Vĩnh Long hướng đến Festival đờn ca tài tử lần 2- Bình Dương

Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử

Cập nhật, 18:04, Chủ Nhật, 26/02/2017 (GMT+7)

Là bộ môn nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đờn ca tài tử (ĐCTT) ở tỉnh Vĩnh Long đã và đang được chú trọng bảo vệ, phát huy giá trị, đưa môn nghệ thuật này đến gần hơn với người dân, nhất là những người trẻ…

UBND tỉnh cũng đã phê duyệt đề án Bảo vệ và Phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2015- 2020.

Phát triển và bảo tồn ĐCTT

Nghệ nhân ĐCTT trình diễn tại Festival ĐCTT lần 1 tại Bạc Liêu.
Nghệ nhân ĐCTT trình diễn tại Festival ĐCTT lần 1 tại Bạc Liêu.

Vĩnh Long là 1 trong 21 tỉnh- thành ở Nam Bộ vinh dự được sở hữu di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT.

Đây là loại hình nghệ thuật độc đáo, đặc trưng cho tính cách và nếp sống của người dân phương Nam, được hình thành từ cuối thế kỷ XIX trên cơ sở sáng tạo từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và những giai điệu ngọt ngào sâu lắng của dân ca miền Trung và miền Nam.

Trên mảnh đất Vĩnh Long, đã sản sinh những nghệ nhân, nghệ sĩ nổi danh như: Tống Hữu Định (1869- 1932)- người có sáng kiến sanh điệu ca ra bộ, mở đầu cho nghệ thuật cải lương; Trần Quang Qườn (1875- 1946)- trưởng nhóm ĐCTT miền Tây; Trương Duy Toản- nhà biên soạn nhạc nổi tiếng Nam Kỳ.

Đặc biệt, nhiều thế hệ nghệ sĩ đã có cống hiến to lớn trong việc giữ gìn và phát triển loại hình nghệ thuật này, được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Nghệ sĩ nhân dân” như: Ba Du, Phan Văn Huệ, Thành Tôn, Út Trà Ôn, Lệ Thủy,…

Xác định nghệ thuật ĐCTT là món ăn tinh thần, không thể thiếu trong mọi tầng lớp nhân dân, hơn nữa, nó trở thành động lực đi vào đời sống xã hội, thúc đẩy sự phát triển toàn diện về kinh tế- chính trị, văn hóa- xã hội ở từng địa phương, phong trào ĐCTT cũng từ đó được Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm.

Hiện nay, môi trường thực hành ĐCTT ở Vĩnh Long khá phong phú, đa số những người ĐCTT ngoài sinh hoạt nhóm, CLB thì việc đi đờn ca phục vụ đám tiệc ở địa phương cũng rất phổ biến.

Một lực lượng không nhỏ khác có “vốn liếng” về đờn ca, cũng đến các điểm du lịch để trình diễn cho du khách thưởng thức.

Hiện trong tỉnh có gần 200 CLB ĐCTT phân bố khắp các xã- phường, các huyện- thị,… sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Hàng quý, các CLB thường tổ chức sinh hoạt cụm. Hoạt động mạnh là các đơn vị như: Bình Minh, Trà Ôn, Bình Tân,…

Các CLB còn thường xuyên tổ chức giao lưu, học hỏi nâng cao kỹ năng và trình độ nghệ thuật. Thông qua đó, số người am tường 20 bài bản tổ ngày càng tăng. Nếu năm 2010, số người biết chơi 20 bài bản tổ toàn tỉnh là 40/1.306 người; thì đến nay đã gần 100/1.700 người biết ĐCTT.

