Tạp bút

Còn mãi những mùa trăng

Cập nhật, 06:03, Thứ Ba, 06/10/2020 (GMT+7)

Mỗi lần có lễ lộc hay dịp nghỉ nào ở Việt Nam là bạn đều nhớ và gọi điện hoặc nhắn tin hỏi thăm tôi về không khí ở quê hương mình. Với bạn, dù giờ đã là công dân của một quốc gia khác nhưng Việt Nam vẫn nằm trong một nửa trái tim của bạn. 

Bạn bảo: “Quên sao được vì đó là nơi mình đã được sinh ra. Mười ba năm định cư nơi này nhưng cũng có hai mươi năm sống ở nơi kia. Cội nguồn đó. Dòng máu đây. Dù có bao nhiêu năm nữa thì vẫn không thay đổi: Mình vốn là người Việt Nam”.

Mở đầu đoạn hội thoại với tôi, bạn “thả” biểu tượng “Huhu” kèm dòng tin nhắn: “Trời bên đây đang bỏng rát. Ước gì giờ này được ngồi bệt trên bậc thềm nhà đón cơn gió quê mát lành ngắm trăng sáng đêm Tết Trung thu”.

Tôi xoa dịu nỗi nhớ quê của bạn bằng câu chúc: “Trung thu vui vẻ!” Tôi gửi cho bạn xem một số hoạt động Tết Trung thu trong trường mầm non của con gái. Tôi kể cho bạn nghe không khí trung thu ở quê mình. Nào là hội diễn văn nghệ, nào là không khí phá cỗ trung thu, vui chơi, ca hát, múa lân, thả hoa đăng ở công viên, bờ kè… Trung thu giờ vui lắm! Thành thị rộn ràng.

Nông thôn cũng không kém phần rộn rã. Trẻ con có lồng đèn đầy màu sắc, được chăm lo quà bánh đủ đầy… Đầu dây bên kia, bạn không “đang soạn tin nhắn”. Hẳn bạn đang chăm chú để đọc những dòng diễn tả của tôi.

Thỉnh thoảng bạn “chêm” vào biểu tượng “vui quá”, “thích thật” như thể mình cũng đang sống trong không khí đêm Trung thu. Tôi- bạn: những đứa trẻ của năm nào bỗng sống lại những mùa trăng tuổi chúng mình.

Trung thu xưa đi qua tuổi thơ bọn trẻ quê chúng tôi cũng rất đẹp với những dòng ký ức thật ngọt ngào. Ngày ấy không có nhiều bánh, kẹo phong phú như bây giờ.

Tuy nhiên, trẻ nhỏ bọn tôi cũng rất vui. Chiều tối, chúng tôi cùng kéo nhau đến nhà được thông báo trước sẽ là nơi tổ chức Trung thu. Đó thường là ngôi nhà có khoảng sân rộng và “uy tín” nhất xóm. Chúng tôi tập trung xếp hàng ngay ngắn để đi rước đèn quanh thôn xóm, vừa đi vừa ca hát tập thể rất vui.

Sau khi đi một vòng rước đèn, rước thêm bạn nhập cuộc chơi, chúng tôi nối đuôi nhau về khoảng sân nơi bắt đầu để chơi những trò chơi dân gian, nhận quà bánh và phá cỗ trung thu. Những viên kẹo the xanh đỏ, những chiếc bánh trung thu bé tẹo cùng những chiếc lồng đèn tự tay làm tất cả đã tạo nên một tuổi thơ hồn nhiên đầy ắp tiếng cười.

Ở thôn quê, đèn không phải mua mà mỗi gia đình tự làm cho con em mình. Những thanh tre tươi thật dẻo làm khung. Giấy bóng kiếng mua ở chợ đem về dán. Muốn lớn chừng nào cũng được, muốn hình thù gì cũng có.

Trong tôi và bạn vẫn còn vẹn nguyên khoảnh khắc chia nhau từng viên kẹo the, từng cây đèn cầy. Bạn- tôi dù cách xa nửa vòng Trái đất. Dù ở đất nước bạn không có “khái niệm” về Trung thu nhưng trong tôi và bạn vẫn còn mãi những mùa trăng của mình.

Một mùa Trung thu mới lại về, có đứa trẻ quê năm nào giờ dắt con đi mua lồng đèn, mua bánh trung thu mà cồn cào, da diết nhớ! Tôi nhắn với bạn như thế! Bạn trả lời tôi: “Mình đang lên kế hoạch để sắp xếp, Trung thu sau sẽ dắt con gái về thăm quê”.

Có những thứ dù đã đi vào tiềm thức nhưng khi ta hoài niệm thì lại càng trân quý hơn. Có những kỷ niệm đẹp dù chỉ là đơn sơ nhưng ta vẫn sẽ lưu giữ mãi.

Trung thu là nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Thế nên, đã là “trẻ em Việt Nam” thì dù ở bất cứ đâu, Trung thu vẫn luôn ở trong tâm thức. Hẹn gặp bạn- một người con có nguồn cội Việt Nam- trong mùa Trung thu tới.

Ngoài sân, trăng đang sáng ánh sáng của đêm rằm!

DIỄM KIỀU