Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận 2016: Tôn vinh đặc sản vùng hạn

Cập nhật, 14:25, Thứ Năm, 29/09/2016 (GMT+7)

 

Cây nho đã trở thành đặc sản vùng hạn Ninh Thuận.
Cây nho đã trở thành đặc sản vùng hạn Ninh Thuận.

Hôm nay (29/9), Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận 2016 sẽ khai mạc với nhiều hoạt động đặc sắc.

UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh, quê hương và con người Ninh Thuận đến với du khách trong và ngoài nước, qua đó giới thiệu các sản phẩm đặc thù, riêng biệt sẵn có của Ninh Thuận, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận hướng đến tôn vinh những giá trị kinh tế mà cây nho mang lại cho địa phương, làm rõ sự khác biệt mang tính đặc trưng của nho Ninh Thuận, tạo cơ hội giao thương giữa người trồng nho, người sản xuất, chế biến sản phẩm từ nho và người tiêu dùng.

Lễ hội cũng gắn với việc quảng bá nét văn hóa đặc sắc lâu đời của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn tại Lễ hội Katê, kết hợp tổ chức tọa đàm Ngoại giao Đoàn nhằm tranh thủ các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế ủng hộ việc xác lập các thủ tục, bình chọn... để UNESCO công nhận hệ thống tháp Chăm và Lễ hội Katê là Di sản Văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới.

Trong Lễ hội Nho và Vang 2016, tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức nhiều hoạt động như: Hội chợ triển lãm nho và vang kết hợp ẩm thực Ninh Thuận; Hội nghị xúc tiến quảng bá và kết nối tour, tuyến du lịch Ninh Thuận năm 2016; Tọa đàm về nho và vang Ninh Thuận, các hoạt động kết hợp như: Đua patin đường phố; đi bộ vì môi trường; thi múa lân, sư, rồng; biểu diễn lướt ván diều, tham quan khám phá các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Riêng buổi tọa đàm về nho và vang sẽ tập trung thảo luận việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng nho; kỹ thuật sản xuất và chế biến các sản phẩm từ nho, thị trường tiêu thụ nho, phương pháp bảo quản sau thu hoạch, phương pháp quản lý và phát triển thương hiệu - chỉ dẫn địa lý của cây nho trong giai đoạn hiện nay và định hướng trong thời gian tới, gắn với việc đề xuất các giải pháp về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển...

Lễ hội Katê là một lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hoá của cộng đồng người Chăm. Lễ hội không chỉ là dịp để những người tham dự được chiêm ngưỡng các đền tháp cổ kính, mà còn được thưởng thức một nền nghệ thuật ca múa nhạc dân gian với phong cách độc đáo.

Lễ hội Katê bao gồm hai phần: Phần lễ và phần hội. Ngoài những hoạt động chính của Lễ hội Nho và Vang gắn với Lễ hội Katê, còn có các chương trình văn hóa văn nghệ trong các đêm khai mạc và bế mạc với các nghệ sĩ, diễn viên, các vũ đoàn được mời từ TPHCM, Hà Nội… biểu diễn.

Theo LĐO