'Người tình' bên ngôi nhà cổ ở Sa Đéc

Cập nhật, 06:37, Thứ Năm, 02/06/2016 (GMT+7)

 Bên bờ sông Tiền ở TP.Sa Đéc có nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê (số 255A Nguyễn Huệ, phường 2). Ngôi nhà cổ không chỉ có giá trị về nghệ thuật kiến trúc mà còn là nơi ghi dấu một chuyện tình lãng mạn xuyên biên giới…

Cuối tháng 5-2016, chúng tôi được hướng dẫn đến thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê xây cất vào năm 1895. Nhìn bên ngoài, ngôi nhà mang dáng dấp biệt thự Tây Âu nhưng có mái lợp ngói âm dương, ở hai đầu mái cong vút lên như hình chiếc ghe biểu trưng của vùng sông nước miền Tây.

Bước vào  trong, nhà có ba gian đúng kiểu truyền thống Nam Bộ, cách bài trí nội thất mang đậm nét phương Đông với vật liệu chính là gỗ quý, những bao lam chạm lộng, tủ giường cẩn xà cừ…

Đặc biệt, nền nhà lát bằng gạch bông chở từ Pháp qua, nền ở cả ba gian đều trũng ở giữa, nhiều người nhầm tưởng là do đất sụt lún.

Kỳ thật, đó là theo quan niệm của người Hoa, gia chủ mong muốn giữ lại của cải, không để thất thoát… Sự kết hợp kiến trúc Pháp - Hoa - Việt hài hoà này khiến du khách không khỏi thán phục bàn tay tài hoa của người thợ vùng Sa Đéc ngày xưa. 

Chân dung Huỳnh Thủy Lê
Chân dung Huỳnh Thủy Lê

Cũng chính ngôi nhà này, người con trai út mang tên Huỳnh Thủy Lê được sinh ra (1897). Tuổi niên thiếu, Huỳnh công tử được cha cho du học nhiều năm ở Paris. Về nước, chàng giúp cha kinh doanh, buôn bán…

Năm 1929, trên đường từ Sài Gòn về Sa Đéc, khi qua phà Mỹ Thuận, trái tim chàng trai 32 tuổi ấy đã rất “choáng” trước vẻ kiều diễm của một cô gái người Pháp mới 15 tuổi tên là Marguerite Donnadieu. Cô sinh năm 1914 tại Gia Định, cha mẹ cô đều làm nghề dạy học.

Cuộc sống ngày càng khó khăn nên gia đình cô vừa mới chuyển từ Sài Gòn về Sa Đéc sinh sống, và chuyến phà định mệnh ấy là khởi đầu cho một cuộc tình lãng mạn nhưng cũng đầy bi thương.

Margeurite Duras thời trẻ
Margeurite Duras thời trẻ

Sau lần gặp gỡ đầu tiên là những lần hẹn hò tâm sự, họ quấn quýt bên nhau, lúc thì ở Sa Đéc, lúc thì đưa nhau về Sài Gòn. Chàng là công tử, ăn chơi lịch lãm không hề tiếc tiền. Nàng tuy là thiếu nữ mới lớn nhưng trong tình yêu lại khá “thoáng” theo lối sống Âu Tây.

Tuy nhiên, khi Huỳnh Thủy Lê thưa chuyện với cha về ý định lấy Marguerite làm vợ thì vấp phải sự chống đối kịch liệt của ông Huỳnh Cẩm Thuận.

Cách đây một thế kỷ, những cuộc hôn nhân dị chủng Đông - Tây rất thường bị dị nghị. Hơn nữa, để làm thông gia với ông chủ chành gạo, giàu có bậc nhất Sa Đéc phải là nơi “môn đăng hộ đối” chứ ông mà thèm sui gia với bà giáo nghèo người Pháp, hiệu trưởng Trường École de Jeunes Filles (trường Trưng Vương, Sa Đéc hiện nay) ư?

Còn mẹ nàng thì luôn kiêu hãnh là dân “mẫu quốc”, bà luôn coi thường dân “thuộc địa”, làm sao có thể kết thân?

Một nguyên nhân khác khiến ông Thuận ra sức cản ngăn mối tình của con trai là do Huỳnh gia đang lâm cảnh nợ nần làm ăn thua lỗ, chỉ có cưới con gái của một điền chủ người Việt ở Mỹ Tho mới cứu được gia thế của ông khỏi cảnh phá sản.

Người con gái ấy cũng là một giai nhân, nàng tên là Nguyễn Thị Mỹ, đã được ông âm thầm “nhắm” cho con trai mình suốt 10 năm nay.

Phần Huỳnh Thủy Lê, tuy rất yêu Marguerite nhưng lại gặp phải sự lãnh đạm từ phía gia đình nàng. Có lần, chàng mời cả gia đình nàng đến ăn tại một nhà hàng sang trọng bậc nhất Sài Gòn.

