Chuuyện kháng chiến

Điều nghiên

Cập nhật, 14:39, Thứ Ba, 11/04/2017 (GMT+7)

Việc mưu trí dũng cảm của nhiều cán bộ quân Giải phóng đột nhập vào “hang ổ địch” để điều tra nghiên cứu, nhằm tiến công giải phóng TX Vĩnh Long làm tôi vô cùng thú vị.

Chuyện ở tầng lầu cao nhất khu trung tâm chợ Vĩnh Long- tòa lầu của hiệu buôn Xuân Phát Lợi.

I

... “Để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi phải đột nhập vào thị xã. Người giao liên đưa tôi đến tầng lầu cao nhất khu trung tâm chợ Vĩnh Long. Tòa lầu ấy là hiệu buôn Xuân Phát Lợi. Phút chốc bỗng có tiếng rú vang rền.

Thấy tôi ngạc nhiên, người dắt đường cho biết đó là tiếng “ốc hụ” báo giữa trưa. Từ sân thượng, tôi nhìn rõ các mục tiêu quân sự của Mỹ ngụy. Xong việc, tôi được đưa vào phòng khách của hiệu buôn.

Chẳng rõ người giao liên giới thiệu như thế nào mà chủ cửa hiệu tỏ ra rất thiện cảm với tôi. Buổi trò chuyện với tôi, người ấy nói toàn chuyện chiến sự một cách say sưa.

Chuyện quân Giải phóng chiến thắng giòn giã ở Chương Thiện, Vị Thanh, miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên; rồi giải phóng Buôn Ma Thuột, thần tốc giải phóng Qui Nhơn, Khánh Hòa. Câu chuyện đang diễn ra rôm rả bỗng ngoặt sang chiến trận hồi Tết Mậu Thân ở thị xã này...

Người chủ nhà thuật lại động tác chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng vừa dũng cảm, mưu trí đánh địch vừa nhanh nhẹn hướng dẫn quần chúng di tản tránh tổn thất.

Hấp dẫn nhất là hàng chục trận phản công của địch diễn ra tại khu nhà lồng chợ đều bị đẩy lùi. Tàu chiến của giặc đậu ngoài khơi vãi đạn vào bờ loạn xạ. Quân giặc xảo quyệt tổ chức nhiều cuộc tập kích bất ngờ, đều bị ta diệt sạch.

Người chủ cửa hiệu nói rõ tại sao ông đề cập đến chiến dịch Mậu Thân... Lúc đầu do không am tường chiến trận, không được bình tĩnh; nhưng qua những cú đánh tuyệt vời của quân ta, bản lĩnh chiến đấu của quân ta, ông rất tin tưởng và thán phục.

Đang nói chuyện, đột nhiên người chủ xoay người chỉ cho tôi xem và giới thiệu chiếc khánh thờ có 3 bát hương đang nghi ngút khói. Chiếc khánh rất trang trọng, xung quanh đặt gần chục chân bàn máy may bị cháy nham nhở. Ông chủ cửa hiệu xúc động nói:

- Các anh chiến sĩ hồi Tết Mậu Thân bám đến cùng để làm nhiệm vụ... các anh ở luôn với gia đình chúng tôi, với đồng bào chợ Vĩnh Long mình!

Từ giã người chủ tiệm buôn, từ giã phố thị Vĩnh Long đầy bóng giặc, trở lại chiến khu, tôi mang theo một niềm tin sắt đá”.

(ghi theo lời kể của Bùi Xuân Lúa- nguyên sĩ quan quân Giải phóng Tây Nam Bộ)

II

“Thưa các đồng chí! Yêu cầu tác chiến của quân ta trong chiến dịch này là: “mắt thấy, tay sờ đụng địch”. Vì thế người chỉ huy phải thực hiện yêu cầu này. Chứ không thể ngồi đây nghe báo cáo, rồi làm kế hoạch tác chiến. Vậy đồng chí nào đi nội ô thị xã để điều nghiên tất cả các mục tiêu tác chiến của quân ta sắp tới đây?”

Lời người điều khiển cuộc họp vừa dứt thì Mười và một số cán bộ chỉ huy quân sự đưa tay: “Tôi!... Tôi xin tình nguyện vào nội ô thị xã để thực hiện yêu cầu tác chiến của trên!”

