Cho em hòa nhập cộng đồng

Cập nhật, 07:32, Thứ Sáu, 26/05/2017 (GMT+7)

Dù mới thành lập khoảng 2 năm nay, Trung tâm Phục hồi chức năng huyện Tam Bình đã giúp nhiều nạn nhân chất độc da cam phục hồi chức năng, sớm vượt qua khuyết tật và hòa nhập cộng đồng.

Thêm dụng cụ, tăng cơ hội hòa nhập cho nạn nhân da cam.
Thêm dụng cụ, tăng cơ hội hòa nhập cho nạn nhân da cam.

Nhân đôi hạnh phúc

Các trung tâm phục hồi chức năng như “chiếc phao cứu cánh” cho những cuộc đời bất hạnh, nhất là những nạn nhân da cam. Vì khi được tập vật lý trị liệu, các em không chỉ giảm được đau đớn mà còn phục hồi được một số chức năng cơ bản.

Chị Lê Thị Hiền (xã Hựu Thành- Trà Ôn) nắm tay đứa con gái nhỏ nhắn, mừng vui hạnh phúc: “Năm nay bé Quỳnh đã đi được”.

Chị Hiền rớt nước mắt kể về đứa con gái bé bỏng- Phạm Lê Như Quỳnh đang tập tễnh những bước đi đầu tiên bên mẹ. “2 năm trước, con tui chỉ nằm một chỗ mà thôi! Hơn 2 tuổi mà không biết lật, không biết trườn, không biết đi, không biết nói”. Bây giờ, dù những bước chân của bé chưa vững nhưng đã là niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình.

Chị Hiền nói: “Nhờ đi tập ở Trung tâm Tam Bình 2 năm nay mới được như vầy”. Bé Quỳnh đã biết đi và hiểu lời mẹ dạy. Tuy mới ê a vài tiếng, nhưng mỗi khi gặp người lớn, Quỳnh khoanh tay thật tròn và cúi đầu chào.

Chị Lê Thị Hiền và con gái Như Quỳnh.
Chị Lê Thị Hiền và con gái Như Quỳnh.

Chúng tôi gặp lại bé Nguyễn Văn Thái- con anh Nguyễn Văn Thanh (xã Tường Lộc- Tam Bình)- sau 2 năm.

Thái đã lớn hơn nhiều và biết nói dù ngọng ngịu và không thể đi đứng như bạn bè. Anh Thanh vừa ẵm con vừa nói: “Nó mê đi tập vật lý trị liệu lắm, bữa nào không đi được là giận ba luôn”. Rồi anh khoe con trai đã nói được nhiều hơn, bớt gồng cơ hơn trước.

Thái chỉ tay xuống ghế, ngọng nghịu nói với ba: “Ồi uống di da” (ngồi xuống đi ba). Anh Thái cười mắt long lanh: “Thương con lắm, hôm nào không đưa đi tập được thì ở nhà tự tập cho con, mong con đỡ hơn chút nào vợ chồng tôi mừng chút nấy”.

Bé Nguyễn Phạm Hồng Tân và em song sinh là Hồng Tú (xã Hòa Bình- Trà Ôn) đang học lớp 5. Ngày nào mẹ các em là chị Phạm Thị Hồng Thắm cũng tranh thủ đưa các con đi tập. Chị Thắm nói: “Không có điều kiện đưa con đi Vĩnh Long, may mà có trung tâm ở Tam Bình, tui vừa bán vé số vừa đưa con đi tập cũng được”.

Thêm dụng cụ, tăng niềm vui

Cuối tháng 4 vừa qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Vĩnh Long phối hợp với nhà tài trợ trao tặng bộ dụng cụ tập luyện cho Trung tâm Phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Tam Bình.

Bộ dụng cụ gồm 10 thiết bị như: thang gỗ, thang nấc tập khớp vai (cong hoặc thẳng), dụng cụ tập khớp gối cho người khuyết tật vận động, bàn tập cơ bàn tay và ngón tay, giàn tập cơ cánh tay, giàn kéo trợ giúp tập 2 tay và kéo cổ, cầu thang tập đi, bóp tay lò xo, bàn lăn massage tay-chân.

Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Tam Bình Lê Thị Phỉ cho biết, trung tâm được thành lập từ tháng 8/2015 nhằm tạo điều kiện cho hơn 1.500 đối tượng là nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật thuộc 2 huyện Tam Bình và Trà Ôn đến luyện tập.

Thời gian qua, do điều kiện sức khỏe, kinh tế khó khăn nên nhiều người vẫn chưa có điều kiện đến trung tâm luyện tập. Trung tâm cũng chưa có đầy đủ các thiết bị luyện tập nên hạn chế trong việc hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam bị khuyết tật trí tuệ, vận động, tập luyện. 

Hiện tại, mỗi ngày có 12-15 lượt người đến trung tâm để được hỗ trợ luyện tập phục hồi chức năng. Các dụng cụ này sẽ giúp việc luyện tập của nạn nhân chất độc da cam được thường xuyên và đầy đủ hơn, giúp họ từng bước phục hồi các khuyết tật trên cơ thể.

Việc phát hiện và can thiệp sớm các dạng khuyết tật của nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam rất quan trọng, từ đó đưa ra các biện pháp phục hồi chức năng phù hợp. Bên cạnh đó, người thân của các nạn nhân chất độc da cam cần được trang bị kiến thức, kỹ năng về phục hồi chức năng để chăm sóc, tập luyện cho người khuyết tật.

  • Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Vĩnh Long Phan Thanh Rạng cho biết, Trung tâm Phục hồi chức năng của bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu tại TP Vĩnh Long Long và Trung tâm Phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Tam Bình đã hỗ trợ tập luyện cho trên 4.000 lượt nạn nhân chất độc da cam bị khuyết tật trí tuệ và vận động.

  •  

     

    Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương nắm danh sách cụ thể từng đối tượng để vận động gia đình đưa họ đến tập luyện, đồng thời sử dụng hiệu quả các dụng cụ tập luyện được hỗ trợ, để từng bước giúp các nạn nhân chất độc da cam phục hồi chức năng, sớm vượt qua khuyết tật và hòa nhập cộng đồng.
     


Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN

Chị Lê Thị Hiền và con gái Như Quỳnh.
Chị Lê Thị Hiền và con gái Như Quỳnh.