NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI KHUYẾT TẬT 3/12

Vượt lên khiếm khuyết

Cập nhật, 06:49, Thứ Ba, 03/12/2013 (GMT+7)

Họ là 2 trong những người khuyết tật đã vượt qua nỗi mặc cảm cơ thể để cố gắng mưu sinh bằng sức lao động của mình. Không chỉ có thế, ở họ còn có niềm lạc quan, tự tin và đầy yêu thương để sống có ích, có ý nghĩa!

1. Thời gian qua, bất kỳ du khách nào có dịp về Vĩnh Long, đến cù lao An Bình hoặc ghé quán nước công viên TP Vĩnh Long cũng thoáng bất ngờ với một thanh niên có cái đầu và gương mặt lạ thường. Thoạt nhìn, ai cũng tưởng một người đeo mặt nạ ông Địa chơi trò múa lân, nhưng nhìn kỹ mới biết là người bệnh tật.


Anh Ba Lép và cha.

Người thanh niên với cái đầu to dị thường này thường điều khiển chiếc xe đạp chở theo sau con gấu bông to lớn kèm tấm bảng “Ba Lép bán vé số TP Vĩnh Long”. Theo những người quanh khu vực bến phà cù lao An Bình, “anh Ba Lép tuy vui vẻ lắm nhưng đôi tai không nghe rõ nên giao tiếp với anh rất khó”.

Cha của anh Ba Lép- ông Lê Văn Vui (69 tuổi, Phường 2- TP Vĩnh Long) tâm sự: “Tên thiệt của con trai tui là Lê Hữu Hiền, nó 37 tuổi. Từ nhỏ, dưới cằm thằng Lép có một cục u rồi ngày càng phát triển. Năm 2- 3 tuổi, mẹ nó bỏ nhà đi, tui gà trống nuôi con. Tội nghiệp, thằng con học tới lớp 3 thì hổng chịu đi học vì cục bướu bự bất thường, bạn chọc ghẹo quá. Nó ở nhà, thui thủi và không chơi với ai vì mặc cảm”.

Đến năm anh Hiền gần 20 tuổi, cha anh mới dành dụm một ít tiền lên Bệnh viện Ung bướu ở TP Hồ Chí Minh khám nhưng bác sĩ bảo Hiền bị bướu cằm không thể chữa hoặc cắt bỏ, có chăng ở nước ngoài mới làm được. Hơn thế, do u phát triển lớn nên bít màng nhĩ và Hiền không thể nghe được, thậm chí tìm máy trợ thính cũng không có cái nào vừa với Hiền.
 
“Thương con lắm nhưng với tiền chạy xe đạp ôm, tui không có khả năng đưa con đi nước ngoài chữa trị”- ông tâm sự.

Rồi, anh Hiền về nói với cha mình sẽ đi bán vé số và tự lập nuôi bản thân, san sẻ gánh lo với cha bởi việc chạy xe ôm của ông không còn được nhiều khách nữa.

Chúng tôi nhìn quanh phòng khách, thấy trên tường có dán đầy lịch thi đấu bóng đá, những tấm hình anh Hiền chụp chung với khách du lịch nước ngoài, với cha... Phía trên giường ngủ của anh còn có hồ nuôi cá vàng.
 
Ông Vui cười vui: “Của thằng Lép hết đó. Nó mê bóng đá lắm. Kỳ Seagame, Word Cup gì coi xong còn ghi tỷ số trận đấu nữa. Cái cổng rào sơn xanh, sơn đỏ là do thằng Lép sơn luôn đó. Thằng con đi bán về cứ lụi hụi làm này nọ suốt. Có cá tính lắm nghen, đồ nó để đâu phải để y đó nó mới chịu”.

