Mang Thít với chính sách chăm lo hộ nghèo

Cập nhật, 09:44, Thứ Tư, 26/06/2013 (GMT+7)

Theo đánh giá của Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Mang Thít, trong những tháng đầu năm, công tác giảm nghèo của địa phương rất tốt, nhiều khả năng đạt so với nghị quyết đề ra. Song, bên trong công tác giảm nghèo, vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là giảm nghèo ở vùng đô thị…

Giảm nghèo quyết liệt

Theo UBND huyện Mang Thít, trong năm 2013, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện là 1.171 hộ, chiếm 4,35%, với 4.000 nhân khẩu; hộ cận nghèo là 1.288 hộ, chiếm 4,79%, với trên 5.000 nhân khẩu.

Nắm bắt được tình hình thực tế, cần phải có nhiều chính sách để giảm số lượng hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, từ đầu năm đến nay, huyện đã có nhiều hoạt động để công tác xóa đói giảm nghèo đạt nhiều hiệu quả.

Công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay đạt nhiều kết quả. Trong ảnh: Các nhà hảo tâm trao quà cho người nghèo.


Trước hết, huyện đã lập danh sách mua BHYT cho 100% hộ nghèo, đã mua BHYT cho 1.433 hộ cận nghèo, đạt 27,75%. Từ đầu năm đến nay, vận động quỹ Vì người nghèo đã đạt trên 690 triệu đồng, đang giải quyết 15 căn nhà theo diện nhà ở Chương trình 167, còn 361 căn đang đề nghị chờ kinh phí.

Thực hiện các chính sách chăm lo cho người nghèo, an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm được các phòng, ngành phối hợp chặt chẽ, cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo việc làm mới cho các hộ cận nghèo, vận động các Mạnh thường quân chung tay chăm lo cho người nghèo, đạt nhiều hiệu quả.

Từ đó, 6 tháng qua đã giảm được 193 hộ nghèo, hiện tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chiếm 3,63% (đạt gần 48% so nghị quyết).

Theo ông Võ Hồng Thái- Trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện, công tác giảm nghèo năm nay làm rất quyết liệt và triển khai rất tốt. Huyện ủy và các BCĐ giảm nghèo ở các địa phương đã cụ thể hóa hơn so với các năm trước, do đó công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả. Qua đó, có thể tự tin khẳng định từ nay đến cuối năm tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn khoảng 3% và đạt so với nghị quyết đề ra.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tư- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cái Nhum cho rằng: Công tác giảm nghèo của thị trấn nói riêng, trên địa bàn huyện nói chung trong những tháng đầu năm đã đạt được một số kết quả nhất định. Nếu năm 2012 trên địa bàn thị trấn có 36 hộ nghèo thì đến nay chỉ còn 29 hộ.

“Giải pháp mà thị trấn đưa ra là phân công các đoàn thể vận động các Mạnh thường quân, bám sát các hộ, hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi hoặc hướng dẫn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để các hộ nghèo, cận nghèo tự tạo việc làm, vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Cái khó trong giảm nghèo đô thị

Tuy công tác giảm nghèo trong những tháng đầu năm đạt tốt nhưng đâu đó còn gặp một số khó khăn, nhất là giải quyết giảm nghèo ở đô thị. Theo ông Nguyễn Văn Tư, mặc dù được sự quan tâm nhiều của Đảng và Nhà nước nhưng thật sự “cái nghèo” ở đô thị có những đặc thù riêng và khó giải quyết.

Theo ông, sự đặc thù là hộ nghèo đô thị không có đất sản xuất, việc làm bấp bênh, đặc biệt phần lớn các hộ nghèo không phải “phát sinh tại chỗ” mà từ các vùng nông thôn, các địa phương khác đến.

Có nhiều hộ nghèo không thể thoát được như không có lao động chính, bệnh tật,… mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước, từ các đoàn thể,…

Trong vấn đề giảm nghèo ở đô thị hiện nay còn nhiều bất cập, không chỉ riêng thị trấn Cái Nhum mà còn ở các thị trấn, đô thị khác, mức thu nhập chênh lệnh cũng rất lớn.

Theo ông Nguyễn Văn Tư, người nghèo ở đô thị hiện chưa được thụ hưởng chế độ nhà ở theo chương trình 167, thậm chí các chương trình truyền hình nhân đạo cũng “ưu tiên trước” cho các hộ nghèo vùng nông thôn.

Ông dẫn chứng, “có một hộ nghèo làm đơn yêu cầu chứng để có được sự giúp đỡ từ chương trình truyền hình, nhưng vẫn không được do hộ này là… hộ nghèo ở đô thị”. Trong khi nói là thị trấn nhưng chỉ có Khóm 1 và 1 phần Khóm 2 là “có bộ mặt đô thị”, còn Khóm 3, Khóm 4 thì cũng giống như các vùng nông thôn khác.

Mặt khác, cái khó nữa là nếu vận động được để xây nhà thì các hộ này không có đất. Ông dẫn chứng, trong 29 hộ nghèo còn lại thì có 8 hộ ở nhà tạm bợ không có đất. “Hóa ra, giảm nghèo ở các xã vùng nông thôn lại dễ vì hộ nghèo nhưng nhiều khi có đất, xin được vốn cũng có đất mà xây nhà để “an cư lạc nghiệp”, rồi cũng chăn nuôi, trồng trọt được.

Còn ở thị trấn này, ở nhà thuê, nhà tạm bợ, không có đất, nghèo chỉ biết đi làm thuê, làm mướn… Giảm nghèo cần phải có sự quyết liệt lắm, quyết tâm lắm của các cấp chính quyền, đoàn thể. Do đó, rất cần các biện pháp để giải quyết các bất cập này”.

Hiện thị trấn Cái Nhum đã xét đưa 3 hộ về khu vượt lũ ở xã An Phước. Để góp phần giảm nghèo ở đô thị có những đặc điểm riêng biệt, ông Trần Thanh Huệ- Bí thư Đảng ủy thị trấn Cái Nhum kiến nghị hộ nghèo ở thị trấn cần được hỗ trợ tích cực hơn từ chương trình nhà ở 167, các chương trình truyền hình từ thiện, từ các nguồn xã hội hóa,…

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN