Tạo điều kiện để người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng

Cập nhật, 06:05, Thứ Ba, 07/02/2017 (GMT+7)
Vướng vào vòng lao lý, cố gắng cải tạo tốt để làm lại cuộc đời, nhưng khi hòa nhập cộng đồng lại gặp không ít khó khăn: không nghề nghiệp, thiếu vốn, bị kỳ thị,... Từ thực tế trên, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai mô hình tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành án phạt tù, giúp họ tự tin sống và cống hiến cho xã hội.
Công an xã Long Phước thường xuyên quan tâm, giúp đỡ người lầm lỗi, giúp họ tự tin hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.
Công an xã Long Phước thường xuyên quan tâm, giúp đỡ người lầm lỗi, giúp họ tự tin hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.

Trách nhiệm toàn xã hội

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến phạm tội như: lười lao động, có lối sống thực dụng, muốn thể hiện bản thân, bị đồng tiền cám dỗ,…

Tuy trong quá trình chấp hành án được cải tạo, giáo dục, rèn luyện nhưng khi về địa phương vẫn phải đối mặt với sự nghi kỵ của xã hội, từ đó dẫn đến mặc cảm với lỗi lầm và xa lánh cộng đồng nên rất dễ tái phạm.

Bên cạnh, vẫn còn nguyên nhân do không có việc làm, địa bàn cư trú phức tạp về an ninh trật tự, bạn bè xấu lôi kéo,..

Kết quả khảo sát trên còn cho thấy, những trường hợp phạm các tội như: trộm cắp tài sản, cướp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý gây thương tích,… thường có nguy cơ tái phạm cao.

Tuy nhiên, khi hòa nhập cộng đồng, những trường hợp này đều có nhu cầu học văn hóa hoặc vay vốn để kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Và đây cùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, đề cao tính nhân đạo, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, cũng như vai trò giám sát của nhân dân để họ tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.

Thống kê của Công an tỉnh Vĩnh Long, những người chấp hành án phạt tù trở về địa phương đều có việc làm, chủ yếu là công nhân. Số khác được cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể xã hội, doanh nghiệp giới thiệu hoặc tạo điều kiện, tiếp nhận, bố trí việc làm.

Năm 2016, có 404 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, trong đó có 278 người có việc làm. Có trường hợp làm kinh tế hiệu quả đã giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh và tích cực tham gia công tác xã hội, giữ gìn an ninh trật tự.

Cảm thông và chia sẻ

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ và tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù hòa nhập cộng đồng mang lại hiệu quả.

Theo Công an tỉnh, đến nay đã xây dựng được 86 mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, có sở giáo dục, trường giáo dưỡng tái hòa nhập cộng đồng”.

Tiêu biểu là xã Long Phước (Long Hồ), xã Mỹ An (Mang Thít) và thị trấn Vũng Liêm. Thành công của mô hình đã góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định, đảm bảo an ninh trật tự địa phương.

Theo Công an xã Long Phước, mô hình được triển khai từ năm 2012, đến nay đã tiếp nhận và quản lý 35 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, trong đó có 21 người có việc làm ổn định.

Ông Phan Văn Nhựt- Phó Trưởng Công an xã Long Phước- cho biết: Để mô hình này mang lại hiệu quả, công an xã đã đề xuất UBND xã phân công các ban ngành, đoàn thể tiếp nhận, quản lý, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. BCĐ mô hình thường xuyên đến từng gia đình, trực tiếp gặp gỡ từng cá nhân tìm hiểu nguyện vọng, hoàn cảnh sống, động viên họ an tâm lao động.

Đồng thời, giới thiệu việc làm, hỗ trợ cả tinh thần và vật chất lúc khó khăn, tuyên truyền pháp luật để ngăn ngừa tái phạm.

Năm 2016, có 14 trường hợp người chấp hành án phạt tù về địa phương còn gặp khó khăn được xã vận động các nhà hảo tâm thường xuyên hỗ trợ tiền và các nhu yếu phẩm thiết yếu.

Những trường hợp thiếu vốn sản xuất được xem xét vay vốn, như chị Nguyễn Thị Thu Cúc (ấp Phước Trinh A) đến nay đã khấm khá hơn nhờ chăn nuôi heo, gà.

Anh Phạm Minh Quang (ấp Long Thuận B) từng bị phạt 2 năm tù vì tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, sau khi mãn hạn tù về địa phương, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và cộng đồng, anh đã quyết tâm làm lại cuộc đời. Đến nay, anh đã có thu nhập ổn định từ nghề bỏ mối cà phê.

Anh Quang chia sẻ: “Mình luôn cố gắng cải tạo thật tốt để được sớm trở về với gia đình, nhưng khi về vẫn thấy mặc cảm vì lỗi lầm mình gây ra.

Cũng nhờ chính quyền địa phương thường xuyên gặp gỡ, động viên, cũng như giáo dục và giúp đỡ về vật chất và tinh thần nên dần xóa đi mặc cảm mà tự tin tái hòa nhập.

Tại buổi gặp mặt những người chấp hành án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng ở xã Long Phước trước Tết Nguyên đán, Trung tá Dương Văn Mừng- Đội trưởng Đội Hướng dẫn công tác thi hành án hình sự và hòa nhập cộng đồng (Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp- Công an tỉnh) đã đánh giá cao hiệu quả của mô hình trong việc bảo đảm an ninh trật tự địa phương và mong muốn người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương tuân thủ pháp luật, chí thú làm ăn để giúp ích cho gia đình và xã hội.

Thực hiện kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2015- 2016, người chấp hành xong án phạt tù được tiếp nhận, quản lý, giáo dục từ khi về địa phương đến khi được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú, cấp lại giấy chứng minh nhân dân và các loại giấy tờ cần thiết khác; được dạy nghề, giải quyết việc làm, được xem xét hỗ trợ cho vay vốn để sản xuất kinh doanh.

Tỉnh cũng khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; khuyến khích việc tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc trong các đơn vị, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh.

™Bài, ảnh: TRUNG HƯNG

TIN LIÊN QUAN