"Vua nhạc sến" Vinh Sử

Nghề làm nhạc có thể đưa con người ta lên đỉnh cao danh vọng và ngược lại...

Cập nhật, 07:51, Thứ Hai, 20/02/2017 (GMT+7)

Nhạc sĩ Vinh Sử tên thật Bùi Vinh Sử. Ở tuổi 72, mắc căn bệnh ung thư trực tràng đã bước vào giai đoạn di căn, tác giả “Nhẫn cỏ trao em”- từng được công chúng tôn vinh là “Ông Vua nhạc sến”- hiện đang sống trong một ngôi nhà xập xệ tại Quận 7 (TP Hồ Chí Minh).

Căn nhà nhỏ xíu gồm một trệt và gác xép. Tầng trệt vừa đủ để một xe máy, bếp nấu ăn và nhà vệ sinh. Do bệnh nên nhạc sĩ chọn chỗ nằm nghỉ ngay dưới chân cầu thang gỗ dẫn lên gác xép.

Các sinh hoạt chủ yếu ở tầng trệt, trong không gian chật chội, ngổn ngang nhiều thứ đồ đạc linh tinh. Tuy vậy xem ra Vinh Sử vẫn vô cùng lạc quan với những quan niệm sống khá riêng biệt của mình.

Nhạc sĩ Vinh Sử.
Nhạc sĩ Vinh Sử.

* Nhạc sĩ Vinh Sử đã đến với sáng tác nhạc như thế nào?

- Khoảng thập niên 1940, cha mẹ tôi từ Hà Tây di cư vào Nam làm nghề phu đồn điền cao su. Thời gian sau, họ tìm về bến Vân Đồn (Quận 4- Sài Gòn) sống bằng nghề làm bún.

Gia đình tôi có tất cả 4 anh em, nhưng ai cũng dốt, chỉ mình tôi đi học đàng hoàng. Mấy đứa em đều theo nghề của gia đình nên giờ chúng khá lắm, còn tôi vì quá mê nhạc nên đến giờ cứ sống kiếp lênh đênh.

Ngay từ năm 15 tuổi, tôi bắt đầu viết nhạc bằng cách mua sách hướng dẫn để học cách sáng tác. Tuy nhiên, sáng tác là một chuyện, còn tác phẩm có ra mắt người nghe hay không là cả vấn đề với những người mới tập tành viết nhạc lúc đó và tôi cũng không ngoại lệ.

Một lần nọ may mắn có ca sĩ Chế Linh đồng ý nhận thâu cho tôi bài “Yêu người chung vách”, cũng là bản nhạc đầu tay, được nhiều người khen hay nên tôi hứng chí rồi từ đó cứ làm tới mãi.

* Với hàng trăm tác phẩm của mình, ông đã lấy cảm hứng sáng tác ra sao?

- Tôi vốn là người không thuộc dạng đẹp trai nhưng lại “khoái” yêu người đẹp mới chết (cười). Lý do thích yêu những người đẹp để mình dễ… thất tình mà lấy cảm hứng viết nhạc.

Nhiều khi đi ngoài đường tình cờ gặp nhau, nhìn thấy nhau rồi cảm mến dần dần thương nhau. Song cuộc đời tôi hình như không may mắn lắm về đường tình duyên nên cứ bị người ta phụ tình hoài. Nếu chắp nối lại tất cả các bài hát, các bạn sẽ thấy hiện lên rõ ràng cuộc đời và những mối tình đau khổ của tôi. Tôi yêu nhiều nhưng không có mối tình nào trọn vẹn.

Vì thế mà hầu hết các bài hát tôi viết lên đều kể về những câu chuyện tình buồn, trái ngang, về những cuộc chia ly đẫm nước mắt, chẳng hạn như mấy ca khúc “Đêm lang thang”, “Gõ cửa trái tim”, “Gái nhà nghèo”, “Hai bàn tay trắng”, “Người phu kéo mo cau”, “Nhẫn cỏ cho em”,...

* Nghe rằng có lúc âm nhạc mang lại cho ông một cuộc sống thừa mứa, phủ phê?

- Đúng vậy! Có thời điểm âm nhạc mang lại cho tôi đủ thứ, từ danh tiếng đến tiền bạc. Thời hoàng kim là trước năm 1975, tiền tác quyền từ các ca khúc dư sức để tôi mua sắm các loại tiện nghi.

Thậm chí một bài hát của tôi có thể dùng mua được cả chiếc xe hơi! Tôi nhớ riêng bài “Nhẫn cỏ cho em” là ca khúc từng đạt kỷ lục với số lượng phát hành lên đến 400 ngàn bản. Tuy nhiên tôi nghĩ cái nghề của mình có lẽ là nghề bạc bẽo.

Nó có thể đưa con người ta lên đến đỉnh cao danh vọng và cũng nó có thể dìm xuống dưới đáy của sự thất bại. Nhiều người khuyên tôi nên viết nhạc theo phong cách khác, rằng nếu vậy tôi sẽ thành công hơn.

Tôi cũng đã thử nhưng không thể vì tôi không hợp với những nốt nhạc sang. Buồn, sến, quê mùa mới đúng là tôi và cứ thế tôi nhất quyết không thay đổi phong cách nhạc của mình gần như suốt cả cuộc đời.

* Tình trạng sức khỏe và cuộc sống của ông hiện nay như thế nào?

- 5 năm trước, bác sĩ Bệnh viện Gia Định phát hiện tôi mắc bệnh ung thư trực tràng. Đến năm 2014, bệnh chuyển sang giai đoạn di căn. Tôi phải trải qua 4 lần phẫu thuật và hiện đang mang hậu môn giả. Sau quãng thời gian dài chống chọi với bệnh tật, sức khỏe tôi cứ chập chờn không biết sao.

