Lấy chồng xa xứ, lời ru thêm buồn...!

Kỳ 1: Cay đắng và đổ vỡ

Cập nhật, 07:57, Thứ Năm, 28/11/2013 (GMT+7)

Lấy chồng nước ngoài vẫn là nhu cầu và sự lựa chọn của nhiều cô gái nông thôn, với mong ước thoát khỏi  cái nghèo, cái lạc hậu, tìm về một chân trời mới. Thực tế có không ít các nàng dâu Việt tìm thấy bến đỗ thật sự bên xứ người, nhưng cũng nhiều trường hợp lắm trái ngang và đổ vỡ, để lại những hậu quả đáng thương.


Nhà cửa khang trang nhưng trong lòng bà Phạm Thị Đ. (thứ 2 từ trái sang) luôn nặng trĩu những lo lắng, đau buồn.

“Chồng gần không lấy”…

Ôm giấc mộng đổi đời hay chỉ với ý nghĩ đơn giản là để trả hiếu, nhiều cô gái đã “nhắm mắt đưa chân” theo chồng về xứ lạ dù chẳng hề biết tí gì về chồng mình và gặp nhau chưa quá “dăm hôm”.

Ở tuổi 20- cái tuổi đẹp nhất thời con gái, với nước da trắng ngần ai cũng mơ ước, C.G. (ấp Thuận Phú B, xã Thuận An- TX Bình Minh) qua bạn bè giới thiệu đã lên TP Hồ Chí Minh “chào hàng” để kiếm cho mình tấm chồng ngoại quốc, với ý định kiếm tiền trả nợ cho mẹ.

Không lễ kết hôn, cô lấy chồng sang Đài Loan chỉ qua thủ tục giấy tờ với người chồng lớn hơn cô 20 tuổi. Rồi mục đích của cô cũng thực hiện được: cô trả hết số nợ của gia đình và thời gian sau còn hỗ trợ phần lớn tiền cho mẹ cô xây lại căn nhà khang trang. Xong “nhiệm vụ”, bẵng đi một vài năm, bất ngờ C.G. trốn về quê nhà, bỏ đứa con gái lại xứ người…

“Từ hôm nó bỏ đi, chồng nó có dẫn con gái về đây vài lần để tìm nó. Thương nhất là đứa cháu ngoại mới mười tuổi đầu phải thiếu vắng tình thương yêu của mẹ”- với ánh mắt buồn xa xăm, bà Phạm Thị Đ.- mẹ chị C.G. kể về cuộc hôn nhân đổ vỡ của con gái.

Cũng như bao cô gái muốn làm tròn chữ hiếu với đấng sinh thành, chị P.T. (ấp Hòa Bình, xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân) cho rằng: “Đằng nào con cũng lấy chồng, thôi để con đi lấy người nước ngoài kiếm tiền đền ơn cho cha mẹ”.

“Tôi sợ lắm rồi, có nghèo nhưng nhìn thấy con gái bình an hạnh phúc là được”- bà Nguyễn Thị S. (trái) tâm sự.

Cũng không lễ cưới, hành trang mang theo chồng là giấy đăng ký kết hôn cùng một ít tiền “đặt cọc” mang theo bên người. Qua tới Trung Quốc, chị tá hỏa vì những gì diễn ra không như lời “hứa hẹn” của “bà mai” (người môi giới- PV).

Thực tế, “chồng chị” không phải là chủ doanh nghiệp, cũng chẳng nhà cao cửa rộng ở trung tâm thành phố như những lời “mật ngọt” của “bà mai”. Nơi “chồng chị” ở lại là nơi heo hút và “chồng chị” chỉ là người làm công, được chủ thương tình cho sống tạm trong căn phòng nhỏ hẹp chỉ với mỗi tấm vạt nhỏ.

Được “mẹ chồng” và “chồng” đón tiếp bằng những trận đòn roi và lấy hết tiền bạc trong người vì P.T. chống đối không đồng ý cuộc hôn nhân này. Sau 4 ngày bị hành hạ, chị may mắn trốn thoát, xé rách tờ giấy kết hôn và tìm đường về nhà…

Đây chỉ là hai trong vô vàn những trường hợp vỡ mộng xứ người, lắm đắng cay và nước mắt mà các chị gặp phải khi dấn thân vào những cuộc hôn nhân chóng vánh.

Chồng xa em khó mà “về”…!

Hầu như khi chúng tôi tìm đến các địa phương để được tiếp xúc trực tiếp với các chị đổ vỡ hôn nhân trở về quê sống, thì nhận được “đặc điểm” chung là hầu hết các chị về rồi nhưng đều bỏ đi làm ăn xa chứ không ở tại địa phương, vì xấu hổ với hàng xóm họ hàng và không thể hòa nhập với cộng đồng.

Ngày trở về, nhìn chị P.T. xơ xác, xanh xao sau hơn 10 ngày trốn về bằng đường bộ chỉ với mấy gói mì tôm và chai nước suối, bà Nguyễn Thị S.- mẹ chị- lòng đau quặn thắt, hối hận khôn nguôi. Không chịu đựng được lời đàm tiếu, xấu hổ với xóm giềng, chị phải bỏ xứ đi làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh.

“Tội nghiệp nó, giờ về rồi cũng không ở nhà được vì cái vụ của nó ầm ĩ quá, “bà mai” xuống quậy um sùm vì nó bỏ về Việt Nam. Hai bên to tiếng đòi thưa kiện đủ thứ nên đâu còn mặt mũi nữa, số nó thiệt khổ”- bà S. rơm rớm nước mắt.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tường khang trang nhưng ánh mắt bà Đ. luôn đăm chiêu và giọng nói buồn vời vợi: “Hỏi dữ lắm nó mới nói vì gia đình chồng quá khắt khe, cay nghiệt và đánh mắng nó suốt ngày, chồng nó lại đi làm xa 2- 3 tháng mới về, nó chịu không nổi nên trốn về.”

“Về cũng có được ở yên đâu? Nó ngại cái nhìn soi mói của xóm giềng, lại hay bị tôi cằn nhằn khuyên nhủ quay lại ở với chồng con nên nó bỏ lên Đà Lạt làm rồi, mấy tháng trời cũng không thấy về thăm nhà, tôi thật buồn quá mấy cô ơi”- bà Đ. tiếp lời.

Tôi còn nhớ một trường hợp còn đau lòng gấp bội, khi tôi cùng các chị ở Hội Phụ nữ xã Thuận An (TX Bình Minh) tìm đến nhà của một chị bị bạo lực gia đình nghiêm trọng tại Đài Loan đến mức bị tâm thần, gia đình phải tìm đủ mọi cách để đón được chị trở về.

Cảnh căn nhà vắng lạnh nhuốm màu thương tâm, đôi vợ chồng già khắc khổ đem ra khoe với chúng tôi tấm hình thời son trẻ với vẻ đẹp sắc nước hương trời của con gái mình. Cũng đi làm dâu xứ người để báo hiếu cha mẹ nhưng cô gái ấy chịu đủ mọi bất hạnh: vừa đau vì bị bạo lực thân xác và vừa khổ vì bị hành hạ tinh thần nghiêm trọng.

Bị nhốt trong nhà tắm, bỏ đói khiến tinh thần chị bị khủng hoảng trầm trọng không cứu chữa được. Nhờ người quen và cơ quan chức năng trong nước giúp đỡ, gia đình mới rước được chị trở về. Hiện tại, chị được cha mẹ đưa đi khỏi địa phương để chữa bệnh và tránh bị nhìn ngó.

Theo thống kê của Sở Tư pháp tỉnh: Trong năm 2013, đã làm lễ đăng ký kết hôn cho 369 đôi kết hôn với người nước ngoài. Trong đó, kết hôn lần đầu 188 đôi, kết hôn lần thứ 2 trở lên 181 đôi. Bên cạnh, đã từ chối 2 hồ sơ do qua phỏng vấn và kết luận hai bên không hiểu về hoàn cảnh của nhau (không trao đổi với nhau bằng một ngôn ngữ chung).


Kỳ cuối: “Phía sau những đổ vỡ”

Bài, ảnh: HẢI YẾN- XUÂN TƯƠI