Mặc cho chàng niềm nở đón tiếp, mẹ và 2 người anh của nàng cứ thoải mái “chén” mà không hề lưu tâm đến người đã mời họ. Sau này, khi trở thành nhà văn, Marguerite Duras đã viết: “Họ ăn một cách ngấu nghiến như chưa từng được ăn… Họ đã đối xử với người tình của tôi như thế. Không một lời cám ơn với người đã trả tiền bữa ăn ngon lành đó…” (Người tình).

Vợ chồng ông Huỳnh Thủy Lê và bà Nguyễn Thị Mỹ
Vợ chồng ông Huỳnh Thủy Lê và bà Nguyễn Thị Mỹ

Sau nhiều nguyên nhân, thấy khó có thể cùng với Marguerite chung sống bền lâu, Huỳnh Thủy Lê đành vâng lời thân phụ cưới cô Nguyễn Thị Mỹ làm vợ.

Ngày cưới của chàng, dòng họ Huỳnh hoan hỉ bao nhiêu thì tim Marguerite tan nát bấy nhiêu. Rồi nàng suy sụp suốt môt thời gian dài. Thấy con gái lâm vào tình cảnh như thế, gia đình nàng quyết định trở về Pháp sinh sống. Khi ấy, Marguerite mới 18 tuổi…

Hình 5 người con của Huỳnh Thủy Lê
Hình 5 người con của Huỳnh Thủy Lê

Vợ chồng ông Huỳnh Thủy Lê có 5 người con (3 gái, 2 trai), tất cả đều được gởi qua du học tại Pháp. Đó cũng là cái cớ để mỗi lần sang Pháp thăm các con, Huỳnh Thủy Lê lại kiếm mọi cách để tìm lại người xưa. Cuối cùng thì ông cũng biết được chỗ ở và số điện thoại của Marguerite.

Nhưng tất cả những lần hẹn gặp của ông đều bị nàng từ chối… Huỳnh Thủy Lê mất năm 1972 tại Sài Gòn và được đưa về Sa Đéc an táng theo di nguyện của ông – về nằm giữa lòng đất, nơi ghi dấu mối tình tuyệt vời nhất đời mình.

Nam diễn viên Lương Gia Huy người đóng vai HTL trong phim Người tình
Nam diễn viên Lương Gia Huy người đóng vai HTL trong phim Người tình

Về phần Marguerite, năm 1943 bà bỏ tên Donnadieu để lấy tên Duras (tên một làng quê, có ngôi nhà của cha mẹ của bà). Bà làm nhiều nghề nhưng dừng lại ở nghề viết văn (ký tên Marguerite Duras) và ngập chìm trong rượu và thuốc lá.

Có lẽ những “dấu ấn” về mối tình đầu nơi xứ Đông Dương đã hằn sâu trong trái tim bà nên dù trải qua 2 cuộc hôn nhân, bà vẫn không được hạnh phúc…

Sau hơn nửa thế kỷ ôm ấp những hoài niệm về cuộc tình xưa, năm 1984 nữ nhà văn Marguerite Duras cho ra đời cuốn tiểu thuyết Người tình (nguyên tác L’amant) kể lại chính cuộc tình của mình với Huỳnh công tử.

Cuốn tiểu thuyết ngay lập tức gây dư luận, được trao giải Goncourt (giải thưởng văn học danh giá nhất nước Pháp). Rồi được dịch ra 43 thứ tiếng và được đạo diễn Jean Jacques Annaud dựng thành phim với diễn viên Jane March (Pháp, vai Marguerite) và diễn viên Lương Gia Huy (Hồng Kông, vai Huỳnh Thuỷ Lê). Bộ phim Người tình (L’amant) được dàn dựng công phu với nhiều cảnh quay tại VN như: dòng sông Tiền, bến phà Mỹ Thuận, TP.Sài Gòn… và đặc biệt ngôi nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê là bối cảnh chính của phim. Năm 1991, phim Người tình đã được công chiếu lần đầu tiên tại VN.

Từ khi cuốn tiểu thuyết và bộ phim Người tình lưu hành rộng rãi trên toàn cầu thì ngôi nhà cổ của ông Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc trở thành “mỏ vàng” của ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp với rất nhiều đoàn khách quốc tế  đếng tham quan. Hôm chúng tôi đến đây, dù không là ngày lễ, nhưng chỉ trong một buổi sáng mà đã có đến 3 đoàn khách Âu Mỹ đến tham quan. Đủ nói lên sức hấp dẫn của… "Người tình"!

Bà Marguerite Duras mất năm 1996 tại Pháp, thọ 82 tuổi.

Marguerite Duras khi viết
Marguerite Duras khi viết "Người tình"

 

Nữ diễn viên Jane March người đóng vai Marguerite Duras
Nữ diễn viên Jane March người đóng vai Marguerite Duras

 

Du khách Tây thích thú tham quan ngôi nhà cổ
Du khách Tây thích thú tham quan ngôi nhà cổ

Theo HÀ ĐÌNH NGUYÊN (tamnhin.net)