Anh Hiền đi bán vé số về, thấy chúng tôi, anh gật đầu chào rồi đứng ngoài sân. Ông Vui gọi vào, anh khoe hôm nay bán được nhiều vé số, rồi lấy album hình của mình ra cho chúng tôi xem. Nào là hình anh mặc áo đỏ Việt Nam xuống đường cổ động bóng đá. Nào hình hiếm hoi chụp chung với mẹ trong dịp mẹ về thăm anh. Hình hai cha con anh chụp đi biển…
 
Khi nói về cái bướu trên người, anh ra dấu và nói những câu không tròn. Ông Vui phải giúp anh nói với chúng tôi: “Nó nói càm bự ra và cứng hơn nên đau lắm, không thở bằng mũi được, chỉ thở bằng miệng thôi”.

Dù tật nguyền nhưng anh Hiền vẫn rất lạc quan, vui vẻ và giúp đỡ người khác. Một người hàng xóm cho biết khi kẹt xe, anh Hiền xuống đường để ra hiệu chỉ dẫn cho luồng xe được lưu thông.
 
Biết trẻ con trong xóm sợ mình, anh Hiền thường tránh tiếp xúc với chúng hoặc né chúng đi. Khi chia tay, anh Hiền vẫn nói những tiếng chưa tròn: “Tôi là Ba Lép bán vé số ở bến phà trước khách sạn Cửu Long đó”!

2. 4 giờ 30 phút sáng mỗi ngày, chú Phạm Hoàng Sơn (xã Tường Lộc- Tam Bình) lại cọc cạch trên chiếc xe lắc bắt đầu ngày mới với công việc bán vé số. Đối với chú Sơn: “Ngày nào tui không đi bán là chịu không nỗi… Tết tui cũng đi bán nữa”.


Hàng ngày, chú Sơn vẫn đi bán vé số để nuôi sống bản thân và lo cho gia đình.

Chiến tranh đã cướp đi đôi chân nhưng không thể cướp đi nghị lực sống của chú. Năm 1968, chú Sơn lúc đó mới 6 tuổi bị trúng đạn pháo và không còn đi được trên đôi chân của mình. Vượt qua nỗi buồn của số phận, chú quyết tâm “phải sống cho tốt”

. Cưới vợ và ra riêng với đôi bàn tay trắng, vợ chồng chú Sơn phải “buông dầm cầm chèo”. Chú nhớ những ngày đi tận Trà Ôn để mua mì về làm bột. Rồi nghề làm bột không còn thịnh, chú chuyển sang học nghề làm bánh tráng giấy.
 
2 giờ sáng, đôi bàn tay chú lại thoăn thoắt trên những chiếc khuôn bánh. Được vài năm thì bánh tráng giấy cung nhiều hơn cầu và sức khỏe đã không còn như trước, chú chuyển sang bán vé số cho đến nay. Chú Sơn nói: “Làm việc này không được thì tui chuyển sang việc khác”. Kết quả, sau thời gian dành dụm vợ chồng chú mua được gần 5 công đất vườn.

Nụ cười hiền, chú Sơn nói về 2 con của mình: “Con trai đi lái taxi, còn con gái làm kế toán. Hàng tháng đều gửi tiền về cho nhưng vợ chồng tôi để dành lại cho tụi nó, tự mình làm mình sống”. Cô Nguyễn Hồng Thu- hàng xóm chú Sơn- cho rằng: “Anh Sơn dạy 2 con ngoan lắm”. Chú Sơn cười: “Tôi chỉ biết dạy con phải sống hiền lành, thật thà”.

Không chỉ vậy, chú Sơn còn có lòng thương người. Trên mảnh vườn của chú hiện có 2 ngôi mộ của những người không thân thích. Chú từ tốn nói: “Thấy người ta nghèo khó, chết cũng không có đất chôn thì mình cho chôn vậy chứ có gì đâu”.

Những người khuyết tật- họ vốn dĩ không may mắn có được cuộc sống bình thường như bao nhiêu người khác. Song, không vì thế mà họ mặc cảm, tự ti rồi buông xuôi, trái lại, nhiều người đã tự ý thức vươn lên trong cuộc sống, để không là gánh nặng cho gia đình, cho xã hội.

Bài, ảnh: NGHI HUYỀN