.

Trong dòng sản phẩm homestay- được xem là một trong những thế mạnh của Vĩnh Long, chúng ta cần thêm nhiều điểm đón khách được đầu tư chăm chút như thế; tạo được sự tiện nghi phục vụ nhu cầu cao nhưng cũng đem lại cho du khách những trải nghiệm đặc biệt trong một ngôi nhà ở miền Tây Nam Bộ.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG