"Lòng mẹ rộng vô cùng"

Cập nhật, 05:58, Thứ Ba, 10/01/2017 (GMT+7)

Qua những cánh đồng lúa đang thì con gái, những con đường trải đá ngoằn ngoèo liên ấp ở xã Loan Mỹ (Tam Bình), chúng tôi đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Phương ở ấp Bình Phú.

Tết này, cháu con mừng mẹ thượng thọ 90 tuổi. Tóc mẹ đã bạc phơ nhưng những câu chuyện về chồng, về con, về cuộc kháng chiến trường kỳ thì vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc, rưng rưng nỗi lòng người vợ, người mẹ của những anh hùng liệt sĩ.

Hai vai nợ nước, thù nhà

Mẹ Phương và người con gái thứ tư kể lại chuyện xưa.
Mẹ Phương và người con gái thứ tư kể lại chuyện xưa.

Mẹ Bùi Thị Phương có 4 người con (1 trai, 3 gái). Và người con trai duy nhất ấy là liệt sĩ Trừ Minh Thương, hy sinh ngày 29/7/1969, rồi 2 tháng sau, chồng mẹ- ông Trừ Ngọc Giảng cũng trở thành liệt sĩ…

Mẹ Phương và ông Trừ Ngọc Giảng đến với nhau bằng tình yêu của những người chung chí hướng. Mẹ bùi ngùi nhớ lại năm 1946, 2 người gặp nhau trong một buổi biểu tình chống Pháp.

Bà kể: “Lúc đó, tôi lên đọc diễn văn về đời sống mới, ổng để ý thương rồi nhờ người nói dùm, đến năm 1949 thì chúng tôi cưới nhau”. Năm đó, mẹ Phương làm Trưởng Ban Phụ nữ xã Loan Mỹ, còn ông Trừ Ngọc Giảng làm Xã đội trưởng.

Người con trai duy nhất vừa 16 tuổi đã xin mẹ vào đoàn dân công. Mẹ Phương không chần chừ, còn bán gà sắm đồ đạc cho con.

Mẹ nói: “Lúc đó, tôi mua cho nó 2 khúc vải may liền 2 bộ bà ba bằng vải katê, một bộ màu đen, một bộ màu xanh”. Nhưng Trừ Minh Thương đi được 2 năm thì hy sinh trên đường đi công tác ở xã Hòa Hiệp (Tam Bình). “Hy sinh cùng con tôi còn có 2 đồng chí nữa, trong đó có 1 người nữ đang mang thai”- mẹ nói.

“Tôi hay tin thằng Hai mất khi đang cấy lúa. Hết biết trời đất gì, xỉu lên xỉu xuống, vừa đi vừa lết, anh em phải đỡ về nhà”- mẹ Phương nhìn xa xăm.

Rồi không đầy 3 tháng sau, ông Trừ Ngọc Giảng- lúc này là Phó Bí thư Huyện ủy Bình Minh cũng bị giặc giết ở xã Đồng Phú (Long Hồ). Lúc đầu mọi người định giấu không cho mẹ biết, nhưng đồng đội sợ mẹ không tìm được xác chồng nên cho hay.

Cô Tư- con gái thứ tư của mẹ Bùi Thị Phương kể lại: “Lúc đó, má tôi xỉu lên xỉu xuống, không hay biết gì nữa”. Song, mẹ Phương cố nén nỗi đau, cùng cha chèo ghe giả đi mua mận ở cù lao An Bình để tìm xác chồng.

Sau 2 ngày tìm kiếm thì mẹ được cho hay đã có người chôn cất ông. Nghe đồng đội ông kể lại, do có người chỉ điểm nên ông bị lính bao vây hầm kêu hàng, ông đã xông lên trước quăng lựu đạn cay cho 2 đồng chí bảo vệ chạy thoát, còn riêng mình bị chúng bắn chết.

Đến ngày hòa bình, hài cốt ông được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long. Mẹ nói: “Bà con chôn chồng tôi trên miếng đất như đất bình thường, may mà còn có người nhớ chỗ. Đào lên thì vẫn còn nguyên bộ bà ba đen, chai dầu gió ổng thường xài vẫn còn nước y nguyên”.

