Tết xưa - Tết nay: Cả năm túng thiếu, Tết chỉ cần tháo đìa là đủ tiền sắm thịt

Cập nhật, 14:08, Thứ Sáu, 19/02/2021 (GMT+7)

Giáp Tết, nhà nhà đua nhau tháo đìa. Nhà nào không có đìa thì đi "bắt hôi" tôm cá ở các nhà khác. Vậy nên, coi như Tết đến là cả xóm được chia đủ phần, không ai thiếu thốn "vốn liếng" ăn Tết.

 Tết, người ta hồ hởi gọi nhau tháo đìa ăn Tết - Ảnh: N.T.
Tết, người ta hồ hởi gọi nhau tháo đìa ăn Tết - Ảnh: N.T.

Từ đầu tháng Chạp, tôm càng xanh, tôm sông với lớp vỏ óng ánh ngập tràn các chợ.

Cũng tháng Chạp, những người nông dân chính hiệu, suốt đời gắn với những con nước lớn ròng như ba tôi cũng nôn nao trong lòng, nhắc đám con mỗi việc canh đúng con nước trong những ngày sát Tết, thường là 28, 29, có năm là ngay hôm 30 - tháo đìa ăn Tết.

Đìa, hay gọi chung chung là ao hồ, tựu trung là một hồ nước không lớn lắm, được be đắp men theo một đám ruộng, hoặc bên hông nhà, ven sông. Gọi đìa để phân biệt với ao ở chỗ đìa được làm để dẫn dụ và nuôi dưỡng cá tôm tự nhiên từ con nước ở sông đưa vào. Cá lóc, cá trê, tôm càng xanh, tép bạc, cá hường, lòng tong, cá sặc…

Ao thì lớn hơn đìa, là nơi để nuôi cá công nghiệp, thường là cá tra, chép, trắm. Nơi nào có cá công nghiệp thì đám cá đồng không đấu lại nên sẽ không có đất sống. Đìa với ao, tưởng là anh em mà nhìn kỹ thì không phải, dù thoạt nhìn thì cứ hao hao như nhau.

Tết, người ta hồ hởi gọi nhau tháo đìa ăn Tết chứ không ai kêu tháo ao ăn Tết cả, rõ là khác mười mươi rồi! Mấy cái ao cá công nghiệp đó, nuôi một lứa cá chỉ vài ba tháng là vớt lên, gọi thương lái tới.

Vớt một lứa cá công nghiệp nó nhàn hạ và nhanh gọn như ăn cơm uống nước hàng ngày, không có gì đặc sắc khiến người ta vừa háo hức, nôn nao, vừa mừng vui khôn xiết như khi nắp bọng của miệng đìa được tháo ra, nước chảy tràn vào những rổ súc bằng tre chắc chắn lắp phía dưới để hứng trọn những con cá đang nhảy đìa ra sông.

Trong đìa thường cắm những cành cây khô gọi là chà ở giữa lòng đìa. Rong rêu tự nhiên theo tháng năm bao phủ lấy, tạo nên một mê cung đầy mê hoặc cho bọn cá an cư, sinh trưởng. Sáu tháng hoặc một năm, đìa được tháo một lần.

Giáp Tết, nhà nhà đua nhau tháo đìa. Nhà nào không có đìa thì đi "bắt hôi" tôm cá ở các nhà khác. Vậy nên, coi như Tết đến là cả xóm được chia đủ phần, không ai thiếu thốn "vốn liếng" ăn Tết.

Nông dân bưng biền nghèo tiền bạc nhưng mấy con tôm con cá ngày Tết thì hào phóng cho không xóm giềng mấy hồi. Người lớn, trẻ con xách thau, xách thùng thiếc đi bắt hôi, rộn ràng nói cười, vui như Tết là vậy!

Tháo đìa, là canh con nước ròng, nước rút ra sông thì mình mở nắp bọng, tháo nước ra, còn lại cái đìa với lỏm ngỏm cá tôm quẫy lội trong đó. Đám con nít í ới ngâm mình trong bùn, dí lũ cá lóc nhảy trườn, lóc mình lắng quắng hết chỗ này đến chỗ khác.

Sợ nhất là đụng phải ngàm cá trê, nó chích cho một phát có khi sốt rần rần cả ngày không bớt. Những thau rổ, thùng thiếc trong nhà có bao nhiêu lôi ra hết để đựng cá, tôm, ốc đắng, ốc bươu…

Những năm 90, khi mà mùi phố thị vẫn còn xa ngái so với khu vùng ven Sài Gòn, nước sông trong xanh soi rõ bóng người, chưa ô nhiễm, đen ngòm và hôi thối như bây giờ. Mỗi lần tháo đìa là nhà tôi phải huy động cả những thùng thiếc của hàng xóm để đựng tôm.

Mối lái thu gom từ các chợ canh sẵn từ lúc mới tháo nắp bọng để giành nhau tôm càng xanh loại 1, chỉ chừng 2, 3 con là được 1 kí.

Vậy nên, cả năm dù có đôi lần túng thiếu nhưng Tết nhất chỉ cần tháo đìa là đủ tiền sắm sửa thịt thà, bánh trái, hoa quả, áo quần cho sắp nhỏ xúng xính ăn chơi. Mùi Tết, nói không ngoa, chính là mùi dậy lên từ cá tôm, từ bùn non mà hóa ra mùi củ kiệu, dưa hành, bánh chưng bánh tét…

Tháo đìa, vui phần cá tôm loại nhứt chưa hết, còn phải kể phần râu ria, phần hậu, là mớ lòng tong, tép bạc được vớt lên sau cùng, rửa sạch, chao dầu, phi tỏi bằm, đảo sơ trên chảo lớn là có món tép rang cuốn bánh tráng kèm mớ rau sống lặt trong vườn non tơ, chấm nước mắm chua ngọt ngon tê lưỡi.

Có khi, cả nhà còn nguyên bộ đồ và khuôn mặt, tay chân lấm lem bùn sình, quây quần bên mâm bánh tráng tép của má bày ra giữa sân, cuốn lấy cuốn để, ăn ngon lành, ăn no bụng để chờ nắng đậm bắt nốt những con cá trốn kỹ, nóng quá mới ngoi lên lớp bùn, gọi là cá ngáp…

Miệt bưng biền chỉ cách Sài Gòn một con sông lớn, những cái Tết quê xưa dù mộc mạc, đơn sơ nhưng nó như sợi chỉ đỏ vẫn óng ánh trong tâm tưởng mỗi khi năm mới đến.

Miệt này giờ chịu khó lội sâu đến mé Long Phước, giáp sông Đồng Nai, họa may còn gặp được vài cái đìa nho nhỏ nhưng chắc chắc tôm cá không dồi dào như xưa. Khu công nghệ cao mọc lên ở nơi xưa kia là đồng ruộng hoang vắng.

Những cái đìa giờ mang hình hài của một ngôi biệt thự, một quán ăn, hay một dãy trọ đông đúc, náo nhiệt. Ngay trước Tết năm nay, vùng đất này kiêu hãnh được gọi tên một thành phố mới.

Tết về, trong niềm hân hoan chào đón những điều mới mẻ, trong tôi vẫn rưng rưng một nỗi nhớ mang mùi bùn non, mùi tanh lợ rong rêu bám trên mình con tôm con cá quẫy lội trong đìa - những cái Tết tuổi thơ trong trẻo, thơm lành.

Theo TTO