Tản văn

Tiếng đập gáo dừa

Cập nhật, 15:47, Chủ Nhật, 05/11/2017 (GMT+7)

Gần tuần nay, kể từ ngày chị Năm ở nhà bên cạnh mở quán cháo lòng, giấc ngủ của anh bị gián đoạn khoảng từ 3 giờ sáng vì tiếng đập gáo dừa côm cốp của chị để nhóm lửa nấu nồi cháo.

Ở một xóm lao động luôn ồn ào này, mấy tiếng gáo dừa bể giòn tan ấy chẳng là gì, nhưng với riêng anh có lẽ vì đó là những tiếng vang từ một ký ức ngọt ngào về người mẹ tảo tần của mình nên không khỏi bồi hồi...

Ngày ấy là khoảng cuối năm trước cuộc Đồng khởi 1960 nổ ra tại tỉnh nhà, sau lần Tòa án quân sự của chính quyền Sài Gòn kéo về cái thị xã nhỏ này kêu án tử hình một chiến sĩ cách mạng, anh thấy mẹ và cha thì thầm với nhau một chuyện gì đó có vẻ hệ trọng, rồi từ đó cha đi biền biệt.

Nếu có ai hỏi thì mẹ nói cha đi làm mướn xa để có tiền nuôi con. Cũng từ đó trong gian nhà lá nhỏ ở cái xóm nghèo của thị xã này, một tay mẹ nuôi 3 đứa con nhỏ, anh là đứa lớn nhất mới lên mười học lớp nhất (lớp 5 ngày nay), thằng út mới vừa giáp thôi nôi.

Mấy anh em của anh lớn lên trong thiếu thốn nhưng đầy tình thương của mẹ. Đứa em gái kế anh thường hỏi mẹ sao cha lâu về, những lúc như thế mẹ thường ôm nó mắt nhìn xa xăm, có lần mẹ hứa với nó rằng cha sẽ về…

Mà cha anh mấy lần về nhà thật, những chuyến về chớp nhoáng với các bộ dạng khác nhau, có lúc như người lao động bình thường nhưng cũng có lúc ăn mặc chỉn chu áo bỏ trong quần cẩn thận và thường chỉ có mẹ và anh biết. Anh ngờ ngợ rằng cha làm một việc gì bí mật quan trọng lắm…

Sề xôi bán ở xóm nghèo của mẹ dần không đủ đáp ứng các yêu cầu của anh em anh ngày một lớn lên, mẹ tranh thủ nhận thêm việc nấu nồi cháo cho bà Bảy nhà bên cạnh để có thêm thu nhập, bởi dù sao giờ đó mẹ cũng phải nấu nồi xôi của mình.

Từ ngày đó, mẹ phải thức sớm hơn, cứ tầm hơn 2 giờ sáng một chút mẹ thức dậy gọi anh sang giường của bà ngủ với các em để chúng không vắng hơi người mà thức giấc khóc đêm.

Rồi tiếp theo là những tiếng đập gáo dừa côm cốp của mẹ để nhóm lửa nấu nồi cháo vang lên ở nhà bà Bảy.

Lạ là những tiếng gáo dừa vỡ vụn giòn tan đối với tuổi thơ của anh ngày ấy nó không nghe dội tai mà còn làm anh thêm yên tâm vì có chúng là anh em của anh biết còn có sự hiện diện của mẹ bên cạnh, còn một sự chở che đầy tin cậy giúp anh trở lại giấc ngủ ngay sau đó dễ dàng…

Bà Bảy có quán cháo lòng bán cho người trong xóm. Bà nói bà lớn tuổi rồi muốn được mẹ chia sớt nhọc nhằn để còn sống lâu hơn.

Còn mẹ thì nói bà rất hiểu chuyện, tuy còn nhỏ nhưng với cách nói của mẹ thì anh biết bà Bảy chia sớt việc làm cho mẹ theo cách người nghèo giúp nhau để mẹ có thêm thu nhập nuôi con những ngày cha anh vắng nhà…

Nhờ có quán cháo của bà Bảy, trong những ngày trời mưa dầm buôn bán ế ẩm, bên cạnh gói xôi của mẹ, anh em của anh còn được thêm tô cháo của bà Bảy để thay cơm mà lớn lên…

Rồi một buổi sáng, cả thị xã nhốn nháo khi chính quyền cho xe thông tin đi khắp nơi thông báo có “3 Việt cộng” đã bị bắn chết khi đột nhập thị xã hoạt động đêm qua, thi thể đã được kéo về sân vận động.

Mẹ bỏ sề xôi tất tả ra khỏi nhà. Phải 3 ngày sau mẹ mới về nhà với mặt mày sưng húp, anh mới biết sáng hôm đó có người bí mật báo với mẹ trong 3 người chết vì lọt vào ổ phục kích của địch đêm qua có cha anh.

Tại sân vận động, mẹ nhận chồng mình và xin địch cho đem xác cả 3 người về chôn nhưng chúng nhất quyết không cho. Ai đó đưa cho mẹ mấy manh chiếu để che xác họ thì chúng cũng đá đi, rồi sau đó bắt mẹ về đồn cảnh sát. Đấm đá tra vấn mấy cũng không khai thác được gì, chúng phải thả mẹ ra.

Sau cái ngày tang tóc đó của gia đình anh đúng một năm, anh từ giã mẹ thoát ly tham gia đội biệt động thị xã, cũng là đơn vị công tác của cha khi hy sinh…

Cái ngày thị xã cùng với toàn miền Nam được giải phóng cũng là ngày vui nhất của gia đình anh khi anh tạt về thăm nhà, mẹ anh cười nói rất vui dù trước đó bà nằm liệt giường vì bệnh tim trở nặng.

Bà cười mà tay gạt nước mắt nhìn con trai đốt nhang cho bàn thờ cha, người cha bây giờ cũng là người đồng đội của con.

Là một chiến sĩ trinh sát của đội biệt động nên anh thường có tin tức của gia đình mình, nhưng anh không ngờ sức khỏe của mẹ lại xấu đến thế.

Anh cố giấu mọi xúc động bằng cách hỏi mẹ về việc học của thằng út, việc em gái thay mẹ buôn bán để nuôi sống gia đình dù anh đã biết rất rõ.

Đêm đầu tiên trở về nhà sau ngày thoát ly tham gia kháng chiến, giấc ngủ đến với anh rất nhanh, nhưng khi tiếng đập vỡ chiếc gáo dừa đầu tiên của em gái để nhóm lửa nấu xôi và nấu nồi cháo cho bà Bảy nhà kế bên như mẹ đã làm trước đây vang lên thì anh thức giấc ngay.

Không cần xem đồng hồ, anh cũng biết là đã hơn 2 giờ sáng liền nhẹ nhàng ngồi dậy nhưng không dám bật đèn vì sợ mẹ thức giấc.

Anh lò dò trong bóng đêm định sang trò chuyện với em gái thì bỗng có tiếng mẹ nhắc sao không mở đèn cho sáng để đi. Thì ra mẹ cũng đã thức giấc, tự nhiên nước mắt anh trào ra...

Với mẹ, với anh mà có lẽ với 2 đứa em tội nghiệp của anh nữa, cuộc sống nhọc nhằn những ngày vắng bóng cha đã cột chặt họ lại với nhau bằng những tiếng đập gáo dừa nhóm lửa đêm đêm của mẹ, sau đó là của em gái anh, đó không đơn thuần là tiếng báo hiệu bắt đầu một ngày mưu sinh mới, mà đó còn thấm đậm tình nghĩa xóm làng gian khổ có nhau, mà đơn giản là bắt đầu từ gia đình bà Bảy hàng xóm hiểu chuyện như cách nói của mẹ, là sự đinh ninh về bước đường đi tới như cha anh đã chọn.

HỒNG VÂN