NHÂN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI NGƯỜI TÙ KHÁNG CHIẾN HUYỆN TRÀ ÔN, NHIỆM KỲ IV (2013- 2018):

Vượt qua bệnh tật, chung một gánh lo

Cập nhật, 07:57, Thứ Năm, 27/06/2013 (GMT+7)

Với tinh thần kiên trung, bất khuất, những người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày không chỉ giữ vững khí tiết của người cộng sản trước những cực hình tra tấn dã man. Đến thời bình, những người tù kháng chiến (NTKC) này lại tiếp tục vượt khó thoát nghèo, nuôi con thành đạt; và có nhiều hoạt động thiết thực gây quỹ vì đồng đội, giúp đỡ bệnh nhân nghèo.

Nhờ đồng vốn của hội, cô Phạm Thị Hồng Tâm (bìa trái) có điều kiện phát triển kinh tế.


Vượt khó từ nguồn vốn của hội

Đến ấp Tường Thạnh (Hòa Bình- Trà Ôn) chúng tôi tìm gặp một trong những nhân chứng sống của lịch sử, đó là NTKC Phạm Văn Bổn- thương binh 3/4.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 1/3 thế kỷ, nhưng hàng ngày ông phải gánh chịu nỗi đau để lại từ những trận đòn roi và di chứng là mù mắt phải, tay phải không làm được việc nặng và mang trong người nhiều miểng đạn.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông bị địch bắt và đưa đi giam cầm ở nhiều nơi, cho đến ngày trao trả tù binh theo Hiệp định Paris năm 1973 tại bờ Nam sông Thạch Hãn (Quảng Trị), ông được đưa ra Bắc an dưỡng rồi theo học ở Trường Quân khu 9.

Hòa bình, ông trở về quê nhà, “phải lao động ngày đêm, để chăm lo cha mẹ già và 2 đứa cháu là con người anh đã hy sinh”- ông Bổn nhớ lại.

Lập gia đình không lâu thì mẹ ông mất, để lại mảnh đất ruộng và vườn tạp, vợ chồng ông vẫn phải chật vật xoay xở khi 4 đứa con lần lượt ra đời.

Năm 2011, ông nhận được 1 triệu đồng từ nguồn vốn xoay vòng của hội và đã đầu tư nuôi cá trê, khi xuất ao bán được 10 triệu đồng. Ông tiếp tục mua thêm 15kg cá giống và 100 con gà tàu về nuôi.

Ông cho biết: “Cuộc sống tui giờ cũng tạm ổn, do nay đã bước sang tuổi thập thất cổ lai hy và chịu di chứng của vết thương để lại nên việc đầu tư chăn nuôi nhỏ này là phù hợp nhất”.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gia đình cô Phan Thị Hồng Tâm (ấp Tân Hòa) từng là nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng, tiếp tế lương thực cho bộ đội. Cô đã phải lòng anh du kích xã và nên duyên trước sự chứng kiến của gia đình và đồng đội.

Ra riêng chỉ với 1 công ruộng. Rồi 5 đứa con lần lượt ra đời, vợ chồng cô phải bươn chải làm thuê, chăn vịt, buôn bán... Với ý chí vươn lên của người lính cụ Hồ cùng sự chung sức, chung lòng của vợ chồng nên đã tích lũy dần được hơn 4 công đất.

Cách nay 2 năm, cô nhận tiền góp vốn xoay vòng cộng với tiền hỗ trợ của hội được 1 triệu đồng, đã đầu tư nuôi vịt rồi chuyển sang nuôi heo. Cô tâm sự: “Nhờ có sự hỗ trợ của hội mà tui có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Hiện, tui đang nuôi bò, trồng rau, lúc rảnh thì đan thảm lục bình nên cuộc sống khá ổn”.

Nuôi con thành đạt và giúp đỡ bệnh nhân nghèo

Xuất thân trong gia đình nuôi chứa cách mạng, năm 1961, khi mới 10 tuổi, cô Võ Thị Xạ đã là thành viên của Đội Thiếu niên Tiền phong, tham gia bảo vệ cán bộ cách mạng, làm liên lạc cho du kích và giải phóng quân.

Được học hát các bài ca cách mạng, học chữ quốc ngữ, cô đã đứng lớp dạy học ở vùng giải phóng khi mới 15 tuổi...

