NHÂN NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS 1/12

Người nhiễm HIV- vượt qua tự ti, sống tốt cho đời

Cập nhật, 06:49, Thứ Bảy, 30/11/2013 (GMT+7)

Bỏ lại phía sau sự tự ti, mặc cảm, nhiều người nhiễm HIV ở Vĩnh Long đã góp sức cùng cộng đồng làm tốt công tác phòng chống HIV/AIDS bằng chính câu chuyện của đời mình.

Sau hơn 20 năm đương đầu với dịch HIV/AIDS, Vĩnh Long đã huy động được nhiều người nhiễm HIV tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, giúp những mảnh đời “tưởng đã bỏ đi” có được niềm vui sống, làm nhiều việc có ích cho đời.


Tiếp cận viên diễn tiểu phẩm tuyên truyền chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS.

Nhắc lại cái duyên đưa mình trở thành tiếp cận viên phòng chống HIV/AIDS, anh H.T.L. (Phường 4- TP Vĩnh Long), không giấu bệnh tình, chia sẻ: “Cả 2 vợ chồng tôi đều nhiễm HIV nhưng không biết đã bị nhiễm từ đâu. Lúc sinh con, vợ tôi phát hiện bị nhiễm HIV. Sau đó, tôi đi xét nghiệm, kết quả cũng HIV dương tính. Hoang mang, chán nản dữ lắm. May mà con tôi không bị nhiễm HIV nên vợ chồng có động cơ để tiếp tục sống”.

Không chỉ sống vì con mà vợ chồng anh L. còn tích cực tham gia phòng chống HIV/AIDS bằng cách tiếp cận những người cùng cảnh tuyên truyền kiến thức phòng lây truyền HIV, giúp họ đến với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị HIV/AIDS để kéo dài sự sống.

Hiện vợ chồng anh L. đang hoạt động trong nhóm tự lực phòng chống HIV/AIDS của Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) thuộc Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS Việt Nam. Nhóm có 7 tiếp cận viên, đa số đều bị nhiễm HIV hoặc là bạn tình âm tính với người nhiễm HIV.

Mỗi người một hoàn cảnh nhưng cùng chung mục đích “làm tiếp cận viên phòng chống HIV/AIDS để không còn ai tiếp tục mắc căn bệnh này như mình”.

Nhóm trưởng P.B.M. (Phường 3- TP Vĩnh Long) cho biết: “Bị cộng đồng kỳ thị, xa lánh, những người nhiễm HIV thường sống trong tự ti, mặc cảm nên lần đầu tiếp cận, chúng tôi gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên, khi hiểu được công việc chúng tôi làm, biết chúng tôi cũng là người nhiễm HIV, họ rất cởi mở và tuân thủ các nguyên tắc phòng tránh lây nhiễm HIV, điều trị ARV cho bản thân rất tốt, có người sau thời gian là “khách hàng” của nhóm đã trở thành tiếp cận viên, rất tích cực trong việc tuyên truyền phòng lây nhiễm HIV và chăm sóc bệnh nhân AIDS”.

Chị T.T.M. (Long Hồ) bị nhiễm HIV từ chồng, sau khi được tiếp cận viên phòng chống HIV/AIDS tìm đến chia sẻ thông tin, hỗ trợ dinh dưỡng (bánh, sữa, mì, gạo,…) hàng quý, chị như tìm được sự cảm thông nên đã mạnh dạn tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS và không ngại công khai bệnh tình khi gặp phải những “khách hàng” khó tiếp cận.

“Lúc biết mình bị nhiễm HIV, tinh thần tôi rất suy sụp, buồn đến tóc bạc cả ra. Nhưng khi biết các con may mắn không bị nhiễm, vợ chồng tôi đã động viên nhau vượt qua để lo cho con và giúp những người thiếu hiểu biết tránh được căn bệnh AIDS bằng chính câu chuyện của đời mình”- chị M. kể.

Chị Hoàng và Thiện trong một buổi họp nhóm cùng các tiếp cận viên phòng chống HIV/AIDS.

Được biết, các tiếp cận viên phòng chống HIV/AIDS làm việc không có lương, mỗi tháng chỉ được dự án hỗ trợ hơn 1,2 triệu đồng tiền xe đi tiếp cận “khách hàng”.

“Nhưng người nhiễm HIV ở rải rác khắp nơi trong tỉnh nên bấy nhiêu chỉ đủ đổ xăng. Tháng nào có người đau ốm phải chở đến phòng khám ngoại trú ở bệnh viện tỉnh cho bác sĩ kiểm tra hoặc tổ chức tuyên truyền nhóm nhỏ ở quán cà phê, vì “khách hàng” ít chịu tiếp xúc ở nhà sợ hàng xóm biết, tụi tui phải bỏ thêm tiền túi. Do đó, làm tiếp cận viên cần có nhiệt huyết và không nghĩ đến lợi ích bản thân thì mới bám trụ lâu dài được”- anh H.T.L. tâm sự.

