Lấy chồng xa xứ, lời ru thêm buồn...!

Kỳ cuối: Phía sau những đổ vỡ

Cập nhật, 12:34, Thứ Sáu, 29/11/2013 (GMT+7)

>> Kỳ 1: Cay đắng và đổ vỡ

Đổ vỡ, đằng sau những cuộc hôn nhân chóng vánh đó là những vết thương lòng đau nhói, tổn thương tinh thần và thể xác của phụ nữ (PN), và hơn hết là những đứa trẻ vô tội phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, thiếu vắng cha hoặc mẹ, gặp khó khăn khi hòa nhập xã hội…


Hôn nhân đổ vỡ, những đứa trẻ vô tội sẽ gánh chịu những thiệt thòi, mất mát.

Xót xa phận con lai

Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ với người chồng Đài Loan, chị V.T.T.H. (ấp Tân Bình, xã Tân Hội- TP Vĩnh Long) đưa 2 con về Việt Nam cho cha mẹ chăm lo dùm, còn bản thân chị vẫn tiếp tục mưu sinh nơi xứ người để có tiền nuôi 2 con.

Ông Võ Văn Hoàng- cha chị V.T.T.H. kể: “Mỗi tháng, con H. gửi về 3- 4 triệu đồng, tiền học hành đứa lớn, rồi tiền sữa đứa nhỏ nên số tiền này chẳng thấm vào đâu”.

Không chỉ thiếu thốn tình thương của cha mẹ, 2 cháu V.T.V.T. (7 tuổi) và V.V.L.L. (2 tuổi) đang đối mặt với nguy cơ không thể đến trường vì không có giấy khai sinh, khiến nhiều người e ngại. Bé V.T. hiện được người quen gửi dùm vào học lớp 1 một trường tiểu học, nhưng đi học chỉ được ngày nào hay ngày nấy chứ không chính thức, vì không có hồ sơ, học bạ như bao trẻ khác khi quốc tịch là người nước ngoài.

“Tội nghiệp 2 đứa nhỏ lắm, cứ thui thủi chơi với nhau thôi. Lúc mới về còn không nói được tiếng Việt. Cách mấy ngày này, 2 đứa đi học về nói với tôi là cô đòi giấy khai sinh, nếu không có là không tiếp tục học được, nghe mà rơi nước mắt”- ông Hoàng buồn rầu chia sẻ.

Anh Nguyễn Hoàng Hận- công chức hộ tịch xã Tân Hội (TP Vĩnh Long) cho biết, thời gian qua, địa phương đã nỗ lực hết mình tìm cách hỗ trợ cho các cháu được làm giấy khai sinh đến trường học như bao trẻ em bình thường khác nhưng vẫn chưa được, còn gặp nhiều vấn đề chưa thông. Chúng tôi đã làm hồ sơ trình lên Phòng Tư pháp TP Vĩnh Long và Sở Tư pháp tỉnh để chờ hướng dẫn.

Và còn rất nhiều những trường hợp chị em PN đổ vỡ hôn nhân đem con trở về sinh sống tại Việt Nam nhưng không làm giấy khai sinh được và bản thân các chị cũng không thể nhập hộ khẩu vì còn vướng mắc các thủ tục giấy tờ tại xứ người mà không thể giải quyết được.
 
Cứ thế mà sống kiểu “tạm bợ”, điều đó ảnh hưởng không nhỏ cho tương lai của những đứa trẻ con lai, mặt khác các em cũng rất khó hòa nhập cộng đồng vì bất đồng ngôn ngữ, thói quen sinh hoạt, thiếu vắng tình thương, sự giáo dục của cha mẹ…

Để giảm thiểu tiêu cực trong hôn nhân

Hôn nhân là tự do, chúng ta không thể ngăn cấm và có những trường hợp vẫn tìm thấy bến đỗ thật sự. Song vẫn còn nhiều trường hợp do bất đồng ngôn ngữ, văn hóa nên không thể hòa hợp và quan trọng là hôn nhân không xây dựng trên nền tảng tình yêu nên vẫn còn có cảnh “lấy chồng xa xứ, lời ru thêm buồn”.

Để giảm thiểu những tiêu cực, bất hạnh trong hôn nhân có yếu tố nước ngoài, các ngành, các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thành lập các mô hình, các CLB sinh hoạt tư vấn, giáo dục tư tưởng cho chị em PN có kiến thức và trách nhiệm đối với cuộc đời mình.

Qua 4 năm triển khai mô hình “Can thiệp giảm thiểu tiêu cực tình trạng PN kết hôn có yếu tố nước ngoài” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội LHPN và Sở Tư pháp tỉnh thành lập, BCĐ các huyện, xã đã tăng cường tổ chức sinh hoạt các CLB, các nhóm và tổ tư vấn, phát loa truyền thanh, nhất là vùng nông thôn, để tuyên truyền các bộ luật, các thông tư, hướng dẫn nhiều chuyên đề có liên quan giúp nhận thức của chị em được nâng cao, phần lớn người dân đã hiểu được tác hại tiêu cực của nó.

BCĐ các cấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đi vào chiều sâu, tiếp tục triển khai nhân rộng thực hiện mô hình tại hầu hết các địa phương trong tỉnh để hạn chế tối đa những tiêu cực và sự mất cân bằng giới tính, mất nguồn lao động nữ trong tương lai.

Trong tháng 8 vừa qua, UBND xã Thuận An (TX Bình Minh) cũng đã phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức lễ ra mắt 4 CLB bình đẳng giới và hôn nhân gia đình để cung cấp các thông tin, kiến thức về bình đẳng giới và hôn nhân gia đình, đặc biệt là những PN có hôn nhân với người nước ngoài bị đổ vỡ trở về địa phương còn được hỗ trợ, tạo điều kiện ổn định cuộc sống bằng hình thức giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn... thông qua dự án “Ngăn ngừa và giảm thiểu các hệ lụy PN Việt Nam kết hôn với người nước ngoài”, do Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) hỗ trợ.

Ông Nguyễn Hùng Dũng- Phó Giám đốc Sở Tư pháp:
Năm qua, tình hình đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài đã giảm đáng kể, giảm thiểu những tiêu cực xảy ra trong hôn nhân. Đó là nhờ công tác tuyên truyền được thực hiện tốt mang lại hiệu quả cao, nâng cao nhận thức cho người dân. Hướng tới sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa và tăng cường hoạt động các tổ, nhóm, CLB sinh hoạt và hỗ trợ kịp thời cho PN.

Bài, ảnh: HẢI YẾN- XUÂN TƯƠI