Vượt qua khiếm khuyết

Cập nhật, 07:31, Thứ Ba, 18/04/2017 (GMT+7)

Dù đôi mắt không thể nhìn thấy ánh sáng, đôi chân không thể đi lại bình thường và đôi tay không còn khả năng cầm nắm… song, những khiếm khuyết của cơ thể vẫn không thể ngăn cản được ước mơ của họ.

Với sự nỗ lực, họ đã cần mẫn làm việc để chiến thắng số phận, trở thành người hữu ích bằng chính niềm tin và nghị lực của mình.

“Trang trại“ chăn nuôi thỏ của anh Bùi Văn Minh(xã Bình Phước- Mang Thít).
“Trang trại“ chăn nuôi thỏ của anh Bùi Văn Minh(xã Bình Phước- Mang Thít).

Tự tin hòa nhập

Khiếm khuyết tay chân và gia đình khó khăn nhưng đó vẫn không là rào cản để Huỳnh Phương Thảo (xã Thới Hòa- Trà Ôn) nuôi dưỡng ước mơ vào giảng đường ĐH Cần Thơ. 12 năm liền là học sinh giỏi, kết quả lớp 12 đạt 9,1 và kết quả thi ĐH đạt 21,5 điểm- đó là cả quá trình vượt khó của Thảo- em hiện là sinh viên năm 2 ngành công nghệ thông tin.

Đôi tay khoèo khiến Thảo viết rất khó khăn. Khuyết tật nên Thảo rất khó khăn khi giao tiếp với mọi người, song em vẫn lạc quan.

Thảo tâm sự: “Nhờ sự động viên, giúp đỡ của gia đình, thầy cô, bạn bè đã trở thành động lực giúp em không ngừng cố gắng học tập để vươn lên. Em chọn ngành công nghệ thông tin vì không cần di chuyển nhiều, lại có nhiều ứng dụng, chương trình hỗ trợ… nên phù hợp với bản thân”.

Thời gian đầu vào học, Thảo cũng khá bỡ ngỡ, nhưng em tập quen dần và thích nghi được với môi trường.

“Không biết với các bạn bình thường thì sao, nhưng đối với em, từ lâu em đã chấp nhận cơ thể khiếm khuyết của mình. Em không tự ti hay mặc cảm, mà chỉ biết vận dụng những gì còn lại trên cơ thể để giúp ích cho mình trong việc học và cuộc sống”- Thảo tự tin nói.

Khu vui chơi trẻ em ở Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên vào ngày cuối tuần có khá đông các bé nhỏ đến vui chơi. Bên kệ hàng là những thanh gỗ nhỏ treo lủng lẳng những sản phẩm bằng hạt cườm: móc khóa, lọ hoa hay những con vật dễ thương…

Em Ngọc Giàu (21 tuổi, xã Trường An- TP Vĩnh Long) cười vui khi có khách đến mua hàng. Giàu bị khiếm thính cộng thêm đôi mắt bị bệnh chỉ thấy lờ mờ song em có nụ cười rất tươi.

Phúc- em trai của Giàu (lớp 11 Trường Cấp 2-3 Trưng Vương) cho biết: “Chị Giàu được học nghề kết cườm. Chị thích lắm, mày mò xâu kết tối ngày để làm ra móc khóa, bình hoa,… Nhưng do mắt mờ nên chị làm cả ngày mới xong cái móc khóa. Lâu lâu cuối tuần em chở chị xuống đây bán, ngày rằm thì bán ở chùa. Bán được hàng, chị em vui lắm”.

Được khách hàng khen các sản phẩm dễ thương, Giàu cười hiền, xoa xoa cái tay mình. Em Phúc phiên dịch: “Chị Giàu cám ơn chị nhiều lắm đó. Tối nay, 2 chị em bán hơn chục móc khóa, 4 bình bông rồi. Chị Giàu mừng lắm”.

Niềm vui của chị em Ngọc Giàu với những sản phẩm hạt cườm thu hút khách.
Niềm vui của chị em Ngọc Giàu với những sản phẩm hạt cườm thu hút khách.

Nơi trao “cần câu” cho người khuyết tật

Với phương châm hoạt động “Trao cần câu cho người khuyết tật (NKT) chứ không cho con cá”, Hội về NKT, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long đã vận động mọi tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong và ngoài nước chung tay góp sức chăm lo cho NKT vượt qua trở ngại về hoàn cảnh, bệnh tật hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Căn nhà tình thương nằm giữa vườn xanh mát đã là nơi an cư của gia đình anh Bùi Văn Minh (ấp Phước Thới A, xã Bình Phước- Mang Thít).

Năm anh Minh tròn 2 tuổi, cơn sốt bại liệt khiến cho đôi chân anh co rút. Lập gia đình, gia cảnh nghèo khó khiến anh Minh luôn ray rứt với suy nghĩ phải làm gì để vượt lên khiếm khuyết bản thân cùng vợ lao động chăm lo cho 2 con ăn học.

Nhờ Nhà nước hỗ trợ cất nhà tình thương, cùng với nguồn vốn vay ưu đãi, anh Minh mua thỏ về nuôi. Hiện, anh nuôi hơn 700 con thỏ, tiền bán thỏ cùng với tiền hỗ trợ NKT cũng giúp anh trang trải trong gia đình. Ngoài ra, anh được Hội về NKT, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo huyện hỗ trợ nhà vệ sinh tự hoại, sinh hoạt cá nhân của anh Minh đỡ bất tiện hơn trước.

Hộ anh Minh là một trong gần 1.650 hộ được hỗ trợ nhà vệ sinh cho NKT do Hội về NKT, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh xây dựng với kinh phí gần 5 tỷ đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho NKT và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Đây là những người mù đôi mắt, thương tật, bại liệt không tự đi lại được, rất khó khăn trong sinh hoạt cá nhân. Họ rất cần phương tiện vệ sinh cá nhân nhưng do gia đình nghèo, cận nghèo nên không có khả năng. Chi phí bình quân khoảng 6 triệu đồng cho mỗi nhà vệ sinh tự hoại trong nhà.

Từ sự giúp đỡ của Hội về NKT, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo và cộng đồng mà nhiều NKT đã có được mái ấm ổn định và điều kiện sinh kế tốt hơn.

Chị Nguyễn Mỹ Liên (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) nhờ sự giúp đỡ của địa phương mà có được ngôi nhà lành lặn. Nhờ vốn hỗ trợ, chị chăn nuôi để thêm thu nhập và lo cho con cái học hành.

Chị Nguyễn Thị Bích Châu (Phường 2- TP Vĩnh Long) cho biết: “Dù khuyết tật nhưng tôi không buông xuôi số phận, cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Tôi rất biết ơn các thầy cô trong hội đã giới thiệu, giúp đỡ tôi học nghề, có việc làm ổn định, nuôi sống bản thân”

Cả xã hội đang chung tay, dồn sức hỗ trợ cho NKT. Việc dạy cho NKT một nghề thích hợp và tạo việc làm cho họ chính là đã trao “cần câu” để họ tự làm chủ cuộc sống, từng bước hòa nhập cộng đồng.

 

Bằng các nguồn quỹ vận động, Hội về NKT, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo đã trợ vốn sinh kế trên 1,8 tỷ đồng, giúp gần 1.500 NKT giúp họ tự tạo việc làm thêm, như: bán vé số, buôn bán nhỏ, sửa điện tử, gia công đồ mộc, làm thủ công, chăn nuôi... Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 4.500 NKT có việc làm ổn định với thu nhập từ 1 triệu đến vài triệu đồng/tháng.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN