Lo cho đồng bào vùng khó

Cập nhật, 07:29, Thứ Tư, 13/07/2016 (GMT+7)

 

Anh Trần Thanh Hồng vừa là “chủ” cơ sở gia công cũng vừa là “công nhân” đang phơi nhang.
Anh Trần Thanh Hồng vừa là “chủ” cơ sở gia công cũng vừa là “công nhân” đang phơi nhang.

Bản thân trước đây cũng chỉ là những người thợ, những người làm thuê, nhưng nhờ cần cù chịu khó, họ đã vươn lên trở thành những người chủ nhỏ. Điều đáng ghi nhận là họ đã xây dựng những cơ sở làm ăn ngay chính trên xóm ấp quê mình, rồi từ đó tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho bà con xung quanh.

Đem việc về vùng sâu

Ấp Bình Phú (xã Loan Mỹ- Tam Bình) là vùng có đông đồng bào Khmer, với trên 70% dân số ấp. Con đường đất vào đây sau mấy ngày mưa càng trở nên lầy lội; vậy mà ở ngay xóm nhỏ này, mấy năm nay đã có một cơ sở may gia công xuất khẩu, tạo thu nhập trên dưới 3,5 triệu đồng/người/tháng cho mấy chục người dân.

Đa phần bà con nơi đây đều có rất ít đất sản xuất, không có vốn liếng trong tay, nên việc làm ổn định này đã trở thành nguồn thu nhập đáng kể. Điều đáng nói là cơ sở may này do chính vợ chồng người thợ may- anh Trần Thanh Hiền và chị Quyên- gầy dựng nên, mà trước đây họ cũng chẳng khá giả gì.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hiệp- Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bình Phú- cho biết: “Đời sống người dân ấp này giờ khấm khá hơn trước rất nhiều, nhất là chị em khi tham gia lao động tại tổ gia công may mặc xuất khẩu này”.

Theo anh Hiền, thì 5- 6 năm trước, vợ chồng anh gầy dựng nên tổ gia công ban đầu chỉ có 1- 2 máy, nhờ làm ăn uy tín tạo được sự tin tưởng nên hàng nhận may gia công từ TP Hồ Chí Minh ngày càng nhiều, dần dần “nở nồi” lên đến vài chục máy.

Ngoài ra, trong ấp có nhiều bà con nhận hàng về nhà làm, do đó, dù người già hay trẻ em cũng có thể tham gia những khâu đơn giản như cắt chỉ, kết cườm,...

Nói “phong trào” có vẻ to tát, nhưng từ đây tạo nên thói quen cho tất cả mọi người là ai cũng không muốn ngơi tay, hễ có thời gian là xúm lại làm hàng kiếm thêm đồng ra đồng vào.

“Từ khi có cuộc vận động Học tập và làm theo gương Bác, chúng tôi đã đến tuyên truyền cho người dân địa phương phải tự lực cánh sinh, vươn lên vượt thoát đói nghèo bằng sự cần cù lao động, không trông chờ ỷ lại từ sự giúp đỡ của Nhà nước, người dân đã hiểu và đồng thuận làm theo”- chị Nguyễn Thị Mỹ Hiệp giải thích.

Có lẽ, đây cũng là lý do mà vừa qua trong cuộc thi kể chuyện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chị đều đạt giải nhất ở cấp xã và cấp huyện.

Chị Hồ Thị Nguyệt đi may tại đây, cho biết: “Gia đình tôi rất khó khăn vì chỉ có 3 công ruộng mà có đến 3 đứa con, nên phải lo đi làm thuê, làm mướn kiếm thêm mới đủ sống, mà công việc ngày càng thưa dần. Từ khi có tổ may mặc, cuộc sống rất ổn, không còn lo thiếu trước hụt sau”.

Điều đáng quý và rất ngạc nhiên là tuy tổ hợp tác do tư nhân bỏ vốn đầu tư nhưng thời gian làm việc tương tự như các cơ quan nhà nước. Công nhân có mặt lúc 7 giờ và kết thúc vào lúc 17 giờ, tăng ca thì tính thêm theo sản phẩm. Riêng cơm trưa được chủ cơ sở lo với món ăn thay đổi liên tục.

