Chuyện kháng chiến

Du kích đánh cường tập lấy đồn

Cập nhật, 13:56, Thứ Ba, 09/05/2017 (GMT+7)

Đầu năm 1975, cùng với các địa phương trong tỉnh, lần thứ hai các xã của huyện Tam Bình dùng 3 mũi giáp công (chính trị, quân sự và binh vận) đồng loạt mở đợt tiến công dồn dập vào các đồn bót địch trên địa bàn mở rộng vùng giải phóng.

Tại xã Ngãi Tứ, được đơn vị thành lập từ sự phối hợp giữa Đội Phòng thủ Tỉnh ủy (C.40) và tự vệ các cơ quan ngành tỉnh đóng trên địa bàn hỗ trợ vây ép bứt rút được các đồn quan trọng như Bình Phú, Giáo Mẹo, đặc biệt là sự tháo chạy của hậu cứ An Hòa- một hậu cứ cấp tiểu đoàn bảo an tại trung tâm xã- đã thúc đẩy các lực lượng trong xã thừa thắng xông lên tự lực hoặc phối hợp với các lực lượng bạn tiêu diệt và bứt rút hàng loạt đồn khác như: Cầu Ngang, Mương Ranh, Bình Quí, Ngã Ba, Nhà Đồng, Sáu Nương, Tư Láo, Lò Gạch, Ngã Tắt, Sóc Tro.

Đến thời điểm đó, các ấp Đông Thạnh, Bình Ninh, Bình Quí, An Phong và một phần ấp Nhất đã hoàn toàn giải phóng. Dù một thời gian ngắn sau đó, địch đóng lại đồn Ngã Ba ở ấp Nhất, nhưng toàn xã Ngãi Tứ bấy giờ địch chỉ còn lại 3 đồn là đồn Ngã Ba, đồn Bến Đò (ấp An Thới) và đồn Bến Xe (ấp Đông Phú).

Đây là các đồn nằm trong hệ thống đồn được địch xem là “phên dậu” bảo vệ Chi khu Trà Ôn và lộ 37 nên địch cố sức duy trì. Còn bọn tề xã cũng phải tháo chạy ra ấp Đông Phú.

Lúc này, để phối hợp với chiến trường chung trong chiến dịch mùa khô 1974- 1975, Tỉnh ủy Vĩnh Long chỉ đạo huyện Tam Bình đưa lực lượng cắt đứt giao thông của địch trên lộ 37 càng lâu càng tốt, cùng lúc Chi bộ xã Ngãi Tứ (hồi ấy chưa gọi là đảng bộ xã) cũng hạ quyết tâm chuyển các phong trào của ta tại các vùng địch còn tạm chiếm làm cơ sở giải phóng hoàn toàn xã nhà. Thực hiện các quyết tâm này, đồn Bến Xe nằm ven lộ 37 được xã đưa vào đích ngắm.

Đây là đồn do khoảng một tiểu đội lính dân vệ trấn giữ. Đồn được xây dựng theo kiểu Mã Lai 3 nhánh có hào, hầm nổi và nhiều vòng rào thép gai bảo vệ nằm ngay đầu cầu sắt để cùng lúc bảo vệ chiếc cầu này và sự lưu thông trên lộ 37.

Khi du kích điều nghiên mục tiêu thì thấy một thuận lợi rất cơ bản của ta là lòng dân tại chỗ hầu hết đang hướng về cách mạng.

Họ rất phấn chấn với các thắng lợi dồn dập của quân và dân ta trên khắp chiến trường, đồng thời du kích cũng phát hiện một sơ hở chết người của bọn địch trong đồn Bến Xe.

Đó là chúng rất chủ quan do đồn nằm sâu trong vùng chúng kiểm soát lâu nay và chưa hề bị lực lượng ta tiến công lần nào nên rất lơ là việc canh phòng. Du kích nếu biết dựa vào dân đạt được yếu tố bất ngờ thì nhất định sẽ giành phần thắng.

Kế hoạch lấy đồn Bến Xe được khẩn trương chuẩn bị theo hướng trên với lực lượng chính đánh đồn gồm một trung đội du kích xã có sự hợp đồng của lực lượng vũ trang huyện Bình Minh hướng bên kia cầu. Để đảm bảo yếu tố bí mật bất ngờ, du kích chỉ bố trí một tiểu đội xung kích đánh diệt các vị trí, số còn lại ở vòng ngoài làm nhiệm vụ yểm trợ.

Đúng 11 giờ đêm, hiệu lệnh tiến công được phát ra. Tiểu đội du kích ém quân sẵn từ chiều tối áp sát mục tiêu bất ngờ nổ súng. Hàng loạt thủ pháo được ném tới tấp vào đồn.

Khi bọn địch chưa kịp phản ứng thì các mũi xung kích của du kích đã lọt vào đồn. Trận đánh kết thúc nhanh chóng chỉ trong 10 phút. 8 tên địch bị diệt tại chỗ. Ta thu toàn bộ vũ khí và các trang bị khác trong đồn, lực lượng ta an toàn.

Hạ đồn xong, ngay trong đêm, du kích dùng mìn đánh sập cầu sắt và vận động người dân hai bên đường đào lộ đá đắp mô, dựng chướng ngại vật trên lộ và cùng du kích xây dựng hệ thống công sự bám trụ đánh địch phản kích vào ngày hôm sau.

Nhờ có hệ thống công sự chuẩn bị sẵn, lực lượng du kích xã có thể dựa vào sự giúp đỡ của người dân tại chỗ quần thảo với Đại đội bảo an 838 Trà Ôn và bọn dân vệ xã suốt cả ngày hôm sau và giữ vững trận địa an toàn.

Song do lực lượng yểm trợ của ta từ hướng huyện Bình Minh không lên kịp như kế hoạch nên lực lượng du kích bị yếu thế ở mặt lưng, đành phải rút lui để bảo toàn lực lượng ngay tối hôm đó.

Với chiến công hạ đồn Bến Xe, du kích xã Ngãi Tứ vinh dự là đơn vị du kích đầu tiên trong huyện Tam Bình đã lấy được đồn địch bằng lối đánh cường tập.

HỒNG VÂN (TP Vĩnh Long)