Mười là người được phân công vào chợ Vĩnh Long chuyến đầu tiên. Và chuyến vào “hang ổ” địch đầu tiên được nhanh chóng xúc tiến.

Hiện tại nơi Mười “đứng chân” này là “lõm da beo”... Ngủ cũng thấy địch, mở mắt ra cũng thấy địch. Mười có hơi lo lắng vì bản thân mình còn trẻ quá, trong vòng tuổi bắt lính. Không! Anh không sợ! Tất cả những gì nhằm bịt tai, bịt mắt quân thù... tổ chức đã đáp ứng đầy đủ, chu đáo. Phần còn lại để giành thắng lợi đều phụ thuộc lòng dũng cảm và trí thông minh của anh.

Ngày lên “bệ phóng” đã đến. Mười được chiêu đãi bữa cháo gà. Buổi họp mặt rất trang nghiêm. Tất cả đều phấn khởi và xúc động. Đêm ấy, Mười đeo kính râm, mặc quần tây áo sơ mi trắng ngắn tay, khoác áo ba-đờ-xuy, tay đeo đồng hồ, đầu đội nón nỉ, vai mang túi du lịch. Tiền có hình Nguyễn Huệ đem theo hết chỗ nhét.

Đúng vào giờ có người đi chợ, từ cầu đúc Mỹ Lộc, Mười xuất phát bằng xuồng đến xã Hòa Hiệp ra ngọn rạch Ông Nam lên bờ, theo bờ mẫu có 2 nữ và 1 nam đi kèm Mười. Phía trước có một nữ giao liên dẫn đường. Ra đến lộ 7 (QL53) gặp chị Sáu (người toan liệu chuyến đi) và người lái xe lôi tại điểm cách phía dưới cống Phó Mùi 3 cây số.

Họ mừng rỡ chào nhau... Người phu xe hỏi: “Lần này chắc quyết liệt lắm phải không?” Mười trả lời: “Kỳ này “chơi” đến cùng! Ta thắng giặc trong tình thế quân đông tướng bí...”

Xe lôi về đến cầu Lầu gần 7 giờ. Vượt qua 3 chốt kiểm soát. Người lái xe đưa Mười đi quan sát tòa hành chánh, ty công an. Đi ngang đường bờ sông để quan sát dinh Tỉnh trưởng, đại đội hành chánh. Khi đến nơi tiếp giáp với dinh Tỉnh trưởng, một tình huống bất ngờ chợt đến, không thể nhìn thẳng vào mục tiêu được, bởi mật vụ quá đông.

Như một sự sơ ý, chân của Mười giẫm vũng nước có bùn, rồi đi thẳng xuống mé nước ung dung đưa tay tát nước rửa giày. Giây phút này là thời cơ giúp anh quan sát thoải mái chính xác hơn.

Suốt 8 giờ đồng hồ, Mười vừa “dạo chơi” vừa dọc ngang khắp vùng nội ô thị xã không bỏ sót đường hẻm ngã tắt nào. Anh không có giấy mực; đôi mắt, đôi tai của anh là viết mực, trái tim khối óc của anh là tập giấy trắng tinh.

Anh tha hồ ghi chép. Bây giờ trời đã chiều, anh nhìn đồng hồ đúng 2 giờ 30 phút. Người phu xe đưa anh sang lộ đất để quan sát thành biệt động quân 43 và anh chào tạm biệt phố thị Vĩnh Long.

Chiếc xe chở anh lao vun vút, gió chiều ngoại ô như loãng ra, dồn dập, ve vuốt làm anh cảm thấy sảng khoái nhẹ người hơn. Cảnh vật bên đường như chào đón chiến công của anh. Tổ chức bố trí sẵn một trung đội võ trang gần nơi anh xuống xe để đảm bảo an toàn cho anh ở giai đoạn cuối. Anh thầm biết ơn Tỉnh ủy, Thị ủy, biết ơn chị Sáu, đã hết sức chu đáo đối với chuyến đi của anh...

Tất cả sẵn sàng, cả tinh thần lẫn biện pháp chờ thời cơ đến, đồng loạt trút bão lửa xuống đầu thù, giải phóng quê hương.

  • NGUYỄN HỒNG TÂM