Phát huy hiệu quả cơ sở vật chất văn hóa- còn nhiều trăn trở

Cập nhật, 16:49, Thứ Tư, 12/04/2017 (GMT+7)

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa có vai trò quan trọng nhằm nâng cao mức thụ hưởng văn hóa, phục vụ đời sống tinh thần và rèn luyện sức khỏe nhân dân.

Trung tâm VHTT xã Hựu Thành thực hiện khá tốt công tác xã hội hóa xây dựng hồ bơi và các sân tập TDTT.
Trung tâm VHTT xã Hựu Thành thực hiện khá tốt công tác xã hội hóa xây dựng hồ bơi và các sân tập TDTT.

 

 

Để đạt được tiêu chí này, đòi hỏi các địa phương phải có trung tâm văn hóa thể thao (VHTT) xã và nhà VHTT ấp. Ngoài việc đầu tư kinh phí xây dựng khá lớn, vấn đề đặt ra là làm sao để phát huy công năng, hiệu quả của nó trong các mặt hoạt động, nhất là phong trào thể dục thể thao (TDTT).

Cơ sở vật chất chưa hoàn thiện

Nhà VHTT cụm ấp Tường Nghĩa- Tường Tín- Tường Thọ (xã Thới Hòa- Trà Ôn) được đầu tư xây dựng khá khang trang, nhưng đối lập với đó là đình Tường Tín nằm ở phía sau các phòng chức năng đã bị xuống cấp trầm trọng và mặt tiền của đình bị bức tường rào chia cắt tạo nên hình ảnh tương phản không hay.

Thêm vào đó, sân bóng đá chưa được đầu tư đúng mức với nền cát và bức tường bao quanh, rất nguy hiểm trong trường hợp người chơi bóng bị té ngã.

Trung tâm VHTT xã Thới Hòa thì chưa được đầu tư trang thiết bị nên chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ văn hóa, TDTT. Bên cạnh, diện tích đất dành cho sân bóng đá khá nhỏ, không đủ kích thước theo quy định.

Theo ông Lê Văn Tám- Chủ tịch UBND xã Thới Hòa, hiện hoạt động TDTT của trung tâm khá đơn điệu, phong trào cầu lông của xã tuy phát triển mạnh nhưng chủ yếu là chơi ngoài trời; mặt bằng trung tâm cũng hẹp nên rất khó tìm nhà đầu tư nào mặn mà để xây hồ bơi, sân cầu lông, bóng bàn... cho phong phú về hoạt động.

Trung tâm VHTT xã Hựu Thành tuy khá thành công trong việc vận động xã hội hóa đầu tư sân bóng đá, nhà luyện tập và thi đấu cầu lông, sân quần vợt, sân bóng chuyền, hồ bơi, sân tập thẩm mỹ, thể hình.

Tuy nhiên, sau 2 năm xây dựng, trung tâm vẫn chưa được đầu tư trang thiết bị cho các phòng chức năng để đi vào hoạt động.

“Hiện, xã chưa có sân bóng đá lớn đủ chuẩn để tổ chức thi đấu và chưa có kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất sân bãi. Phong trào TDTT của xã cũng phát triển chưa đều, tham dự giải đạt kết quả chưa cao; giải thể thao cấp xã cũng chưa tổ chức đa dạng các loại hình”- bà Nguyễn Bích Thi- Phó Chủ tịch UBND xã Hựu Thành- cho biết.

 

Ông Nguyễn Thanh An- Phó Giám đốc Sở VH, TT và Du lịch tỉnh: Trước đây, việc xây dựng trung tâm VHTT, nhà VHTT chủ yếu là... chạy theo thành tích, nên đa số xây dựng xa khu dân cư. Không có con người sinh hoạt thì không tham gia xã hội hóa được. Để phát huy hiệu quả, công năng của các cơ sở vật chất văn hóa đều phải do con người- cán bộ VHXH có đủ năng động, nhiệt tình làm hay không. Nếu chỉ chờ kinh phí nhà nước để đảm bảo cho các hoạt động phong trào thì rất khó.

Nhiều vấn đề cần tháo gỡ

Huyện Trà Ôn hiện có 2 nhà văn hóa xã, 4 trung tâm VHTT xã và 5 nhà VHTT cụm ấp, 146 CLB TDTT có sân bãi tập luyện.

Hàng năm, tổ chức 15- 20 hội thao, thu hút khoảng 12.000 lượt người xem, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần xã hội và xây dựng văn hóa NTM. Tuy nhiên, công chức phụ trách lĩnh vực văn hóa- xã hội (VHXH) tại cơ sở thường xuyên thay đổi, thiếu chuyên môn kỹ thuật đã ảnh hưởng đến các mặt hoạt động phong trào.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Thi, từ năm 2015 đến nay, xã còn khuyết công chức VHXH, nên việc phát động phong trào còn rất hạn chế. Việc đầu tư giáo dục năng khiếu TDTT cũng như năng lực quản lý, đào tạo chuyên môn, ứng dụng khoa học kỹ thuật... chưa được chú trọng đã làm cho chất lượng nguồn nhân lực thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.

“Để đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, các địa phương phải tốn khá nhiều kinh phí để đầu tư xây dựng, nhưng nếu không có con người thì... không xong. Điều này cho thấy cơ chế chính sách là cực kỳ quan trọng”- bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh- Phó trưởng Ban VHXH- HĐND tỉnh nhận định.

Trên thực tế, khi xây dựng thiết chế văn hóa NTM, bên cạnh việc xây dựng cơ sở vật chất, phải tiến hành đồng thời việc đầu tư, xây dựng bộ máy, con người, trang thiết bị để vận hành thiết chế đó có hiệu quả.

Bà Trương Thị Xuân Hòa- Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Trà Ôn đề xuất, cần tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; tăng mức hỗ trợ kinh phí hoạt động TDTT cấp xã 30 triệu đồng/năm và cấp ấp 10 triệu đồng/năm.

Đối với các xã có Trung tâm VHTT cho hợp đồng 1 cộng tác viên và có chế độ hỗ trợ để nâng cao chất lượng phong trào; đồng thời, tăng mức chi cho các giải thể thao cấp huyện vì hiện nay mức chi cho một số giải quá thấp, chỉ 50.000 đ/giải thưởng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hậu- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn: Một trong những yêu cầu trong xây dựng NTM là có hạ tầng phục vụ vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe. Đó chính là nhu cầu thiết thực của người dân. Sắp tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm đáp ứng nhu cầu luyện tập TDTT và thụ hưởng văn hóa tốt hơn.

Thiết nghĩ, điều quan trọng trong xây dựng NTM là không chỉ lo về hình thức- tập trung xây cái vỏ thật to, mà “quên” đầu tư kinh phí và con người cho nó hoạt động. Điều quan trọng nữa là phải sáng tạo được những hoạt động phong phú, gần gũi cuộc sống, được người dân yêu thích. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu thụ hưởng văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần và rèn luyện sức khỏe cho người dân nông thôn.

 

10 năm qua (2007- 2017), tỉnh đã chi ngân sách hơn 498 tỷ đồng cho lĩnh vực TDTT; trong đó, chi hoạt động gần 255 tỷ, chi đầu tư cơ sở vật chất gần 244 tỷ. Kinh phí xã hội hóa TDTT gần 68,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13,4% so đầu tư nhà nước, cho thấy nguồn vận động xã hội hóa còn nhiều khó khăn.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI