Mong một nhịp cầu nối đôi bờ vui

Cập nhật, 14:38, Thứ Tư, 13/07/2016 (GMT+7)

 

Hàng ngày, hơn 100 cháu nhỏ ở lứa tuổi mầm non, tiểu học phải
Hàng ngày, hơn 100 cháu nhỏ ở lứa tuổi mầm non, tiểu học phải "vượt sông" bằng đò đến trường.

Chỉ sau một cơn mưa tối hôm trước, con đường nhỏ thuộc ấp Phú Tân (xã Phú Thịnh- Tam Bình) đã trở nên lầy lội và trơn trợt. Đường sá đi lại vốn đã khó khăn lại không có cầu, nên mỗi khi muốn qua ấp Phú An (cách con sông Pô Kê), người dân ở ấp Phú Tân buộc phải đi đò. Gọi là đò nhưng đó chỉ là chiếc tam bản nhỏ hết sức mong manh, không có phao cứu sinh.

Đáng nói là mỗi ngày có hơn 600 hộ dân sinh sống ở ấp Phú Tân và ấp Phú An qua lại ở khúc sông này bằng đò trong tâm trạng bất an. Còn nếu không muốn đi đò thì họ phải đi đường vòng gần 4km, rất mất thời gian trong khi đường sá sình lầy lắm “ổ gà”.

Quần xắn tới gối, chân dính đầy sình, chú Nguyễn Văn Sáu (ấp Phú Tân) cho biết: “Hồi nào giờ ở đây không có cầu, đi lại cực khổ dữ lắm. Người dân ở đây toàn đi đò mà đi đò cũng “trông nước” lớn chứ nước ròng đi rất vất vả. Ai hổng muốn đi đò thì đi đường vòng 4 cây số, mà hễ trời mưa thì chân cẳng dính sình như vầy nè”.

Đã vậy, ở ấp Phú Tân hiện có hơn 100 học sinh hàng ngày phải “vượt sông” để đến Trường Mẫu giáo Hoa Đào và Trường Tiểu học Phú Thịnh B nằm trên địa bàn ấp Phú An. Ở lứa tuổi mầm non, tiểu học, các em chưa ý thức được hết mức độ nguy hiểm đang rình rập mỗi khi qua lại trên con sông Pô Kê vốn có nhiều tàu ghe lớn thường xuyên qua lại.

“Con nít nhỏ xíu không mà đi học bằng đò nên lo lắm. Nhà nào có con đi học phải canh đưa, rồi rước bất tiện dữ lắm. Đó là chưa kể tụi nhỏ hay đùa giỡn mà chiếc xuồng nhỏ xíu vậy… lỡ có gì thì ai mà lường trước được”- cô Tô Thị Bé Hai (ấp Phú An) bức xúc nói.

Với tình trạng như trên, mong ước về một cây cầu mới nối liền ấp Phú Tân với ấp Phú An là hết sức chính đáng. Song để làm được điều đó, cần hơn nữa sự chung tay của các cấp chính quyền, sự đồng lòng của người dân địa phương và sự hỗ trợ nhiệt tình từ các nhà hảo tâm.

“Mong muốn lớn nhất của chính quyền địa phương và bà con nơi đây là có được chiếc cầu. Tuy nhiên, điều kiện của xã hiện nay còn rất khó khăn nên rất cần sự góp sức từ các nhà hảo tâm để xây dựng chiếc cầu. Tạo điều kiện để bà con giao thương hàng hóa, hơn hết là con đường đến trường của các em học sinh được an toàn cũng là góp phần cho xã phát triển về kinh tế- xã hội”- bà Lê Thị Thu Chức- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh chia sẻ.

Bài, ảnh: Tấn Tân- Ngọc Liễu