Tác động tăng giá các dịch vụ y tế đối với người không tham gia BHYT

Cập nhật, 08:09, Chủ Nhật, 28/05/2017 (GMT+7)

 

Người bệnh không có BHYT sẽ phải chi nhiều tiền nếu xét nghiệm kỹ thuật cao.
Người bệnh không có BHYT sẽ phải chi nhiều tiền nếu xét nghiệm kỹ thuật cao.

BHYT là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội.

Luật BHYT ra đời, là một đạo luật quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình tiến tới BHYT toàn dân, đồng thời tạo thành hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác BHYT toàn dân trong giai đoạn tới.

Trong những năm qua, y học phát triển, nhiều dịch vụ kỹ thuật y tế đã đưa vào phục vụ điều trị được quỹ BHYT thanh toán 80- 95- 100% chi phí, đã góp phần mang lại hiệu quả trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Chi phí khám chữa bệnh (KCB) cho 1 trường hợp bệnh nhân BHYT lên vài trăm triệu không còn cá biệt mà trở thành phổ biến, đặc biệt có một bệnh nhân nam sinh năm 1980, ở Vũng Liêm chi phí điều trị trong một năm trên 4,3 tỷ đồng.

Vừa qua (15/3/2017), Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở KCB của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp (Thông tư 02), chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6.

Theo đó, thông tư quy định mức tối đa khung giá dịch vụ KCB cho 1.916 dịch vụ y tế, bao gồm: Mức giá tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; dịch vụ ngày giường điều trị; dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm… điều chỉnh tăng giá trung bình khoảng 20- 30% so với mức giá hiện hành.

Các mức giá này là tương đương giữa nhóm có BHYT và không có BHYT, để tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT trong chi trả chi phí cho bệnh viện, khuyến khích người chưa có thẻ BHYT tham gia BHYT;

Thông tư 02 không làm ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội đồng thời tạo thuận lợi cho cơ sở y tế trong việc thu và quản lý nguồn thu; các bệnh viện có kinh phí để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Một số dịch vụ kỹ thuật tăng giá rất mạnh như đối với dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh PET/CT chi phí cao 20 triệu; chụp X-quang động mạch vành hoặc thông tim, chụp buồng tim dưới DSA tăng từ 5,1 triệu đồng lên gần 5,8 triệu đồng;

chụp và can thiệp tim mạch dưới DSA từ 6 triệu lên gần 6,7 triệu đồng; nội soi ổ bụng từ 575.000đ tăng lên 793.000đ, nội soi thực quản- dạ dày- tá tràng có sinh thiết tăng từ 220.000đ lên 385.000đ... bệnh nhân sử dụng các kỹ thuật cao chi phí lớn trong điều trị các bệnh hiểm nghèo nếu người bệnh có BHYT sẽ được quỹ BHYT thanh toán một phần theo quy định, sẽ bớt đi gánh nặng tài chính chi phí cho điều trị, chi phí thanh toán này lên tới 80%.

Nhóm tăng giá rất đáng kể là các giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện khi người bệnh điều trị bất kể loại hình KCB ngoại trú hay nội trú, điều trị ngắn ngày hay dài ngày.

Riêng nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị đều có mức tăng giá rất mạnh, cao gấp 2- 4 lần so với giá viện phí hiện tại. Cụ thể, tiền khám bệnh đã tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng I và hạng II.

Tuy nhiên, để hạn chế tác động đến người không có BHYT thì việc tăng giá dịch vụ y tế cũng sẽ được thực hiện theo lộ trình thời gian đối với các cơ sở KCB được cơ quan có thẩm quyền phân loại là đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: thời điểm thực hiện kể từ ngày 1/6/2017;

các cơ sở KCB được cơ quan có thẩm quyền phân loại là đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên hoặc đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: thời điểm thực hiện vào tháng 8, tháng 10 hoặc tháng 12/2017 và phải thực hiện trong năm 2017.

Tăng giá các dịch vụ y tế nhằm góp phần nâng cao chất lượng KCB, tạo lòng tin nhân dân nhưng sẽ gây áp lực lớn đối với người dân chưa tham gia BHYT, trong tháng 7/2017, Chính phủ có Nghị định tăng lương cơ sở đồng nghĩa với mức đóng BHYT đối với hộ gia đình sẽ tăng.

Để tránh rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính khi không may rủi ro ốm đau bệnh tật mọi người hãy tích cực tham gia BHYT, trước mắt để phòng rủi ro khi ốm đau bệnh tật, nếu không sử dụng thẻ BHYT thì chia sẻ với cộng đồng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi lộ trình BHYT toàn dân đến 2020.

Ths.Bs Lưu Văn Tuấn- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Long