Hãy "nói không" với thất nghiệp!

Cập nhật, 16:37, Thứ Tư, 24/05/2017 (GMT+7)

 

Sinh viên trao đổi với doanh nghiệp.
Sinh viên trao đổi với doanh nghiệp.

Chuyện cử nhân thất nghiệp đã trở thành nỗi “ám ảnh” của nhiều người, để tìm hiểu nguyên nhân và có câu trả lời cho vấn đề này, Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long vừa tổ chức hội thảo về việc làm. Đó là một buổi kết nối cung- cầu lao động, để doanh nghiệp và sinh viên (SV) có thể trực tiếp trao đổi.

Tại sao thất nghiệp?

Việc làm sau khi tốt nghiệp là vấn đề bức xúc không chỉ với bản thân SV mà cả gia đình, xã hội. Giảng viên Nguyễn Quốc Bình- Khoa Tài chính của trường này cho rằng: Thứ nhất là kinh tế đang phục hồi nhưng còn chậm nên có sự cạnh tranh gay gắt hơn trong tuyển dụng lao động.

Thứ hai là cơ sở đào tạo ngày càng nhiều trong khi doanh nghiệp và số lượng việc làm phát triển chưa tương xứng. Tuy nhiên, thầy Bình cũng nhấn mạnh điều quan trọng nhất vẫn là SV chưa thật sự chủ động.

“Học tủ để đối phó hay bằng mọi cách để đạt tấm bằng khá giỏi nhưng năng lực không tới thì như khoác áo gấm cho một cơ thể nghèo nàn”- thầy Bình cũng đề cập nguyên nhân từ nhà trường “đào tạo cung vượt cầu”.

Nhiều SV vào ĐH, CĐ không phải vì đam mê, sở thích mà đơn giản là chọn đại “một ngành, một trường nào đó để học”. Cũng có SV đam mê nhưng khi học thì không rèn luyện thêm những kỹ năng khác. Theo Khoa Quản trị của trường ghi nhận ở các doanh nghiệp, thì “lao động trẻ còn yếu về ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp”.

Nói về những trường hợp tuyển dụng lao động tại đơn vị mình, ông Phạm Thanh Hải- Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh Vĩnh Long- làm cho nhiều người “cười ra… nước mắt”: “Có những lao động xin vào làm nhưng khi yêu cầu kể 1 sản phẩm bất kỳ của ngân hàng thì… cười hì hì, em không biết”.

Ông Hải nhấn mạnh: Các bạn mỗi ngày lên mạng xã hội mấy tiếng mà không nhín ra được chút thời gian lên trang web ngân hàng xem thông tin là sao?

Ông Phạm Văn Thiện- Giám đốc Công ty TNHH Thương mại- Dịch vụ và Du lịch Thiên Ý Thành thì cho biết “có những ứng viên tôi loại ngay ở vòng gửi xe”.

Ấn tượng đầu tiên với người ứng tuyển là rất quan trọng, nên khi xem camera ghi hình ở bãi xe có thể thấy tác phong của người ứng tuyển trước khi vào phỏng vấn: có đậu xe ngay ngắn không, tác phong thế nào, chỉn chu không…

Thói quen xấu của một số bạn trẻ hiện nay là thiếu tôn trọng người khác. Ông Thiện ví dụ nhiều trường hợp xài “giờ dây thun” khi đến phỏng vấn.

Thậm chí, có trường hợp không đến phỏng vấn được cũng không điện thoại báo, để doanh nghiệp phải chờ. “Mới đây, tôi có hẹn phỏng vấn một lao động mà phải đợi từ sáng sớm đến 11 giờ mới nhận được tin nhắn “anh ơi, hôm nay em không khỏe, em không đến được…!”- ông nói.

Ngay khi buổi hội thảo đang diễn ra thì cũng không ít SV chăm chú vào màn hình điện thoại.

Đến khi được đặt câu hỏi thì chỉ có vài SV tham gia. Ấn tượng bởi cách xưng hô của một SV nữ với giám đốc ngân hàng: “Chú ơi, cho con hỏi…”- ông Thanh Hải cười nửa đùa nửa thật: “Ngay cả cách giao tiếp như vậy cũng có thể đánh rớt rồi, vì sao không gọi là anh trong khi tuổi của tôi cũng không quá lớn!”

Hành động ngay bây giờ

Theo ông Nguyễn Thành Nhân- Trưởng Phòng Lao động việc làm thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh thì: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp, chủ quan có, khách quan có. Quan trọng là chúng ta có thể làm gì ngay bây giờ để nói không với thất nghiệp.

Ông Phạm Văn Thiện cho rằng: “Tuyển được người trung thực, biết quý tài sản công còn quý hơn tuyển được một nhân tài”.

Và ông cho rằng tính tiết kiệm phải được rèn luyện ngay từ gia đình. Một người lao động tốt không chỉ làm tốt công việc của mình mà còn phải biết tiết kiệm cho bản thân, gia đình, công ty mình đang làm việc.

Ông Phạm Thanh Hải- vốn là cựu SV Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long- nói ngắn gọn: “SV hoạt động phong trào tốt, 100% có việc làm”.

Nói chuyện cùng SV với tư cách là đàn anh, ông khuyên SV nên “học thật để làm thật” tức là học cho hiểu để làm chứ không học vẹt để lấy điểm cao rồi lại quên hết những gì thầy dạy. Thêm vào đó, là chủ động rèn luyện những kỹ năng cho mình như: giao tiếp, làm việc nhóm, thích nghi… qua quá trình trải nghiệm.

Các doanh nghiệp không đòi hỏi kinh nghiệm ở SV mới, thậm chí họ có thể đào tạo lại để SV đáp ứng nhu cầu công việc.

Tuy nhiên, vấn đề là mỗi cá nhân phải chủ động học hỏi, làm việc và say mê với ngành nghề mình chọn. Bên cạnh đó là việc rèn luyện kỹ năng cần thiết cho mỗi công việc. Có như vậy các bạn trẻ mới có thể “nói không” với thất nghiệp.

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và phân tích chính sách: Có đến 91% cựu SV cho rằng chương trình quá nặng về lý thuyết; 89% than thở nhà trường thiếu đào tạo kỹ năng làm việc.

 

Theo đó, tính phù hợp của chương trình với thị trường lao động đạt một con số khiêm tốn là 12%. Cũng theo kết quả nghiên cứu này, chỉ có 24% SV cho rằng kiến thức được học phù hợp với doanh nghiệp, 76% cho rằng công việc không phù hợp thực tế.

 


Bài, ảnh: CAO HUYỀN