Khởi đầu mới cho cải lương

Cập nhật, 08:39, Chủ Nhật, 29/04/2018 (GMT+7)

Một thế kỷ đã trôi qua, cải lương trãi qua biết bao thăng trầm. Hiện, nhiều công trình nghiên cứu, cải tiến nhằm làm sống lại sân khấu cải lương (SKCL) một thời vang bóng cũng đã được thực hiện. Khởi đầu mới đáng ghi nhận của những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu hết lòng vì bộ môn nghệ thuật này.

NSND Bạch Tuyết- người có nhiều vai diễn “để đời”
NSND Bạch Tuyết- người có nhiều vai diễn “để đời”

Thời gian qua hàng loạt các chương trình phát thanh, truyền hình, các gameshow, hội thi, biễu diễn nghệ thuật về cải lương được hình thành như: Chuông vàng Vọng cổ, Sao nối ngôi, Giọng ca cải lương giải Bông lúa vàng, Đường đến danh ca vọng cổ, Vầng trăng cổ nhạc, Ngân mãi chuông vàng… hầu vực dậy SKCL sống lại một thời vàng son của mình. Qua đó, cũng nhằm phát hiện, đào tạo thế hệ kế thừa thế hệ vàng SKCL trước đây.

NSUT Minh Vương là nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng của SKCL. Có thời gian ông và NSND Lệ Thủy thành lập Sân khấu vàng với mục đích vừa tạo đất diễn cho thế hệ nghệ sĩ cải lương lớn tuổi, vừa lập một quỹ tài chính làm từ thiện.

Sân khấu vàng lần lượt dàn dựng và biểu diễn lại các tác phẩm nổi tiếng của nhiều tác giả như: Hà Triều - Hoa Phượng, Viễn Châu, Thế Châu, Kiên Giang, Loan Thảo, Trần Hữu Trang, Năm Châu.

 Dù đã ở tuổi ngấp nghé “cổ lai hy” lại trải qua cơn bạo bệnh nhưng NSUT Minh Vương rất tâm huyết trong lần trở lại sân khấu với nhiều cái mới cho bài vọng cổ. Giọng ca của NSUT Minh Vương vẫn mượt mà, trong trẻo, cao vút.

Ông phấn khởi khoe với chúng tôi khi ca bài “ Con bướm xuân” vừa vui, lại vừa “xôm” được khán giả hoan nghênh, ủng hộ. Ông cho rằng đây là cách ca mới của bài vọng cổ mà bản thân ông tự nghĩ ra (viết lời cổ dựa vào các bài tân nhạc hot- PV).

Thừa thắng xông lên, sau đó là hàng loạt những bài mới như “Bạc trắng tình đời”, “Vợ người ta” và gần đây nhất là “Ngẫu hứng Chí Phèo” cũng được khán giả khen ngợi. Theo ông bài ca vọng cổ chính là xương sống cho một vở cải lương, do đó cần phải trau chuốt, nhất là câu lên vọng cổ.

“SKCL không chết mà vì ngày nay có nhiều loại hình giải trí, nhiều món ăn tinh thần nên người ta có thể ngồi ở nhà xem, không thích cải lương thì chuyển kênh xem kịch, hài, ca nhạc. Bây giờ chuyện tới rạp ngồi mấy tiếng đồng hồ xem một vở cải lương là chuyện khó”- NSUT Minh Vương chia sẻ.

Đồng hành cùng chương trình Cung điệu Phương Nam (sóng FM- Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long) suốt thời gian qua, Tiến sĩ, NSND Bạch Tuyết có rất nhiều trăn trở với thực trạng sân khấu cải lương hiện nay.

Đáng ghi nhận là gần đây cộng đồng mạng đã dành nhiều lượt chia sẻ và thưởng thức, giới chuyên môn dành nhiều lời khen ngợi khi bà tung ra hàng loạt bản thu cải lương, chuyển thành vọng cổ mượt mà dựa trên các bài hít tân nhạc của các ca sĩ nổi tiếng như Đừng hỏi em (Mỹ Tâm), Em gái mưa (Hương Tràm), Người lạ ơi (Châu Đăng Khoa), Chạm khẽ tim anh một chút thôi (Noo Phước Thịnh), Sống xa anh chẳng dễ dàng (Bảo Anh ). ...

Bởi vì bà đã phát hiện ca từ trong các bài hát ấy hay, “giới trẻ hôm nay nói rất ngắn nhưng súc tích thì còn ngần ngại gì mà không chuyển, thế là tôi bắt tay làm ngay”.

Nhiều người cho rằng đây là sự giao thoa thú vị giữa hai phong cách, hai thế hệ nghệ sĩ tưởng chừng đối lập. NSND Bạch Tuyết cũng cho thấy sự cởi mở, cầu thị của bà trong việc tiếp nhận những giá trị âm nhạc mới.

Tiến sĩ- NSND Bạch Tuyết tâm sự  “cải lương có nhiệm vụ phải làm mới liên tục như ông cha đã làm phải sát sườn với cuộc sống, phải mang được hơi thở cuộc sống. Mình rất ngưỡng mộ và cảm ơn các bạn trẻ vì con đường mà các bạn đang đi là con đường làm thế nào để tập hợp lại tuy duy, tài năng của giới trẻ để có thể làm một điều gì mới và quan trọng gần như nó trở thành đại cuộc cho Việt Nam tới đây”.

Thạc sĩ, Nhạc sĩ, NSUT Huỳnh Khải- Trưởng khoa âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh cũng có nhiều công trình giảng dạy, nghiên cứu về môn nghệ thuật truyền thống, đóng góp đáng kể cho lĩnh vực cải lương.

 NSUT Huỳnh Khải (bìa trái, hàng đầu) ấp ủ nhiều dự định cho SKCL.
NSUT Huỳnh Khải (bìa trái, hàng đầu) ấp ủ nhiều dự định cho SKCL.

Ông dành nhiều tâm huyết và ấp ủ, sáng tạo mới cho dàn nhạc tài tử- cải lương. Trong đó sẽ có sự kết hợp giữa cổ nhạc và tân nhạc, sử dụng nhiều nhạc cụ khác nhau, kể cả cây đàn ghita phím bằng sử dụng đàn vọng cổ, tìm hiểu về sự đa dạng về âm sắc của các nhạc khí, nhạc cụ dân tộc, truyền thống.

Hy vọng đây sẽ là làn gió mới phục vụ SKCL Nam Bộ, nhất là giới trẻ. Bởi vì theo ông đây là thời hội nhập do đó tư duy về âm nhạc phải khác trước, phải phong phú, chẳng hạn như trong dàn nhạc tài tử- cải lương phải có bộ gõ, bè, bass đệm.

Từ đó sẽ nâng cao thêm sức thể hiện của một bài bản hay một dàn nhạc và giới trẻ cũng dễ thưởng thức hơn.

Đặc biệt cả giới chơi tân nhạc cũng có thể tham gia biểu diễn trong một dàn nhạc cải lương. Ông quan niệm các bản vắn hay ca vọng cổ, thậm chí hát cải lương cũng phải cần có giới trẻ tham gia, vì chỉ có lực lượng trẻ mới dễ tác động vào giới trẻ.

Qua rồi thời hoàng kim của SKCL, nhưng chặng đường 100 năm hình thành và phát triển SKCL vẫn được người đời công nhận.

Nhiều vở diễn, vai diễn đã tạo nên tên tuổi cho không ít nghệ sĩ và đã hàng chục năm rồi nhưng vẫn luôn sống mãi trong lòng người mộ điệu.

Có thể kể các vai diễn của NSND Bạch Tuyết như vai Lựu trong Đời cô Lựu, NSND Lệ Thủy với vai Nguyệt trong Tô Ánh Nguyệt, NSUT Minh Vương vai Minh trong Tô Ánh Nguyệt, cố NSUT Thanh Sang vai Trần Minh trong Bên cầu dệt lụa, NSUT Thanh Kim Huệ vai Lan trong Chuyện tình Lan và Điệp, NSUT Thanh Tuấn vai đại úy Huy Bình trong Tìm lại cuộc đời, NSUT Mỹ Châu vai Lan trong Tìm lại cuộc đời…

Nhiều nghệ sĩ, vở diễn, vai diễn vẫn luôn sống mãi trong lòng người mộ điệu là minh chứng SKCL vẫn mãi là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam Bộ, sức sống của nghệ thuật cải lương luôn tiềm tàng trong đời sống của cộng đồng.

Việc lưu giữ, phát huy giá trị của SKCL là trách nhiệm chung của mọi thế hệ người dân phương Nam.

Bài, ảnh: HỒ VĂN