Cùng với chị M., anh L.,… hiện Vĩnh Long có hơn 60 đồng đẳng viên phòng chống HIV/AIDS đang ngày ngày len lỏi vào các điểm nóng ma túy, mại dâm tiếp cận tuyên truyền phòng chống lây nhiễm HIV, cấp phát bao cao su, bơm kim tiêm sạch cho những người thuộc nhóm có hành vi nguy cơ cao như tiêm chích ma túy, hoạt động mại dâm, quan hệ tình dục đồng giới,…

Những việc làm này không chỉ góp phần thay đổi nhận thức, hành vi ở nhóm người có hành vi nguy cơ cao mà còn tác động đến ý thức của nhiều tầng lớp nhân dân, thu hút họ tham gia vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại địa phương.

Chị Lâm Kim Hoàng- mua bán nhỏ ở Phường 1 (TP Vĩnh Long), kể: “Tôi tình cờ biết được công việc của các tiếp cận viên phòng chống HIV/AIDS, thấy có ý nghĩa nên tham gia. Lúc đầu cũng ngại không biết có đảm đương nổi không, qua tập huấn và được các tiếp cận viên đi trước hướng dẫn, tôi quen dần.
 
Nhiều hôm đến thăm “khách hàng” ở xa, chồng tôi ở nhà cáng đáng hết việc bán buôn, chăm sóc con cái, tạo điều kiện cho tôi làm tốt công việc của nhóm”. Bạn Huỳnh Quốc Thiện (xã Nhơn Phú- Mang Thít) thì cho biết: “Những năm học đại học (chuyên ngành công tác xã hội) ở TP Hồ Chí Minh, em có dịp đến các trung tâm nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi, nhìn các em rất tội nên sau khi ra trường, em về quê tham gia công tác phòng chống HIV/AIDS với mong muốn giúp những người mắc phải căn bệnh này vơi bớt phần nào nỗi đau”.

Tham gia đội ngũ tiếp cận viên phòng chống HIV/AIDS mới nửa năm, nhưng Thiện tiếp cận được hơn 20 trường hợp nhiễm HIV và 11 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Không ít người trong số này nhờ có sự giúp đỡ kịp thời của Thiện mà sức khỏe tốt hơn rất nhiều.

Thiện bảo: “Do thiếu hiểu biết nên nhiều người nhiễm HIV không được điều trị ARV kịp thời dẫn đến tử vong chỉ một thời gian ngắn. Em nhớ có một bà mẹ ở huyện Trà Ôn khi phát hiện con mình bị nhiễm HIV đã đưa đi điều trị lung tung, ai chỉ đâu đi đó. Lúc em biết được tìm đến nhà thì anh này rất yếu. Em đưa ảnh đến bệnh viện kiểm tra, thuê nhà trọ chờ làm các xét nghiệm để điều trị ARV. May là còn kịp. Đến nay, sức khỏe anh ấy đã bình phục, uống thuốc ARV đều đặn và thực hiện phòng tránh lây truyền HIV cho người thân rất tốt. Nhiều người như anh ấy, sau khi khỏe ra đã điện thoại cảm ơn em rối rít và còn nói chừng nào đi làm được sẽ tạ ơn. Em bảo không cần tạ ơn, chỉ cần họ sống vui, sống khỏe là em vui rồi. Thấy họ thoát ra khỏi sự tự ti, mặc cảm, khát khao được sống và làm việc, em sung sướng lắm vì nghĩ mình đã làm được việc có ích nên dù vợ có cằn nhằn “sao đi hoài, không phụ tiền mua sữa cho con”, em cũng không bỏ công việc mà mình đã chọn”.

Dịch HIV/AIDS ở Vĩnh Long diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng nổ, đặc biệt là trong nhóm có hành vi nguy cơ cao.

Do đó, sự tham gia của các đồng đẳng viên, tiếp cận viên là người nhiễm HIV, những trí thức trẻ hay người dân bình thường như Huỳnh Quốc Thiện, chị Lâm Kim Hoàng,… được ví như liều thuốc giúp những người không may bị nhiễm HIV có thêm niềm tin vào cuộc sống, rằng họ vẫn là người có ích cho xã hội.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Dân- Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Vĩnh Long cho rằng: Sự đóng góp của các tiếp cận viên, đồng đẳng viên thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông phòng chống HIV/AIDS, giúp người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị HIV/AIDS, cùng cộng đồng hướng tới mục tiêu: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS như chủ đề Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS đã chọn cho chiến dịch phòng chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12 năm nay là “Getting to Zero- hướng tới mục tiêu 3 không”.

Từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện ở Vũng Liêm vào năm 1993, hiện số người nhiễm HIV được phát hiện ở Vĩnh Long đã nâng lên 2.436 ca. Trong đó, có 251 ca mới nhiễm HIV và thêm 26 ca tử vong do AIDS trong 10 tháng của năm 2013, so cùng kỳ năm 2012, số nhiễm mới HIV và tử vong do AIDS đều tăng.


Bài, ảnh: TRINH TUYỀN