Nỗi niềm “chợ chạy”

Cập nhật, 13:00, Thứ Sáu, 28/12/2012 (GMT+7)

Gọi là chợ nhưng chợ chỉ bán ngày 2 buổi. Sáng, bán những thức ăn nhanh cho công nhân, sinh viên. Chiều, chợ bán chủ yếu là đồ tươi. Tuy nhiên để bán được hàng, người bán phải chạy tất bật khi đội trật tự đô thị “đuổi”, vì bán hàng không đúng nơi quy định. Những phiên chợ ấy diễn ra trong sự thấp thỏm lo âu của người bán lẫn người mua.

Nhóm chợ lấn chiếm lề đường.


Chợ công nhân, sinh viên

Từ cầu Phú Quới đến gần Trường Đại học Cửu Long (Long Hồ), hàng ngày, vào buổi sáng và buổi chiều ta thấy đông nghẹt người bán người mua, ở hai bên đường quốc lộ. Chợ ban đầu chỉ có vài người đi bán rong với những xe bán bánh mì, bán xôi, bán bánh bao, thức ăn sáng cho công nhân, sinh viên. Về sau những người khác kéo theo đông dần thành nhóm chợ tự phát. Rồi họ bán luôn buổi chiều với những thực phẩm “cây nhà lá vườn” như cá lóc đồng, cua đồng, trứng vịt, trứng gà, rau cải, bầu, bí… Toàn những thứ do người dân địa phương trồng, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm vừa rẻ. “Chợ chạy” ở đây có điều rất đặc biệt là những thực phẩm ấy luôn được đựng trong những cái thúng, rổ, nia… những đồ dùng dễ bưng để... chạy. Điều đáng chú ý hơn là “chợ chạy” luôn bán những loại rau quả theo mùa nên được sự ủng hộ nhiệt tình của công nhân, sinh viên và ngay cả người dân địa phương nơi này. Người bán, người mua luôn ôn hòa, vui vẻ, bởi lẽ chợ không nói thách, lại vừa túi tiền của những người không mấy dư dả.

Không chỉ trên địa bàn xã Phú Quới mới có “chợ chạy” mà ngay cả những con đường trong tỉnh Vĩnh Long, hay ở những nơi có dân cư đông đều mọc lên những chợ chạy như thế. Chợ lấn lòng lề đường gây mất an toàn giao thông, làm khá nhọc công đội ngũ trật tự đô thị.

Tuy nhiên không thể phủ nhận được lợi ích từ những nhóm chợ như thế. Bởi cuộc sống người nông dân ít nhiều có thêm thu nhập. Bà Nguyễn Ngọc Loan (xã Hòa Phú- Long Hồ) cho biết: “Nhà đông anh em, ruộng vườn ít nên vợ chồng tôi quyết định trồng rau, nuôi cá đem chợ bán, mỗi phiên chợ lời từ 60- 70 ngàn đủ tiền cho con đi học hàng ngày”.

Gian nan “chợ chạy”

Buổi sáng, chỉ cần dậy sớm một tí thì thấy những chiếc xe bánh mì, những sịa đựng bánh, khoai lang, chuối luộc… nhan nhản trên đường quốc lộ, rồi họ tụ họp lại ngay ngã ba Phước Yên, bắt đầu buổi “chợ chạy”. Bà Cao Thị Hoa bán xôi vò tâm sự: “Buôn bán ở đây cũng vất vả lắm chú. Có hôm vừa để sịa xôi xuống đường thì bị đội trật tự đuổi phải nhanh chân mà dời vô hoặc đứng lên đi tiếp. Vài lần như thế thì cả buổi sáng chẳng bán được gì. Dù vậy nhưng vẫn phải bán, nếu bữa nào mà không bị “đuổi” thì bán rất chạy, bởi ở đây có nhiều sinh viên và công nhân nên buôn bán rất thuận”. Khi được hỏi vất vả thế sao bà không tìm cái nghề khác mà làm thì bà gượng cười chia sẻ: “Tuổi tôi đã lớn không ai thuê nữa đâu, với lại đây là việc nhẹ nhàng nên dù có chút khó khăn nhưng đã quen, bữa nào mà không “chợ chạy” tôi thấy rất buồn”.

Buổi chiều cũng chẳng khác gì. Những người bán rau cải thực phẩm tươi có khi bày hàng lấn cả ra quốc lộ. Công nhân, sinh viên và cả người dân địa phương sau khi đi làm về đều đến đây để mua, mặc dù họ biết mua và bán như thế là không an toàn, gây ùn tắc giao thông. Chị Sen bán rau cải cho biết: “Tôi biết bán đồ ở đây là không đúng quy định nhưng tôi không có nhiều tiền để mướn sạp bán, nếu mướn được sạp phải bán đồ với giá khác mới có lời, thì lúc ấy người ta cũng không mua hàng tôi nữa vì mắc quá”.

“Cực lắm, ngày nắng còn đỡ ngày mưa tôi cũng mặc áo mưa vào mà đi bán. Nhiều khi phải bán lỗ để vớt vốn chứ không bán biết lấy gì mà ăn? Biết là gây mất an toàn giao thông nhưng nghèo quá biết làm sao?” chị Hà bán cá than thở.

Bà Bảy- người tham gia “chợ chạy” trên chiếc xe đẩy tâm sự: “Buổi sáng, bà đẩy xe đến từng con hẻm, con đường nhỏ bán cho sinh viên và người dân nơi đây. Công việc không mấy nặng nhọc nhưng cũng giải quyết được một số khó khăn cho gia đình bà”.

Khó khăn và vất vả thế nhưng họ vẫn bám lấy cái nghề “lưu động” này vì những lý do khác nhau, nhưng chung quy lại vẫn là mong muốn cuộc sống khá giả hơn.

Hỏi nhiều người mua ở đây, họ rất thích những món hàng “chợ chạy” vừa tiện lợi lại vừa rẻ. Bạn Trung Kiên- sinh viên Trường Đại học Cửu Long bộc bạch: “Mình rất thích nhóm chợ chạy này, bởi họ bán với giá mềm vừa với túi tiền của mình mà hàng lại tươi ngon”. Còn ông Tư Sơn- người dân địa phương- cũng chia sẻ: “Mua những món đồ ở chợ chạy bán thì khỏi phải lo bị hố. Thích món hàng nào thì mua không cần đôi co trả giá tôi rất thích”.

“Chợ chạy” đôi khi là sự phiền phức nơi phố thị, lại gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, vẻ mỹ quan đô thị… Tuy nhiên không thể phủ nhận tiện ích mà “chợ chạy” mang lại cho người tiêu dùng và nhất là giải quyết được việc làm cho người lao động ở nông thôn hiện nay. Thế nên, việc sắp xếp lại “chợ chạy” vào nơi không cản trở giao thông, lại đảm bảo được tính chất “chợ người nghèo” là vấn đề thiết thực hiện nay.

Bài, ảnh: Trung Nhi (Long Hồ)