Theo đề án, đến năm 2020, sẽ nâng cao chất lượng hoạt động của phong trào ĐCTT ở địa phương; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hành ĐCTT; sưu tầm, biên soạn các tư liệu về loại hình nghệ thuật ĐCTT; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong quần chúng nhân dân bằng nhiều nội dung, hình thức hấp dẫn, thiết thực, dễ hiểu, có chất lượng, có giá trị nhân văn…

Việc lưu giữ, phát huy ĐCTT sẽ trao truyền cho thế hệ đời sau, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Đồng thời, xác định văn hóa là động lực để phát triển kinh tế, hoạt động nghệ thuật ĐCTT sẽ góp phần đáng kể trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long gắn với hoạt động du lịch, nhất là du lịch sinh thái, miệt vườn. ĐCTT sẽ thật sự hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan Vĩnh Long nhiều hơn…

Những năm gần đây, ngành du lịch Vĩnh Long đã phối hợp cùng cơ quan quản lý, các cơ sở du lịch tập trung khai thác các tour, tuyến du lịch từ TP Hồ Chí Minh- Tiền Giang- Bến Tre- Cần Thơ- Vĩnh Long và các tuyến du lịch sông Tiền, kết hợp với tham quan các di tích lịch sử văn hóa,… Các điểm du lịch sinh thái ở các xã cù lao Vĩnh Long đều có phục vụ ĐCTT theo yêu cầu của khách.

Từ “cái tình của ĐCTT” đến những người trẻ

CLB ĐCTT xã Đông Thạnh (Bình Minh) là một trong những nơi đi tiên phong trong phong trào giúp nhau thoát nghèo, vượt qua khó khăn.

Chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Diệu Trang (ấp Thạnh Lý, xã Đông Thạnh- TX Bình Minh) để nghe về câu chuyện “tình ĐCTT”.

CLB ĐCTT Đông Thành thăm hỏi, động viên thành viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: TL
CLB ĐCTT Đông Thành thăm hỏi, động viên thành viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: TL

Là thành viên của CLB, chị có một giọng hát ngọt ngào, tình cảm, luôn dành hết tình yêu với nghệ thuật. Tuy nhiên, căn nhà xụp xệ của chị ở là một niềm trăn trở với các thành viên CLB.

Chị Trang nhớ lại, lúc đó hoàn cảnh thì éo le, nhà cửa thì dột nát, ban chủ nhiệm CLB đã tìm hiểu và quyết định vận động kinh phí để giúp chị xây nhà.

“Nói thật, lúc đó không còn niềm vui nào tả xiết, biết tỏ lòng nào để cảm ơn những nhà hảo tâm, những anh chị em ở CLB đã giúp mình vượt qua khó khăn”.

Chúng tôi tìm đến nhà bà Trần Thị Sáu (ấp Hóa Thành 1, xã Đông Thành) với căn nhà mới được CLB hỗ trợ xây dựng. Bà Sáu cho biết, căn nhà lúc trước xiêu vẹo, mái nhà thì “có cái gì che được thì che, đắp ngang đắp dọc”. Nhờ có sự hỗ trợ từ CLB ĐCTT mà có căn nhà lành lặn hôm nay.

Hiện nay, phong trào ĐCTT đã và đang được bảo vệ, phát huy và nhất là đang ngày càng thu hút được nhiều người trẻ.

Ông Nguyễn Hoàng Oanh- Chủ nhiệm CLB ĐCTT Trung tâm Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, hiện nay, bộ môn nghệ thuật ĐCTT được nhiều bạn trẻ yêu thích.

Như trong CLB có em chỉ 8- 10 tuổi. Đây là một tín hiệu vui cho bộ môn nghệ thuật vốn kén người thưởng thức này.

Còn theo đạo diễn Nguyễn Nết- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thì đến với Festival ĐCTT lần 2 ở tỉnh Bình Dương, đội đờn sẽ có 3/5 nghệ nhân là người trẻ tuổi, có 1 em đang là học sinh phổ thông.

“Tuổi trẻ tiếp nối những nét văn hóa đặc trưng, truyền thống của cha ông để lại là điều khiến chúng tôi tự hào. Bộ môn nghệ thuật ĐCTT vẫn mãi là nét đẹp của người dân Vĩnh Long nói riêng, của vùng đất Nam Bộ nói chung…”

Gìn giữ nghệ thuật ĐCTT là gìn giữ nét tinh túy, đã được chọn lọc, giữ hồn và cốt cách nghệ thuật mà ông cha để lại…

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN