Những giai điệu dành cho thiếu nhi

Cập nhật, 06:03, Thứ Ba, 06/10/2020 (GMT+7)

 

Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp (bìa trái) trong lễ mừng thọ 80 tuổi.
Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp (bìa trái) trong lễ mừng thọ 80 tuổi.

Sinh thời, nhạc sĩ Phong Nhã, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Trần Hữu Pháp đã ưu ái viết nên những giai điệu vui tươi, hồn nhiên dành cho thiếu nhi.

Nhạc sĩ Phong Nhã tên thật là Nguyễn Văn Tường, là tổng phụ trách đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong (TNTP) Hồ Chí Minh và cũng là Tổng Biên tập đầu tiên của Báo TNTP (1954-1978).

Năm 1950, khi Trung ương Đoàn cử nhạc sĩ Phong Nhã đến đơn vị Thiếu sinh quân ở Bắc Kạn để dạy thêm cho thiếu nhi, ông đã sáng tác nên ca khúc “Cùng nhau ta đi lên”.

Lời bài hát như thúc giục: “Cùng nhau ta đi lên theo bước đoàn thanh niên đi lên/ Cố gắng xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ”. Sau này, Ban Thanh vận Trung ương đã duyệt, lấy bài hát làm Đội ca.

Ngoài ca khúc “Cùng nhau ta đi lên”, nhạc sĩ Phong Nhã còn có những ca khúc: “Đội ta lớn lên cùng đất nước”, “Em yêu Đội nhi đồng”, “Hành khúc Đội TNTP Hồ Chí Minh”, “Ngàn hoa việc tốt dâng Đảng quang vinh”, “Đội em làm kế hoạch nhỏ”, “Đoàn tàu mang tên Đội”, “Nhanh bước nhanh nhi đồng”, “Kim Đồng”... Đặc biệt, ca khúc nổi tiếng nhất, được nhiều người biết đến nhất của ông là ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”.

Ra đời từ năm 1945, bài hát đã trở thành ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhiều thế hệ thiếu nhi hát vang.

Trong sự nghiệp viết âm nhạc của mình, nhạc sĩ Phong Nhã từng nhận được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật ngay từ đợt 1 (năm 1996); Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 2001); Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Lao động hạng nhất; Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc; Huy chương Vì thế hệ trẻ, Vì sự nghiệp giáo dục…

Sinh ra ở Đắk Lắk nhưng từ 4 tuổi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã theo gia đình ra Huế sinh sống. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã nhận xét: “Những năm tháng tuổi thơ ở Huế là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời của Trịnh”.

 Bên cạnh đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng học chuyên ngành tâm lý giáo dục trẻ em Trường Sư phạm Quy Nhơn tại tỉnh Bình Định (1962- 1964).

 Sau khi mãn khóa, ông lên B’Lao (nay là TP Bảo Lộc- Lâm Đồng) dạy học tại Trường Sơ học Bảo An trong 3 năm (1964-1967). Coi sóc, dạy dỗ một bầy trẻ thơ nên những sáng tác dành cho thiếu nhi của ông luôn vui nhộn, hồn nhiên, trong sáng nhưng đong đầy sự yêu thương.

Bởi thế, người nhạc sĩ tài danh này có một “kho báu” những bài hát hay dành cho thiếu nhi. Đó là các bài: “Mẹ đi vắng”, “Em sẽ là hoa hồng nhỏ”, “Khăn quàng thắp sáng bình minh”, “Tiếng ve gọi hè”, “Mùa hè đến”, “Như một hòn bi xanh”, “Vì bé ngoan”, “Ai ngoài cánh cửa”, “Ông tiên vui”, “Tết suối hồng”, “Mừng sinh nhật”, “Em đến cùng mùa xuân”, “Đời sống không già vì có chúng em”...

Những ca từ của bài hát “Mẹ đi vắng” thật giản đơn đến thân thương: “Mẹ đi vắng, mẹ đi vắng/ Con sang chơi nhà bạn í a/ Con cầm cây đàn con hát”.

Không khí Trung thu thật vui trong “Tết suối hồng” của ông: “Trung Thu đốt đèn lên cho sáng/ Cho bao con đường rộn vui/ Đêm trăng với đèn lồng thay nắng/ Em như giấc mộng giữa đời”.

Bên cạnh đó, các thế hệ đội viên Đội TNTP Hồ Chí Minh đã hát vang ca khúc “Khăn quàng thắp sáng bình minh” của ông: “... Kìa các em xinh xinh, chân bước vội đến trường. Từng chiếc khăn em quàng thắm đỏ bình minh. Từng cánh tay măng non, đang xây ngày mai hồng. Đoàn thiếu nhi em là hy vọng Việt Nam”.

Để tôn vinh người nhạc sĩ tài danh này, ở Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Huế, TP Đà Nẵng, TP Quy Nhơn (Bình Định), TP Đồng Hới (Quảng Bình), TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) hiện đã có những con đường mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp có một tuổi thơ nghèo khó. Ông sinh ra trong một gia đình nho giáo nghèo tại xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Dù chỉ mới 12 tuổi, ông phải đi chăn vịt thuê để phụ giúp gia đình. Từ năm 1947, khi mới 14 tuổi, Trần Hữu Pháp đã thoát ly gia đình phục vụ cách mạng.

Từ Thiếu sinh quân, ông về Đoàn Văn công tuyên truyền thuộc Sở Thông tin tuyên truyền Liên khu V. Đến tháng 10/1954, ông tập kết ra Bắc và vào Đoàn Văn công thanh niên xung phong Trung ương. Sau đó, ông được điều về Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam và làm công tác biên tập ở Báo Tiền Phong.

Sau khi học xong khóa sáng tác dành cho các trưởng đoàn văn công do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phụ trách năm 1958, ông được phân công về Ban Biên tập âm nhạc tại Nhà xuất bản Âm nhạc vào năm 1960. Năm 1965, ông được điều làm Trưởng Phòng Văn nghệ tại Đài Phát thanh Hà Nội.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Trần Hữu Pháp công tác tại Đài Phát thanh Bình Trị Thiên và được bầu làm Chủ tịch Phân hội Âm nhạc Bình Trị Thiên, rồi Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Thừa Thiên- Huế cho đến lúc về hưu.

Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huy chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam.

Tháng 2/1965, vùng đất Đồng Hới (Quảng Bình) bị hàng trăm quả bom dội xuống. Thời điểm đó có một cậu bé băng mình qua những đồi cát đang bị cày xới nham nhở để tiếp đạn cho bộ đội và dân quân bắn máy bay.

Đó là Trương Ngọc Hương- người đã trở thành nhân vật trong bài thơ “Em bé Bảo Ninh” của nhà thơ Nguyễn Văn Dinh và sau này được nhạc sĩ Trần Hữu Pháp phổ nhạc với ca khúc cùng tên.

Cho đến nay, những ca từ “Em bé Bảo Ninh/ Bên bờ Nhật Lệ/ Dưới trời lửa khói/ Em như cánh tên/ Bay trên cồn cát/ Rẽ gió xông lên/ Cởi khăn quàng đỏ/ Bọc đạn chuyển đi/ Trận địa bom nổ/ Khó khăn sá gì” đã đi cùng năm tháng về một thời góp sức đánh Mỹ của thiếu nhi Việt Nam anh hùng.

Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp còn có bài hát về thiếu nhi rất hay là “Lớn lên em sẽ làm gì” thật dễ thương với những ca từ: “Lớn lên em sẽ làm gì/ Em sẽ làm người công nhân đi dựng xây những nhà máy mới/ Những nhà cao lồng lộng giữa trời mây/ Lớn lên em sẽ làm gì/ Em sẽ làm người nông dân lái máy cày trên bao đồng ruộng/ Những cánh đồng thẳng cánh cò bay”.

Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp còn có bài “Trăng sáng sân nhà em” (phổ thơ Trần Đăng Khoa) với những ca từ thật hồn nhiên: “Ơi ông trăng sáng tỏ/ Soi rõ sân nhà em/ Con chim quên không kêu/ Con sâu quên không kêu/ Chỉ có trăng sáng tỏ/ Soi rõ sân nhà em”.

Đặc biệt, bài hát “Hành khúc dưới ngọn cờ hòa bình” của nhạc sĩ Trần Hữu Pháp được chọn làm bài ca chính thức của phong trào thiếu niên và nhi đồng quốc tế tại Bulgaria năm 1979.

Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN TOÀN