Những người lao động gặp khó khăn, đau ốm đột xuất đều được hỗ trợ kịp thời tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa người lao động và người thuê lao động.

Chị Lê Thị Thu cho biết thêm: “Tôi làm ở đây khoảng 2 năm rồi, mỗi tháng được trên 3 triệu đồng/tháng, mỗi ngày làm việc 8 tiếng, những ngày lễ, tết nếu làm tăng ca có thêm thu nhập từ 500.000- 800.000 đ/tháng, được tặng quà đón tết. Đã vậy, được chủ cơ sở lo cho bữa cơm trưa. Chị em rất mừng vì có việc làm rất ổn định”.

Những “hạt nhân” thoát nghèo

Được sự giới thiệu của ông Nguyễn Hồng Phúc- Bí thư Chi bộ ấp Đông Hậu (xã Ngãi Tứ), chúng tôi đến thăm xóm nhang được hình thành từ hơn 5 năm trước. Người gầy dựng nên xóm nhang này là anh Trần Thanh Hồng (33 tuổi).

Anh cho biết: Hồi 14 tuổi, mình đã từng đi làm thuê nghề nhang tuốt trên Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. Còn: “Hiện nay, nhang do cơ sở sản xuất của tôi gia công làm ra không đủ cung ứng cho thị trường dù đã lao động tất bật ngày đêm”- anh Hồng cho biết.

Cơ sở may gia công ở ấp Bình Phú (xã Loan Mỹ).
Cơ sở may gia công ở ấp Bình Phú (xã Loan Mỹ).

Chị Lê Thị Kiều vui vẻ chia sẻ: “Do sức khỏe tôi không tốt, đi lại khó khăn nên không biết làm gì để kiếm thêm thu nhập. Chỉ từ khi làm nhang cho các nhà gần đây, cuộc sống đã ổn định, mỗi tháng thu nhập từ 3- 3,5  triệu đồng”.

Cùng hoàn cảnh khó khăn như chị Kiều, bà Hà Thị Chín (66 tuổi) cho biết: “Tôi có 3 đứa con, trong đó có 1 đứa bệnh tâm thần, nhờ có việc làm tại đây mỗi tháng kiếm được trên 3 triệu để lo thang thuốc cho con. Mừng lắm, bởi mình đâu có ruộng đất gì đâu, mà tuổi cũng đã cao quá rồi”.

Theo anh Hồng, làm nhang bây giờ sướng lắm hổng cực như cái thời phơi, xay lá gòn, mà toàn bộ nguyên liệu sản xuất được mua từ TP Hồ Chí Minh đã chế biến sẵn. Hiện tại, giá tre lồ ồ loại thân tròn là 750.000 đ/kg, loại thân vuông là 470.000 đ/kg. Sau đó chân tre được nhúng màu phơi nắng từ 8- 10 tiếng.

Công đoạn tiếp theo là phủ bột trộn keo và tẩm mùi thơm rồi xe lên các thanh tre bằng các máy móc, sau đó đem phơi nắng và bó lại thành kiện. Hiện nay cơ sở của anh đã trang bị được 2 máy xe nhang thủ công với công suất bình quân 10 thiên/ngày/máy. Hiện nay, hàng chục hộ gia đình xung quanh nhận hàng gia công từ anh Hồng.

Những công việc đơn giản, nhẹ nhàng phù hợp với mọi người mà không phải tốn kém nhiều chi phí đầu tư, rất phù hợp với nhiều đối tượng bà con nông thôn vùng sâu, vùng khó khăn, cũng không khó để nhân rộng mô hình ra ở nhiều địa bàn khác nhau.

Quan trọng là cần có những cán bộ cơ sở nhiệt tâm, những người thợ cần cù năng động trở thành những người “chủ nhỏ”; có thể gọi họ là những “hạt nhân” thoát nghèo ở nông thôn.

 

Anh Hiền- chủ cơ sở may gia công ấp Bình Phú- cho biết: “Hiện nay cơ sở này đang có 18 máy may chuyên nghiệp với 18 công nhân lành nghề sử dụng. Trên 20 lao động làm công đoạn cắt chỉ, kết cườm tại nhà với thu nhập 2- 2,5 triệu đồng/người/tháng”.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG