Phỏng vấn

Nâng cao chất lượng, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Cập nhật, 07:34, Thứ Sáu, 28/12/2012 (GMT+7)

Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” do Chính phủ ban hành đang mở ra nhiều cơ hội đổi đời cho người dân nông thôn. Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, song tỉnh Vĩnh Long đã có kết quả khá toàn diện về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là đối với những hộ nghèo, hộ bị thu hồi diện tích đất canh tác, tạo tiền đề quan trọng để thành phố hoàn thành tốt các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Anh Tuấn- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội về thực hiện Đề án 1956 của tỉnh.

* PV: Thưa ông, xin ông cho biết kết quả sau 3 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long?

- Ông Huỳnh Anh Tuấn: Gần 3 năm triển khai thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện hỗ trợ dạy nghề cho 25.329 lao động nông thôn, trong đó hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn thuộc nhóm đối tượng 1 (diện người có công với cách mạng, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, lao động nông nghiệp bị thu hồi đất canh tác) là 3.777 người; hỗ trợ cho nhóm đối tượng 2 (lao động nông thôn thuộc hộ cận nghèo) là 1.030 người; hỗ trợ cho nhóm đối tượng 3 (các đối tượng lao động nông thôn khác) là 20.522 người. Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ trên 14,8 tỷ đồng, trong đó kinh phí Trung ương hỗ trợ trên 13,3 tỷ đồng; kinh phí địa phương đầu tư gần 1,5 tỷ đồng.

Về kết quả thực hiện hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức xã, đã tổ chức đào tạo bồi dưỡng cho 1.852 lượt người, kinh phí thực hiện 833 triệu đồng.

Để phục vụ cho công tác điều hành, tổ chức thực hiện Đề án 1956 trên địa bàn tỉnh, đã thành lập Ban chỉ đạo Đề án cấp tỉnh, cấp huyện và tổ thực hiện Đề án cấp xã. Các ban ngành chức năng có liên quan cũng phối hợp xây dựng và ban hành hướng dẫn liên ngành về thủ tục thực hiện tổ chức mở lớp dạy nghề, thủ tục thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ dạy nghề theo phạm vi chính sách của đề án…; tham mưu trình UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung một số nội dung chính sách của đề án cho phù hợp với thực tế của địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai thực hiện đề án cũng như cho các đối tượng lao động nông thôn tham gia học nghề.


Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh- Huỳnh Anh Tuấn (thứ 2 từ phải sang) và đoàn công tác Trung ương thăm làng nghề đan thảm lục bình tại xã Ngãi Tứ (Tam Bình).

* Trong quá trình thực hiện đề án này, có những thuận lợi, khó khăn ra sao, thưa ông?

- Về những mặt đạt, thuận lợi: Đề án đã có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ban ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Ban chỉ đạo Đề án cấp tỉnh, cấp huyện và tổ thực hiện đề án cấp xã đã được quan tâm củng cố tăng cường với sự tham gia của nhiều ban ngành, đoàn thể. Việc tổ chức thực hiện các hoạt động của đề án đã có sự vào cuộc tham gia khá tích cực của nhiều sở, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị- xã hội từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cơ sở xã- phường. Đề án cũng đã được quan tâm tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến quần chúng nhân dân và người lao động bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng, đã góp phần giúp nhân dân và người lao động nâng cao hơn về nhận thức, nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dạy nghề và giải quyết việc làm, từ đó đã ngày càng thu hút được nhiều đối tượng lao động nông thôn tham gia học nghề theo chính sách của đề án.

Song song đó, việc gắn dạy nghề với việc làm được chú trọng tăng cường, trong tổ chức hỗ trợ dạy các ngành nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn đã quan tâm thực hiện liên kết, phối hợp giữa cơ sở dạy nghề với các đơn vị giới thiệu việc làm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất- dịch vụ, các làng nghề để giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề... Đối với các nghề lĩnh vực nông nghiệp, việc tổ chức mở lớp dạy nghề thường gắn liền với nghề, công việc sản xuất canh tác thực tế của người nông dân nhằm trang bị thêm kiến thức, kỹ năng nghề cho lao động nông thôn là nông dân, đã thiết thực góp phần giúp họ thay đổi tập quán canh tác, cải tiến kỹ thuật sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng vật nuôi, cây trồng...

Theo đánh giá chung, hiện nay có khoảng 82,3% lao động nông thôn sau khi được hỗ trợ học nghề có việc làm theo nghề đã học. Nhiều đơn vị, cơ sở dạy nghề đã có sự tích cực tham gia triển khai thực hiện xây dựng kế hoạch dạy nghề, liên hệ phối kết hợp với các ban ngành đơn vị để tổ chức khảo sát, tuyển sinh mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Một thuận lợi nữa là các nguồn lực kinh phí cho thực hiện đề án đã tiếp tục được quan tâm đầu tư, năm 2011 và 2012 bên cạnh kinh phí hỗ trợ của Trung ương thì ngân sách tỉnh cũng đã bố trí kinh phí cho thực hiện đề án, trong đó có bố trí kinh phí hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng lao động nông thôn thuộc hộ cận nghèo khi tham gia học nghề. Các trung tâm dạy nghề huyện tiếp tục được quan tâm đầu tư tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị cho hoạt động.

- Về khó khăn, hạn chế: Một bộ phận lao động nông thôn chưa có tay nghề vẫn có xu hướng đi làm lao động phổ thông ở các thành phố lớn, khu công nghiệp để có thu nhập ngay, chấp nhận thu nhập thấp và không ổn định chứ chưa muốn tham gia học nghề. Một số ngành nghề lao động nông thôn chủ yếu để giải quyết việc làm trước mắt nhằm tạo thêm thu nhập cho người dân nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả cao và bền vững. Việc tổ chức dạy các nghề có trình độ kỹ năng tay nghề cao, có tính chuyên sâu và có hiệu quả cao về việc làm và thu nhập, đào tạo nghề phục vụ xuất khẩu lao động… cho các đối tượng lao động nông thôn còn ít. Năng lực, kinh nghiệm trong tổ chức triển khai, quản lý thực hiện các công tác hỗ trợ dạy nghề và các hoạt động của Đề án 1956 ở một số địa phương, đơn vị vẫn còn hạn chế. Nhất là việc thống kê nắm bắt nhu cầu ngành nghề, việc làm, nhu cầu học nghề của người lao động; việc tham gia quản lý giám sát, nắm bắt thông tin, thống kê các số liệu, kết quả, hiệu quả thực hiện đề án ở cơ sở... cũng còn hạn chế.

Song việc phân bổ, phân khai sử dụng các nguồn kinh phí cho thực hiện đề án có năm còn chậm, một số đơn vị được phân bổ kinh phí hỗ trợ dạy nghề còn chưa tích cực trong triển khai thực hiện... dẫn đến chưa hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sử dụng kinh phí được giao.

* Bên cạnh những kết quả đạt được từ hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn đã giúp cho người lao động cải thiện đời sống thì trên thực tế, có không ít người dân còn chưa mặn mà lắm với các lớp dạy nghề này. Do đó, để dự án này thật sự phát huy được hiệu quả thì trong thời gian tới, các ban ngành cần phải làm gì?

Tận dụng nguồn nguyên liệu lác, nhiều lao động nông thôn sau khi học nghề đan lác đã có việc làm ổn định.


- Năm 2013 cũng như thời gian tiếp theo cần tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo, nâng cao hiệu quả thực hiện đề án, cụ thể như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, của người lao động về học nghề, nghề nghiệp và việc làm; tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các đối tượng cán bộ thuộc tổ triển khai thực hiện đề án cấp xã, các ban ngành, đoàn thể chính trị- xã hội của địa phương để làm đội ngũ nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động và phối hợp thực hiện tốt các hoạt động của đề án ở cơ sở.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề bằng việc tiếp tục chú trọng đầu tư tăng cường, đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao năng lực hoạt động các trung tâm dạy nghề cấp huyện; nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy nghề nông thôn về nghiệp vụ sư phạm- kỹ năng giảng dạy, tay nghề chuyên môn... Tăng cường phối hợp giữa các cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất- dịch vụ, các làng nghề để biên soạn cập nhật chương trình, giáo trình dạy nghề sát với thực tế sản xuất và nhu cầu việc làm của người lao động.

Tăng cường gắn dạy nghề với giải quyết việc làm: Triển khai các hoạt động nhằm tăng cường phối kết hợp giữa các ban ngành, đoàn thể liên quan; các đơn vị dạy nghề và giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, các hiệp hội nghề nghiệp, làng nghề và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất,… để thực hiện tốt công tác định hướng, xác định ngành nghề đào tạo, xác định nhu cầu học nghề- việc làm và giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề. Khảo sát lựa chọn, đúc kết các mô hình dạy nghề- giải quyết việc làm lao động nông thôn có hiệu quả để làm điển hình nhân rộng. Định hướng, ưu tiên thực hiện đào tạo các ngành nghề mũi nhọn, có thế mạnh phát triển ở địa phương và các nghề phục vụ có hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương.

Đồng thời, nâng cao năng lực điều hành, quản lý giám sát thực hiện đề án như: các ngành là thành viên trong Ban chỉ đạo Thực hiện Đề án cấp tỉnh cần thực hiện lồng ghép các nội dung hoạt động của đề án thuộc phạm vi phụ trách của ngành mình vào các nhiệm vụ, chương trình hoạt động công tác của ngành nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện đề án. Nâng cao năng lực điều hành, quản lý giám sát thực hiện đề án, nhất là ở cấp cơ sở. Phân cấp, tăng cường sự tham gia của Ban chỉ đạo đề án cấp huyện, tổ thực hiện đề án cấp xã trong quản lý, giám sát việc tổ chức các lớp dạy nghề và các hoạt động khác của đề án ở địa phương. Thường xuyên có đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động của đề án, nhất là hoạt động tuyên truyền, hoạt động hỗ trợ dạy nghề và tình hình lao động được giải quyết việc làm sau học nghề, tình hình thực hiện đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề,… để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện.

* Cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

SÔNG TRĂNG (thực hiện)