Bác sĩ điều trị cũng không hứa hẹn gì, chỉ dặn tôi từ từ rồi sẽ tự hết bệnh nên tôi chỉ nghe vậy. Gần đây tôi chuyển qua dùng thuốc Nam nhưng uống nó rất dễ bị rối loạn tiêu hóa.

Vào tuổi xế chiều, tôi lại có cuộc sống đơn bạc trong căn nhà nhỏ ở Quận 7 này. Ban đầu là thuê tạm, sau đó vì thương cảm hoàn cảnh, chủ nhà đồng ý bán trả góp. Sau mấy năm sống vặt vẹo, tạm bợ, tôi mới được các đồng nghiệp, người hâm mộ hỗ trợ, giúp đỡ để ổn định chuyện nhà cửa.

Bây giờ tôi còn có người bạn già thi thoảng ghé thăm chơi, đó là người vợ thứ ba tên Hà Ngọc Lệ. Bà này trước kia chỉ sống với tôi chừng hơn 1 năm. Sau đó, bà bỏ tôi để đến với một người đàn ông khác, họ cũng có với nhau 2 người con. Nhiều năm sau, ông chồng bà ấy mất vì ung thư.

Cùng lúc, biết tin tôi cũng mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này nên bà tình nguyện tìm về để chăm sóc. Hàng tuần, tôi đều đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, theo dõi bệnh tình. Cuộc sống hiện giờ cũng tạm ổn, tiền tác quyền này nọ cũng đủ để tôi trang trải thuốc thang, cơm nước…

Chỉ có điều, cái khó khăn nhất lúc này là đi đâu cũng đeo theo túi vệ sinh bên mình, thấy bất tiện lắm, nhưng lâu dần cũng phải quen.

Từ người trắng tay mà trở nên giàu có giờ lại về trắng tay cũng là chuyện bình thường thôi. Con người ta dù giàu có như thế nào chăng nữa thì lúc chết đi cũng đâu có mang theo được cho mình thứ gì nên tôi cho rằng bản thân mình như vậy cũng đủ lắm rồi!

* Năm 2016 vừa qua có để lại cho ông những ấn tượng nào không?

- Hồi đầu năm 2016, Đài Truyền hình VTV phối hợp cùng Jet Studio có thực hiện chương trình Sol Vàng chủ đề “Vinh Sử - Gõ cửa trái tim” giúp chuyển tải các ca khúc nổi tiếng của tôi như “Gõ cửa trái tim”, “Đêm lang thang”, “Qua ngõ nhà em”, “Nối lại tình xưa”,… cùng một số ca khúc mới sáng tác gần đây. Góp mặt trong chương trình là các giọng ca như chị Giao Linh, ca sĩ Ngọc Sơn, Chế Thanh, Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Khả Tú,..

. Riêng vào cuối tháng 11/2016, ca sĩ Hà Vân cũng có cho ra mắt công chúng album “Chuyến xe lam chiều- tình khúc Vinh Sử”, gồm những ca khúc như “Gõ cửa trái tim”, “Làm dâu xứ lạ”, “Liên khúc Vòng nhẫn cưới”, “Không giờ rồi”, “Nhành cây trứng cá”,... và ca khúc tôi mới viết là “Hãy ôm em đi”, phổ thơ Hồ Tịnh Văn.

Thời gian gần đây, không chỉ sáng tác, tôi còn nhận học trò để hát các ca khúc mới của mình. Cũng không phải tự nhiên tôi nhận học trò đâu mà vì nhận thấy ở cô gái này có giọng hát đặc biệt, dù còn khá trẻ (sinh năm 1992) nhưng giúp chuyển tải được nội dung bài hát như ý tôi mong muốn. Đó là Mỹ Huyền vừa đoạt giải nhất trong chương trình “Ca sĩ giấu mặt” vì có giọng hát khá giống Phi Nhung.

Trong số những bài hát mới của tôi, có bài “Nhật ký mẹ lần đầu đời” và “Nhật ký tình mẹ con” đã được Mỹ Huyền lựa chọn để hát trong nhiều chương trình khác trong thời gian tới.

* Mong muốn lớn nhất của ông hiện nay là gì?

- Tôi mong sao ơn trời phù hộ giúp tôi khỏi hẳn bệnh tật để sinh hoạt, viết nhạc phục vụ mọi người, viết những bài ca để lại cho đời sau này. Như đã nói, suốt thời gian qua tôi luôn có người bạn đời thân thiết nhất chính là âm nhạc.

Âm nhạc đã từng cứu rỗi tôi qua các giai đoạn khó khăn nhất của cuộc sống và giờ đây cũng vậy.

Có thể những bài hát tôi viết lên trong hoàn cảnh này sẽ không mấy ai đón nhận, nhưng chỉ cần nó diễn tả được tâm trạng của tôi thì tôi vẫn sẽ viết, gửi gắm tâm tư mình vào đó. Chắc chỉ đến khi không thể cầm nổi bút nữa thì lúc đó tôi mới nghỉ thôi. Hiện tôi vẫn còn mấy cuốn nhạc với khoảng trên 200 bài vẫn chưa được ra mắt công chúng…

* Xin cảm ơn nhạc sĩ Vinh Sử! Nhân dịp năm mới kính chúc ông luôn vui khỏe và nhanh chóng khỏi bệnh để tiếp tục công việc còn dang dở của mình!

NGUYỄN SINH