Cần có một góc nhìn mới về rapper

Cập nhật, 18:14, Chủ Nhật, 14/02/2021 (GMT+7)

 

Rapper “Đạt Maniac”
Rapper “Đạt Maniac”

LTS: Nhiều bạn trẻ yêu hiphop gọi bà Nguyễn Kiều Phương bằng cái tên trìu mến “má Năm”. Với hành trình 10 năm đồng hành, ủng hộ, chia sẻ cùng con trai rapper “Đạt Maniac” và Tín (Pick), bà là người truyền cảm hứng và tôn trọng niềm đam mê cũng như sự lựa chọn của các con. Giờ bà Kiều Phương không chỉ là má của Đạt Maniac và Pick mà là “má Năm” của “500” bạn bè…

Nhân dịp xuân về tết đến, bà Kiều Phương có bài viết “Cần có góc nhìn mới về Rap Việt”, như những dòng tâm sự xen lẫn tự hào của một người mẹ từng cho rằng “tôi đã đóng cho mình một cái khuôn, khóa chặt người đàn bà của mình vào góc khuất” để “đau theo niềm đau của con, vui theo niềm vui của con”.

Giới trẻ thích sinh hoạt văn hóa văn nghệ theo chiều hướng quy tụ đám đông. Tuy nhiên, trong thời buổi dịch COVID-19 thì có phần khó khăn khi tổ chức những biểu diễn. Cái khó ló cái khôn, game truyền hình xuất hiện cứu nguy “chống nhạt”. Không tụ tập được ngoài trời thì chơi trong nhà vậy!

Có lẽ nghĩ như thế, nên đầu tháng 8 có cuộc thi rap được tổ chức và quay trực tiếp lên truyền hình. Không chỉ một mà hai cuộc thi rap song song với nhau: RapViet và King of Rap.

Rap là một loại nhạc các bạn trẻ quan tâm nhất hiện nay được sáng tác bởi chính người biểu diễn bản rap đó. Vì vậy, rapper vừa là ca sĩ vừa là nhạc sĩ sáng tác.

Ở nước ngoài, rap được mọi thành phần, mọi tầng lớp không giới hạn tuổi tác tham gia, ủng hộ và thưởng thức. Nhưng ở nước ta, rap chỉ được giới trẻ nghe và quan tâm.

Không chỉ vậy rap ở nước ta còn bị thu hẹp bởi những định kiến của phụ huynh cho nên gần như nhiều rapper phải tự đi lên mà không có sự ủng hộ từ gia đình.

Tác giả bên những bức graffiti trước show rap diễn ra từ 23- 27/12 tại Tòa nhà 102 Lê Lai, Quận 1.
Tác giả bên những bức graffiti trước show rap diễn ra từ 23- 27/12 tại Tòa nhà 102 Lê Lai, Quận 1.

Ta sẽ không ngạc nhiên khi có dịp nghe một số rapper thổ lộ như nhắn gởi tâm tình cho người thân, với ngụ ý “hãy chấp nhận cuộc chơi của chúng con”! Và những rapper thành công rất thích thú khi được sự đồng tình và quan tâm của người lớn.

Rap có nguồn gốc từ lời than thân trách phận của những người nô lệ và từ đó được biến thành âm nhạc. Nó là tiếng kêu bi thương và ai oán cho kiếp người. Sau này lời hát, hay thật ra là lời rên rỉ ấy được lan tỏa ra khỏi giới hạn người nô lệ, đi vào cuộc sống biến hóa thành một loại âm nhạc đường phố kết hợp với B.Boy, BXM, Grafffiti,... Người ta gọi hiện tượng lan rộng này là trào lưu Hiphop.

Tài năng của Đạt Maniac được chứng minh với danh hiệu Quán quân chương trình Rhymes Fes 2012. Từ năm 2013, sau một clip rap đình đám, Đạt Maniac được gắn thêm biệt danh “Ma tốc độ” khi đọc rap nhanh nhất Việt Nam”. Khả năng rap nhanh của Đạt chạm đỉnh ở tác phẩm “Côn đồ trên con đò”, lập kỷ lục 176 từ trong 20 giây (từ 1:09 đến 1:29), trung bình 8,8 từ/giây.

