Gia đình văn hóa- xã hội văn hóa

Cập nhật, 15:43, Thứ Sáu, 28/06/2013 (GMT+7)

Xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nhiệm vụ cụ thể của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, được phát động trên toàn quốc, nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Qua 15 năm phát động và thực hiện, Vĩnh Long đã có nhiều kết quả quan trọng, có tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội…

Tọa đàm về xây dựng gia đình văn hóa trong hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu năm 2013.

Nhân rộng các mô hình đẹp

Để thực hiện phong trào ở các địa phương, trong những năm qua, BCĐ phong trào thi đua đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (gọi tắt là BCĐ) luôn làm tốt công tác cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của cấp trên thành những chương trình hành động cụ thể, gắn liền với thực tiễn.

Không chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, BCĐ đã chủ động triển khai đồng thời các biện pháp ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực, có tác động xấu đến xây dựng gia đình văn hóa. Tiêu biểu là việc duy trì và nhân rộng 2 mô hình “Phong trào chống bạo lực gia đình” và “Giảm tiêu cực tình trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài”.

Để duy trì và phát triển mô hình này, BCĐ cấp tỉnh đã cơ cấu thành viên gồm lãnh đạo UBND tỉnh, các ngành công an, tư pháp, văn hóa- thể thao và du lịch, y tế, giáo dục, lao động- thương binh và xã hội, phụ nữ,…

Tiếp tục thành lập các BCĐ cấp huyện, cấp xã theo cơ cấu và thành phần tương tự ở cấp tỉnh. Theo đó, hiện toàn tỉnh có 8 BCĐ mô hình cấp huyện- thị- thành và 16 BCĐ mô hình cấp xã gồm: Long Mỹ, Tân Mỹ, Trung Hiếu, Phước Hậu, Thuận An, Tân Ngãi, Ngãi Tứ, Lục Sĩ Thành, Tân Lược, Long An, Nhơn Phú, Trung Chánh, Tích Thiện, Phú Thịnh, Tân Quới và phường Cái Vồn.

Bên cạnh đó, hiện toàn tỉnh có 85 CLB gia đình phát triển bền vững với gần 2.450 thành viên; có 53 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình với 350 thành viên và 17 tổ tư vấn hòa giải với 34 thành viên. Các hoạt động của các CLB, nhóm đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân. Qua đó, các hộ gia đình đã có ý thức cao và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ông Phạm Văn Hưởng- Phó Ban thường trực BCĐ tỉnh nhấn mạnh: Thực hiện công tác gia đình luôn được quan tâm chỉ đạo, xem đó là một trong những nhiệm vụ cụ thể và chủ yếu của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Thật sự phong trào đến nay đã được phát triển sâu rộng trên địa bàn, thực sự trở thành một cuộc vận động văn hóa lớn và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ngày càng có nhiều gia đình văn hóa

Là một trong những nội dung quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa”, thời gian qua, phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa” ở Vĩnh Long luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo từ các cấp, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực từ nhân dân.

Phong trào đã khai thác, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, đạo lý dân tộc, tạo thành động lực thu hút các gia đình thuộc nhiều thành phần tham gia, từ các gia đình công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, các thành phần tôn giáo,…

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Cụ thể trong năm 2012, quỹ Vì người nghèo đã tiếp nhận trên 30 tỷ đồng, đạt trên 250% chỉ tiêu; xây dựng và sữa chữa 534 căn nhà đại đoàn kết; vận động và xây dựng nhà tình nghĩa, các chương trình khác cũng đã huy động trên 343 tỷ đồng. Năm qua cũng công nhận gần 8.000 gia đình hiếu học; có 846/846 khu dân cư có tổ hòa giải, số vụ hòa giải thành đạt trên 75%; tỷ lệ ấp- khóm văn hóa đạt trên 92%; xã- phường văn hóa trên 59%;…
Kết quả là số hộ gia đình văn hóa hàng năm được bình xét của tỉnh ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng.

Các kết quả thể hiện một cách cụ thể, nếu như năm 2002, tỉnh có gần 107.000 gia đình đạt chuẩn văn hóa, chiếm 50% số hộ thì đến năm 2012, đã có hơn 243.500 hộ gia đình được công nhận văn hóa, đạt 89%.

Các hộ gia đình văn hóa đều quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống, gia đình hòa thuận, hạnh phúc, gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương.

Theo đánh giá của BCĐ, trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã xuất hiện nhiều gia đình tiêu biểu xuất sắc, nhiều tấm gương “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; “Gia đình hiếu học”; “Gia đình trẻ hạnh phúc”; “Gia đình phát triển bền vững”;…

Các tấm gương gia đình đó đã mang đậm nét truyền thống của gia đình Việt Nam, là nhân tố điển hình trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, góp phần quan trọng vào việc xây dựng cộng đồng dân cư ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế, văn hóa xã hội, từng bước hình thành đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú.

Không dừng lại ở đó, xây dựng gia đình văn hóa đạt nhiều kết quả đã có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống văn hóa- xã hội.

Cụ thể, góp phần xây dựng ấp- khóm, xã- phường văn hóa; góp phần đẩy mạnh phong trào “giúp nhau phát triển kinh tế”, “xóa đói giảm nghèo”, “đền ơn đáp nghĩa”,… kéo giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh và ngăn chặn tình trạng tái nghèo, giảm nghèo bền vững; từng bước nâng cao trình độ dân trí, từng bước hình thành xã hội học tập; tạo sự đoàn kết trong cộng đồng thông qua công tác hòa giải, làm giảm phát sinh tội phạm và các tệ nạn xã hội;…

Đồng thời công tác xây dựng gia đình văn hóa cũng góp phần xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng con người Việt Nam có tinh thần yêu nước nồng nàn, hăng say lao động, học tập, có đạo đức lối sống lành mạnh,…

Những tấm gương sáng gia đình văn hóa


Xác định gia đình là tế bào của xã hội, xây dựng gia đình văn hóa là xây dựng xã hội văn hóa. Trong phong trào đó, đã xuất hiện nhiều gia đình tiêu biểu,…


Phạm Thị Tơ (xã Bình Ninh- Tam Bình): “Gia đình hạnh phúc phải trên nền tảng tình yêu thương và sự hy sinh thực sự”


Gia đình trước đây thuộc diện hộ nghèo, vợ chồng cưới nhau hơn 20 năm. Khi ra riêng, gia đình chỉ có trong tay 2 công ruộng và một số vốn ít ỏi.

Nhưng, vợ chồng quyết tâm cùng nhau phấn đấu thoát nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc, làm điểm tựa vững chắc cho các con. Hiện 2 vợ chồng bà Tơ có 2 người con gái.

Hàng ngày, chồng chị làm phụ hồ. Riêng chị lo quán xuyến việc nhà, chăm sóc con cái và buôn bán nhỏ ngoài chợ.


Hiện gia đình bà Tơ đã mở ra đại lý cung cấp và thu gom sản phẩm lục bình nhằm tăng thu nhập và giúp người dân trong ấp có việc làm ổn định, cải thiện cuộc sống.

Theo đó, đã giải quyết cho trên 2.000 lao động tại địa phương, hàng hàng xuất từ 10- 13 chuyến hàng, trừ chi phí lợi nhuận từ 4- 6 triệu đồng.

“Tuy thu nhập chưa phải là cao lắm nhưng vợ chồng tôi cố gắng chi tiêu tiết kiệm để tích lũy cho con ăn học và dành dụm xây được căn nhà cũng khá khang trang, trị giá trên 100 triệu đồng.


Nói về xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, bà Tơ gởi gắm: “Để có một gia đình hạnh phúc, trước hết gia đình đó phải xây dựng trên nền tảng của tình yêu thương và sự hy sinh thực sự. Nhận thức được điều đó, vợ chồng tôi luôn chí thú làm ăn và vun đắp cho gian đình ngày càng hạnh phúc hơn”.


Trần Hoàng Hiếu (TP Vĩnh Long): “Tài sản lớn nhất, niềm tự hào lớn nhất của vợ chồng tôi là 2 con…”


Ông Hiếu chia sẻ, mình luôn tâm niệm coi trọng việc giáo dục để hình thành nhân cách của con người trong nếp nhà.

Đó là việc lễ phép với mọi người, biết kính trên, nhường dưới, cách ứng xử có văn hóa, quý trọng người lao động, quý trọng những sản phẩm từ lao động làm ra, nêu gương, nhắc nhở con cái tự hào về truyền thống gia đình. Đặc biệt, trong gia đình luôn có trách nhiệm quan tâm giúp đỡ lẫn nhau; luôn quản lý giáo dục con cái, thực hiện tốt các tiêu chí gia đình văn hóa;…


Hiện vợ chồng ông Hiếu có 2 con: một trai, một gái. Cháu trai đã tốt nghiệp đại học và đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh, cháu gái đang học năm thứ 2.

Ngay khi còn còn nhỏ, vợ chồng luôn ý thức nhắc nhở, động viên con tự giác học tập. “Nghiêm khắc một cách đúng mực, chứ không cứng nhắc, không để sự kỳ vọng trở thành áp lực. Luôn gần gũi lắng nghe, nhẹ nhàng bồi đắp cho con đức tính cần cù chịu khó. Giáo dục con cái hiểu được sự khó khăn, thiếu thốn, biết quý giá trị đồng tiền,…”


Nhìn vào gia đình nhỏ của mình, ông Hiếu cho biết: “Có lẽ tài sản lớn nhất, niềm tự hào lớn nhất với vợ chồng tôi là 2 con với những tấm giấy khen, bằng khen; là danh hiệu gia đình văn hóa cấp thành phố, cấp tỉnh; là giấy công nhận gia đình hiếu học; là giấy khen “gương người tốt việc tốt”; bằng khen của Bộ Quốc phòng; Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng 3”.


Đoàn Văn Sơn (xã Thạnh Quới- Long Hồ): “Gia đình tốt góp phần xây dựng xã hội tốt”


Gia đình ông Sơn đã cố gắng thực hiện các mô hình, phát triển kinh tế gia đình. Hiện mỗi năm sau khi trừ đi các khoản chi phí, gia đình ông có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng, kinh tế dần đi vào ổn định.


Ngoài phát triển kinh tế gia đình, việc chú trọng đến xây dựng gia đình là việc rất cần thiết. Ông Sơn cho biết, trước hết là cho con học hành đến nơi đến chốn, hiện 3 đứa con đều có việc làm ổn định và khá giàu. Sau đó là khuyến khích các thành viên tham gia hoạt động trong các đoàn thể, xác định đây là nơi để tiếp thu đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.


“Gia đình tôi luôn giữ mối quan hệ đoàn kết tốt với xóm giềng; xây dựng gia đình hạnh phúc; thực hiện ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo. Nếu gia đình tốt thì mới góp phần xây dựng xã hội tốt, nên tôi xem xét xây dựng gia đình là quan trọng, được thực hiện hàng ngày, thường xuyên và lâu dài để lưu truyền cho gia đình
của đời con, cháu sau này”- ông Sơn chia sẻ.


Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN- QUANG THUẦN