Nhân ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS

Xóa bỏ định kiến xã hội về HIV/AIDS

Cập nhật, 09:50, Thứ Bảy, 30/11/2013 (GMT+7)

Hiện nay, tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS vẫn ngày càng tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, nếu xét theo tổng thể thì công tác phòng chống HIV/AIDS của các cấp, các ngành đã góp phần giảm sự lây lan một cách tích cực, giúp người nhiễm và cộng đồng có cái nhìn thực tế hơn về căn bệnh AIDS, cảm thông và chia sẻ đối với những người không may bị nhiễm HIV/AIDS. Thế nhưng, thực tế trong xã hội định kiến đối với người bị HIV/AIDS vẫn còn…

Có một số suy nghĩ khá phổ biến nhưng lại nguy hiểm vì cho rằng do tiêm chích ma túy hoặc là gái mại dâm mới có thể nhiễm HIV. Chính những suy nghĩ ấy mà mọi người mới có thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người bị bệnh.


Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống HIV/ADIS là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Trong ảnh: Đoàn viên thanh niên tham gia hội thi kiến thức về phòng chống HIV/AIDS


Hậu quả của kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV là họ bị xa lánh, ruồng bỏ, bị tổn thương, không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị để bảo vệ họ và những người khác, làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Vì thế khi biết mình nhiễm HIV, người bệnh sẽ cảm thấy e ngại và hoặc giấu hẳn tình trạng nhiễm của mình để rồi HIV lại được dịp “âm thầm” phát tán.

Có rất nhiều người vẫn tự hỏi “tại sao mình bị nhiễm HIV?” Chúng ta nên hiểu rằng không phải tất cả những người nhiễm HIV đều dính dáng đến cái hành vi không tốt. Ví dụ như: những trẻ thơ nhiễm HIV từ trong bụng mẹ, những người vợ hiền chỉ biết làm tròn bổn phận trong gia đình… Chúng ta đừng nên nghĩ, tất cả những người nhiễm HIV đều là những người không tốt trong xã hội.

Mặt khác, ngay cả đối với một người sử dụng ma túy hoặc làm gái mại dâm, họ cũng có những hoàn cảnh khác nhau, trong đó, có nhiều hoàn cảnh đáng thương hơn là đáng trách. Khi nhận được kết quả dương tính, người bị nhiễm HIV gần như bị “kết án tử”.

Mọi hy vọng và tương lai bị sụp đổ hoàn toàn, họ rơi vào tuyệt vọng xen lẫn tức giận, thù oán người đã lây nhiễm cho mình và thù oán xã hội. Họ luôn mặc cảm, không muốn công khai danh tính, thậm chí xa lánh mọi người. Như vậy, sẽ càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức
khỏe, cũng như phòng, chống HIV/AIDS cho những người xung quanh.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho người nhiễm HIV bị phân biệt đối xử. Và có lẽ nguyên nhân chính nhất là do sự hiểu biết về HIV/AIDS chưa đầy đủ và chính xác, nhận thức chưa đúng về việc lây truyền HIV/AIDS. Nhiều người còn cho rằng sống và làm việc với người nhiễm HIV cũng có thể bị lây cũng vì quá sợ căn bệnh này…

Thực tế, có nhiều trường hợp nhiễm HIV, nhờ áp dụng các biện pháp chữa trị kết hợp với tinh thần lạc quan, có cuộc sống tích cực thì vẫn có thể sống và làm việc bình thường. Điều quan trọng ở đây là làm sao để tinh thần người bị nhiễm HIV thoải mái hơn, và nếu được như thế thì cũng sẽ góp phần hạn chế các bất cập khác như: buồn chán hoặc tìm cách trả thù đời…

Chúng ta nên có cái nhìn thoáng hơn về căn bệnh này cùng với việc nâng cao kiến thức về nó. Hiện nay y học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các phương pháp điều trị, các loại thuốc chữa khỏi hẳn căn bệnh này. Vậy tại sao chúng ta không cho họ có được những cơ hội sống vui tươi, sống có ích? Biết đâu nền y học phát triển thần kỳ trong một thời gian ngắn nữa mà thôi.

Thử nghĩ, nếu một người mới mắc bệnh, bị phân biệt đối xử thì họ buồn chán, rất mau chóng kết thúc sự sống, nhưng biết đâu với tinh thần lạc quan, sống khỏe, sống lành mạnh và quan trọng là không bị kỳ thị thì y học đã có thuốc trị và người tưởng đã chết đó được cứu sống.

HIV/AIDS cũng như các căn bệnh khác, thậm chí có một số bệnh còn nguy hiểm hơn, tử vong nhanh hơn và lây truyền một lúc nhiều hơn. Vì thế, không phân biệt, chúng ta và toàn xã hội nên có cái nhìn công bằng hơn, vị tha hơn.

Không ai muốn mình nhiễm HIV. Và, ai cũng từng mắc sai lầm, không ai hoàn hảo cả. Chúng ta nên hiểu và bao dung với những cảnh đời khác nhau để có những cái nhìn cảm thông, chia sẻ với những người nhiễm HIV.

Sự thật xã hội vẫn chưa thể xóa bỏ được những định kiến về người nhiễm HIV. Để khắc phục tình trạng này, không có biện pháp nào khác hơn là nâng cao kiến thức cũng như hiểu biết về HIV/AIDS cho toàn thể cộng đồng. Nếu như xã hội nghĩ căn bệnh HIV như một căn bệnh mãn tính thì chắc hẳn sự kỳ thị đã không tồn tại.

Thiết nghĩ chúng ta đừng vô tâm và vô cảm trước những mảnh đời “lầm lỡ”, lạc bước. Hãy yêu thương, đồng cảm và sẻ chia! Chúng ta bớt đi một ánh mắt kỳ thị là thắp lên một tia hi vọng cho người nhiễm HIV. Bởi “họ cũng là con người như chúng ta, cũng cần tình thương yêu, cần sự cảm thông và chia sẻ”…

CẨM HUỆ- KHÁNH DUY