“Mẹ đào hầm lúc tuổi còn xanh”

Nỗi đau chồng chất nỗi đau, 2 người đàn ông trong gia đình cùng hy sinh trong năm nhưng mẹ vẫn vững một lòng theo cách mạng, tiếp tục cày cấy nuôi con, vừa hoạt động cách mạng và đào hầm nuôi chứa cán bộ.

Chiếc lu nuôi chứa cán bộ được gia đình mẹ Phương còn giữ đến ngày nay.
Chiếc lu nuôi chứa cán bộ được gia đình mẹ Phương còn giữ đến ngày nay.

Nhà mẹ có 4 cái lu xi măng đặt làm ở xóm lu Mỹ Hòa (Bình Minh) dùng làm hầm nuôi chứa cán bộ. Mẹ Phương chỉ về hướng sau nhà: “Đó, một cái trong nhà còn nguyên tôi đựng nước. 3 cái ngoài vườn bị bom làm bể hết rồi”.

Cô Tư kể về những hầm bí mật nhà mình mà chỉ có những người đủ gan dạ mới có thể đào hầm và nuôi chứa cán bộ: “Má tôi điềm tĩnh lắm, tụi lính tới xôm khắp trong nhà mà má vẫn tỉnh queo đi lấy nước dội chuồng heo. Vì ngay dưới chuồng heo má làm hầm bí mật, thấy dơ tụi lính không dám xôm chỗ đó”.

Không chỉ nuôi chứa cán bộ, mẹ Phương còn tiếp tế lương thực cho anh em. Mẹ vận động bà con “xin lúa đi chà gạo rồi gói bánh, làm đồ ăn chở vào cho bộ đội”.

Mẹ cười: “Lúc đó, tôi toàn đi đêm hôm khuya khoắt không hà. Tôi ngụy trang rất kỹ nên không bị phát hiện”. Mẹ Phương còn nhớ có lần giặc đi bố rất êm, gần đến nhà mẹ mới hay nên “mấy chú lúc đó kịp xuống hầm nhưng không kịp dấu radio và bình pi- đông đựng nước.

Tôi liền bỏ vô thùng, rải đậu mè lên. Tụi lính tra “bà già, giấu gì đó?” Tôi vẫn ngồi lựa đậu nói: “Tôi lựa đậu nấu chè ăn. Mấy chú rảnh ở lại ăn chén chè cho vui”. Vậy là tụi nó đi mất”.

Năm 1971, có tên chỉ điểm nên mẹ bị giặc bắt về Khám Lớn Vĩnh Long. Kéo 2 ống quần lên, mẹ cho chúng tôi xem những vết sẹo khi bị tra tấn bằng cây dầu vuông mà hơn 45 năm rồi vẫn còn trên chân mẹ.

“Nó còn lấy cây dầu vuông chọc vô họng tôi nữa”, nhưng mẹ quyết không khai và giữ vững quan điểm qua từng lời nói nên giặc không bắt tội được mẹ.

Đến năm 1972, chúng thả mẹ ra nhưng “ngày nào cũng đến nhà để kiểm tra”. Chúng kiểm ban ngày, thì ban đêm mẹ vẫn chèo xuồng đem lương thực cho bộ đội…

Mẹ Phương móm mém cười: “Ghét thằng Mỹ ngụy, thương cách mạng mình nên 3 đứa con gái tôi đều gả cho công an, bộ đội”. Lòng Mẹ Việt Nam anh hùng giản dị mà bao la như thế đó. Mẹ yêu chồng, thương con nhưng sẵn sàng tiễn con đi vì một tình yêu lớn hơn- tình yêu Tổ quốc!

Mẹ Phương còn nhớ những ngày tháng chồng xa nhà đi chiến đấu, mẹ bồng bế các con lên ghe rồi khăn gói đi thăm chồng: “Con Tư lớn nhất còn chưa phụ được gì, con Út thì còn bồng trên tay, hễ ổng đi đâu thì thăm ở đó. Mỗi lần đi thì cụ bị đồ ăn, bao giờ cũng có món ổng thích là cà ri gà ăn với bánh mì..., Mỗi lần đi phải ngụy trang như đi đám giỗ, vậy mà nhiều lần cũng bị địch giữ lại hạch hỏi đủ điều”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- NGỌC TRẢNG