Đến thời bình, ngoài thời gian công tác ở địa phương, vợ chồng cô phải đi làm thuê, làm mướn do không có đất canh tác. Khi 6 người con lần lượt ra đời, cuộc sống của cô càng vất vả hơn...

Được thừa kế 7 công ruộng, thu hoạch chỉ từ 7- 8 giạ/công lúa mùa. Cuộc sống túng thiếu, nhà nằm giữa đồng sâu, đi lại khó khăn, nhưng vợ chồng cô vẫn quyết tâm nuôi con ăn học.

Năm 2005, cô nhận vốn xoay vòng của hội được 500.000đ, cô mua 50 con gà về nuôi và bán được 3,8 triệu đồng. Cô đã góp quỹ 50.000đ để giúp đỡ đồng đội đau ốm, phần còn lại cô mua 10 giạ lúa và 2 con heo giống về nuôi. Qua 3 năm, cô dành dụm mua được vài công ruộng và trồng 3 vụ lúa/năm, lợi nhuận 15 triệu đồng/năm.

Nhờ cần kiệm, tích lũy, vợ chồng cô đã cất được căn nhà tường khang trang và các con cũng được đầu tư ăn học, hiện đang công tác bên ngành giáo dục, y tế, Đoàn Thanh niên...

Hiện, với vai trò là Chủ tịch Hội NTKC xã Hòa Bình (Trà Ôn), cô Võ Thị Xạ đã cụ thể hóa cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng việc thực hiện 2 phong trào “bỏ ống tiết kiệm vì đồng đội” và “xây dựng quỹ hội”; đồng thời, phát động trồng chuối gây quỹ và hũ gạo đoàn kết, gửi tiết kiệm… với tổng số tiền quỹ trên 60 triệu đồng để giúp đỡ đồng đội khó khăn sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

5 lần bị địch bắt và bị đánh bể thận lúc chỉ mới 14 tuổi, ngoài ra còn nhiều vết thương ở đầu, đùi, chân… nhưng cô giao liên Nguyễn Thị Bé Tư vẫn giữ vững khí tiết người cộng sản, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho đồng đội.

Hẹn gặp cô Tư vào buổi sáng nhưng do là ngày giao ca nấu cơm từ thiện nên xin dời lại buổi chiều- một công việc hàng ngày của cô Nguyễn Thị Bé Tư- Chủ tịch Hội NTKC huyện Trà Ôn, Phó Ban điều hành cơ sở cơm cháo từ thiện ở Bệnh viện Đa khoa huyện.

Dù khá tất bật để chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu Hội NTKC huyện nhưng cô vẫn không quên cùng tổ trực nấu trên 300 suất cơm từ thiện/ngày và lo việc trong ngoài, bởi “tuy cực mà vui, vì tất cả mọi người đến đây đều với tinh thần tự nguyện, mong muốn mang lại bữa ăn ngon miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nghèo”.

Cô Tư cho biết, tham gia tổ từ thiện còn có cô Nguyễn Thị Tần- Phó Chủ tịch Hội NTKC huyện và những tấm lòng nhân ái trong và ngoài huyện đến tham gia, chia làm 15 tổ, mỗi tổ 7- 10 người trực xoay vòng hàng tuần. Trong nhiệm kỳ qua, cơ sở đã vận động được trên 74.000kg gạo, nấu gần 340.000 phần cơm cháo và mua gia vị với tổng số tiền gần 212 triệu đồng.

Theo cô Tư, công tác từ thiện này xuất phát từ tấm lòng nhân ái, với mong muốn chia sẻ một phần khó khăn với bệnh nhân nghèo. Điểm chính trong công tác hội là quan tâm giải quyết chính sách và chăm lo đời sống cho hội viên. Trong nhiệm kỳ tới, chúng tôi phấn đấu trong toàn hội không còn hội viên nghèo và khó khăn về nhà ở thông qua các phong trào bỏ ống heo tiết kiệm vì đồng đội và hùn vốn xoay vòng.

Tiếp chuyện với chúng tôi, hầu hết những NTKC giờ đã tuổi cao, sức yếu, nhưng tất cả đều khẳng định sẽ tiếp tục đóng góp sức lực xây dựng quê hương. Đúng như lời nói của cô Tư “còn sức, còn làm từ thiện và đóng góp cho xã hội”.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI