Để karaoke xứng là loại hình văn hóa

Cập nhật, 05:55, Thứ Tư, 07/04/2021 (GMT+7)

(VLO) Karaoke là loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ hay, được sự yêu thích của nhiều người nên nó mới có tính lan truyền rộng rãi trên khắp thế giới này. Trong điều kiện xã hội ngày nay, ở Việt Nam, karaoke có mặt mọi lúc, mọi nơi.

 Và, vì nó đã bị lạm dụng và sử dụng không phù hợp nên không còn nét đẹp văn hóa. Vấn đề đặt ra là xử lý với các loại tiếng ồn gây ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống cộng đồng dân cư, chớ không phải đặt ra những quy định riêng với karaoke.

Chỉ cần gõ lên mạng sẽ hiểu được sự ra đời của karaoke, từ chiếc Juke 8 do ông Daisưke Inoưe người Nhật sáng chế năm 1969, cho đến năm 1971 nó mới bắt đầu phát huy tác dụng và làm cuộc cách mạng cho loại hình giải trí ca hát dành cho mọi người.

Từ “Karaoke” hoàn toàn không có trong từ điển tiếng Nhật, vì nó là một từ ghép như tiếng lóng.

Kara có nghĩa là không, như từ karatedo là “không thủ đạo”; ý tưởng ghép từ kara với từ OK tiếng Anh, có nghĩa hát mà không cần ban nhạc vẫn OK.

Từ một hình thức giải trí, giao lưu vui vẻ, mang đậm nét văn hóa văn nghệ, có thể giải tỏa stress, có thể giúp nhiều người ngại ngùng khi cầm micro đứng cùng ban nhạc thì nay có thể thoải mái trở thành “ca sĩ” với loại hình karaoke.

Nhưng sự quá đáng đã đưa đến vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn, gây nên sự phản ứng, phản đối của nhiều người và chúng ta đang triển khai nhiều quy định để hạn chế vấn nạn này.

Ở ngay trên quê hương của nó, người Nhật cũng phải chào thua cái trào lưu chơi karaoke của người Việt mình luôn.

Bởi họ rất kiêng kỵ sự ồn ào ảnh hưởng người khác, với truyền thống ở nhà gỗ thì âm thanh ti vi cũng được họ hạn chế bằng việc sử dụng tai nghe cá nhân, nói chi đến âm thanh ầm ầm bất kể giờ giấc thì chắc chắn là sẽ bị cảnh sát mời làm việc ngay.

 Ngoài việc hát karaoke trong những căn phòng cách âm đạt tiêu chuẩn, những tụ điểm vui chơi giải trí được cấp phép; hàng năm, người ta có thể thấy người Nhật thoải mái hát là ở những công viên ngắm hoa anh đào vào dịp lễ hội Hanami (ngắm hoa) hàng năm, nơi được phép tổ chức chính thức.

Trên cả việc tuân thủ những quy định, luật định, người Nhật có một ý thức cao về văn hóa lịch sự, tôn trọng sự tự do chính là không làm ảnh hưởng đến tự do của người kế bên. Ngay trong những quán ăn người ta cũng ngại ngùng to tiếng sợ làm phiền người bên cạnh.

Nếu ứng xử văn hóa, thì karaoke cũng là nét đẹp văn hóa, một hình thức giải trí hay, cần thiết với nhiều người và nhiều dịp lễ hội, tiệc tùng.

Việc chúng ta dùng từ “cấm karaoke” dễ gây ác cảm với loại hình giải trí này; chính xác là cấm hành vi lạm dụng, hát karaoke sai với quy định, sai với ứng xử văn minh, lịch sự. Không cảm nhận sự khó chịu, sự ảnh hưởng đến người bên cạnh.

Việc áp dụng ngay và cụ thể những quy định đối với các loại tiếng ồn là cần thiết.

Trong đó có karaoke, có nhạc sống, có những tiếng ồn động cơ xe cộ, nhà máy… khi đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư đều phải được điều chỉnh đúng, phù hợp với quy định, với sự ứng xử văn hóa, văn minh từ đô thị cho tới nông thôn.

Từ liên hoan, sinh nhật, tiệc cưới, ma chay cho đến một nhóm nhỏ ngồi nhậu với nhau cũng có thể tạo ra những âm thanh khủng khiếp bất kể giờ giấc.

Tức là cần phải có những quy định, thiết chế, xử phạt đối với tất cả các loại tiếng ồn sai quy định, chớ không riêng gì quy định đối với karaoke. Đó là văn minh, là văn hóa.

NGỌC TRẢNG