Chó dẫn đường quay phim những người miệt thị ông chủ khiếm thị

Cập nhật, 07:53, Thứ Bảy, 07/01/2017 (GMT+7)

Để ghi lại thái độ miệt thị của mọi người, anh Amit Patel, một người khiếm thị, một chiếc máy quay nhỏ đã được đặt lên chú chó của anh.

Anh Amit Patel, người bị mất thị giác vào năm 2012, chia sẻ: “Thành phố này là một nơi đáng sợ. Lúc nào tôi cũng có cảm giác như sẽ có một ai đó dắt tôi đến Quảng Trường Trafalgar và bắt tôi “tự tìm đường về nhà”.”

Anh Amit Patel và chú chó Kika của mình. Ảnh: BBC
Anh Amit Patel và chú chó Kika của mình. Ảnh: BBC

Giờ đây, anh chỉ còn biết phụ thuộc vào Kika, chú chó dẫn đường của anh, để có thể đi dạo quanh những con phố quen thuộc mà anh đã từng đi.Những thước phim mà Kika ghi lại đã chỉ ra rằng, người dân ở thành phố London mà anh đang ở không phải lúc nào cũng thân thiện.

Anh Patel chia sẻ: “Kika đã bị rất nhiều người đánh và bắt nạt. Hôm vừa rồi, một người phụ nữ đã chặn tôi lại và bắt tôi xin lỗi những người khác vì tôi đã cản trở việc đi lại của họ.Lúc đó, tôi cảm thấy thật sự bất ngờ.”

Bác sĩ của anh Patel đã tìm ra giải pháp cho việc phân biệt đối xử này.Ông đã gắn một chiếc máy quay hành trình (GoPro) lên Kika để ghi lại từng hình ảnh trên các cung đường mà anh Patel đã đi.Vợ của anh Patel, chị Seema, sau đó sẽ xem lại các hình ảnh này nếu chị cảm thấy có điều gì bất thường.

Theo lời anh Patel kể lại, khi anh gặp rắc rối ở ga tàu London, không ai có ý định giúp anh.“Tôi đã cầu cứu mọi người nhưng không ai đến giúp.Khi đó, máy quay đã ghi được rất nhiều người đứng xung quanh và nhìn tôi.Mãi một lúc sau, mới có một nhân viên đến để giúp tôi.Câu đầu tiên mà anh ta nói với tôi là “Xin lỗi, vừa rồi tôi không nhìn thấy anh”.Lúc đó, tôi cảm thấy rất khó chịu.Liệu anh ta có nói như vậy với người có thị giác tốt không?Việc anh ta lừa phỉnh tôi như vậy khiến tôi rất tức giận.”

Đoạn băng ghi lại sự miệt thị trên đã được gửi đến Network Rail – công  ty quản lý tàu điện ở Anh – để làm bằng chứng cho những lời than phiền của anh Patel về thái độ phục vụ của nhân viên nơi đây.

Anh Patel chia sẻ, “vụ việc trên làm tôi cảm thấy bị xúc phạm nhưng may mắn thay, tôi đã ghi lại được tất cả. Máy quay đã ghi lại được toàn bộ những gì đã xảy ra với tôi ngày hôm đó.Nhờ vậy, tôi có thể đến công ty Network Rail và nói với họ rằng “đây là những gì mà tôi đã trải qua và việc phân biệt đối xử này cần phải được loại bỏ”.”

Network Rail đã điều tra những thông tin có trong đoạn băng và quyết định huấn luyện nhân viên của mình kĩ càng hơn.

Phát ngôn viên của công ty cho biết: “Mặc dù việc đã xảy ra không phải do nhà ga gây nên, nhưng chúng tôi công nhận rằng khi ở trong nhà ga, rất khó để có thể xác định phương hướng. Chính vì vậy, chúng tôi đã thuê thêm nhân viên để có thể giúp đỡ khách đi tàu”.

Patel chia sẻ rằng từ khi anh bị mất thị giác, anh dường như có thể cảm nhận được miệt thị mà những người khiếm thị khác đã, đang và sẽ phải đối mặt: “Một trong những điều tôi nhận ra khi thị giác của mình mất đi, đó là sự cô đơn mà tôi phải trải qua. Khi tôi di chuyển bằng các phương tiện công cộng, tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ lo lắng, sợ sệt, ngồi ở cuối xe. Tôi thậm chí còn không thể nghe nhạc vì lúc nào tôi cũng phải chú ý nghe xung quanh, nghe các thông báo của nhà ga”.

Anh Patel và Kika trên một chuyến tàu điện ngầm. Ảnh: BBC
Anh Patel và Kika trên một chuyến tàu điện ngầm. Ảnh: BBC

Thị giác bất ngờ mất đi

Anh Patel phát hiện ra mình mắc chứng “keratoconus” – một chứng bệnh khiến giác mạc của anh bị thay đổi hình dạng – khi đang học năm cuối ở trường dược.

Khi mới phát hiện ra bệnh, anh Patel đã phải đeo kính áp tròng nhằm giữ nguyên hình dạng cho giác mạc.Anh cũng đã phải trải qua 6 cuộc giải phẫu cấy ghép giác mạc, tuy nhiên, tất cả đều thất bại.

Trong 48 tiếng, hàng loạt mạch máu ở mắt anh bị vỡ, khiến anh mất đi thị giác của mình.

Anh Patel kể rằng “Mỗi sáng ngủ dậy, tôi đều hi vọng mình có thể lại được nhìn thấy mọi thứ. Trong 6 tháng đầu tiên, tôi cảm thấy khá buồn chán và tuyệt vọng, tôi thường tự nhốt mình trong nhà vệ sinh và khóc.Khi đó, tôi chỉ nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ có thể nhìn thấy những người mà mình yêu thương nữa.Khi thị giác bạn mất đi, đến tài xế taxi cũng lờ bạn đi.Kể cả khi bạn có gọi điện đến công ty, họ cũng sẽ chỉ nói rằng họ đã không nhìn thấy bạn.Trong khi đó, máy quay ghi lại được những hình ảnh ngược lại.Họ đã nhìn thấy bạn nhưng họ cố tình bỏ đi.”

Anh Patel kể lại một tình huống khác anh gặp ở ga tàu điện ngầm “Mọi người đều cho rằng tôi có thể tự tránh các chướng ngại vật nhờ có chó dẫn đường và họ khiến chúng tôi phải đi gần đường ray. Nhiều lúc, khi tôi định ngồi xuống ghế mà Kika đã tìm được cho tôi, một người khác sẽ đến, ngồi vào chỗ đó và nhất quyết khôngnhường chỗ cho tôi”.

Cuộc sống của Patel đã thay đổi hoàn toàn từ khi anh mất đi thị giác. Anh Patel từng là một bác sĩ tại Bệnh viện University College. Anh đã quyết định chuyển đến ở vùng New Eltham (miền Nam London) để vợ anh có thể tiết kiệm thời gian khi đi làm và dành nhiều thời gian ở bên anh hơn./.

Theo CTV Lê Ngọc Hà/VOV.VN