Theo năm tháng và dòng đời sấp ngửa, dần về sau, hiphop trải rộng ra khắp thế giới và được đón nhận như một thứ âm nhạc không thể thiếu trong dòng nhạc hiện đại. Đã có người da trắng chơi rap nổi tiếng được cả thế giới mến mộ là Eminem và những rapper giàu có với tài sản kếch xù. 

Rất hiếm hoi một rapper được sự ủng hộ của gia đình ngay từ đầu cũng do tâm lý e ngại thành kiến xã hội nhìn vào trò chơi khác lạ của con em mình.

Thêm nữa, ai cũng muốn ngay từ lúc mới khởi nghiệp, con em mình phải chọn một nghề nghiệp căn bản nuôi sống gia đình sau này hay chí ít cũng có một tương lai được nhìn thấy.

Trẻ theo đuổi đam mê nhạc rap thì sẽ bị tiêu tốn rất nhiều thời gian vào chuyện luyện tập và sáng tác mà tương lai của công việc đó thì… mờ mịt. Cho nên, phụ huynh không cấm nhưng cũng không thích. 

Nếu công tâm nhìn vào thực tế thì phải công nhận rằng phụ huynh e ngại là không thừa, bởi khi không biết được giới hạn và không có sợi dây cương mà đến với môi trường này thì trẻ sẽ không tự chủ, dễ buông thả- nhất là đối với những đứa trẻ chưa đủ bản lĩnh, muốn thể hiện quá sớm.

Dĩ nhiên, theo quy luật tự đào thải, đến một ngày, mục đích sống không có, công việc đang làm chỉ là để thể hiện mình thì tự động niềm đam mê của những đứa trẻ ấy sẽ lụi tàn và không đi theo con đường đã chọn này nữa. 

"Má Năm" cùng con trai rapper “Đạt Maniac”.

Phải nói trước, rapper đều là những đứa trẻ cá biệt, nhưng cá biệt không đồng nghĩa với hư hỏng mà ngược lại, đó là những đứa trẻ tài năng bẩm sinh.

Bao nhiêu đứa trẻ được thành danh rapper là bấy nhiêu đứa trẻ tài năng không gì bàn cãi. Bằng chứng là xã hội đã công nhận loại hình nhạc rap và đưa vào giới thiệu trong quảng đại quần chúng, trên đài truyền hình cả nước.

Người lớn bắt đầu quan tâm theo dõi, trẻ em mạnh dạn đi dự thi, có em còn đề nghị ban giám khảo cho mẹ thí sinh lên truyền hình với con. Một chuyển biến mới về góc nhìn Rap Việt đáng mừng và danh giá hơn nữa khi quán quân giải thi Rap Việt nhận phần thưởng tiền mặt là 1 tỷ đồng cùng nhiều tặng phẩm trị giá 200 triệu đồng.

Năm 2020 là năm biến động nhiều nhất trong lịch sử nhân loại và riêng với thế giới âm nhạc thì rap cũng lấy năm 2020 làm cái mốc chuyển mình thay đổi được cách nhìn của đất nước mình.

Chúc mừng rap Việt được tôn vinh và đứng cùng sân khấu với tất cả dòng nhạc ở Việt Nam!

Bà Nguyễn Kiều Phương

“Tôi giáo dục con chủ yếu theo kiểu làm gương. Tôi không uốn con như uốn cây theo khuôn chọn sẵn như người ta uốn dáng bon sai. Tôi thả cho cây lớn tự nhiên, tìm cho ra và chăm chút nhanh cây năng khiếu! Người ta tạo bon sai để khi trưng bày nó thì muốn nói lên tài nghệ của mình. Tôi chăm sóc con chỉ vì muốn nó phát triển tài năng của chính chúng nó. Tôi không muốn các con có đời sống của những bon sai. Tôi thích ngắm nhìn con như cái cây tươi xanh được tắm gội trong nắng mưa.”

NGUYỄN KIỀU PHƯƠNG