Lễ hội Lăng Ông: Tưởng nhớ công lao vị phúc thần

Cập nhật, 05:48, Thứ Tư, 17/02/2016 (GMT+7)

Lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn vào mùng 3, mùng 4 Tết Bính Thân cũng là lễ giỗ nhân 196 năm ngày mất của ông.

Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các sự kiện hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2016 với chủ đề “Phú Quốc- ĐBSCL” sẽ diễn ra tại Kiên Giang. Với các dân tộc anh em ở vùng đất Trà Ôn và các địa phương lân cận, lễ giỗ này là một phần tín ngưỡng tâm linh không thể thiếu dịp tết đến xuân về.

Qua bao đời nay, Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn được người dân thành kính suy tôn như vị phúc thần của dân tộc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đánh hồi trống khai mạc Lễ hội Lăng Ông Tết Bính Thân 2016.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đánh hồi trống khai mạc Lễ hội Lăng Ông Tết Bính Thân 2016.

Lễ giỗ Ông- vị phúc thần trong vùng

Chị Nguyễn Thị Kim Xuân (ấp Giồng Thanh Bạch, xã Thiện Mỹ), không lạ gì không khí lễ hội mỗi năm diễn ra vào mùng 3, mùng 4 tết tại làng mình thế này. Năm nào chị cũng dẫn con sang vui chơi lễ hội với niềm háo hức đợi chờ gần như nguyên cả năm trước đó. “Năm nay mình thấy lễ hội Lăng Ông đông đúc hơn, hoành tráng hơn, nghe nói gắn với năm du lịch quốc gia gì đó. Năm nào tới lễ, mọi sự vui chơi, buôn bán, tín ngưỡng tâm linh của bà con mình cũng sôi động hết”- chị Kim Xuân thấy vậy.

Phụ trách đánh trống trong dàn nhạc ngũ âm mỗi năm vào mùa lễ hội ngày đầu xuân giỗ đức Tiền quân Thống chế Điều bát nên ông Thạch Bal (ấp Sóc Ruộng, xã Tân Mỹ) không thể nào vắng. Hỏi ông Thạch Bal thấy gì khi lễ hội Lăng Ông năm nay gắn với năm du lịch để quảng bá và thu hút du khách đến với làng mình thì ông thổ lộ: “Năm nay lễ hội vui và sôi động hơn. Tự mỗi chúng tôi trong dàn nhạc cũng cảm thấy tiếng gõ phách, tiếng trống, tiếng đờn mình vang hơn, ý nghĩa hơn...”.

Các bậc cao niên, lãnh đạo chính quyền và người dân địa phương luôn coi Lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn là lễ giỗ của một vị tướng tài thời nhà Nguyễn. Ông Nguyễn Văn Tồn tên thật là Thạch Duông, quý danh là Duyên. Người trong vùng gọi ông là Tà Duồng với lòng kính trọng và biết ơn
sâu sắc.

Ông rất mực trung thành, khi chúa Nguyễn bôn tẩu trong Nam, ông theo giúp và có công lớn trong việc khai khẩn vùng đất Trà Ôn, Cầu Kè. Ông đã tạo được mối đoàn kết giữa các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, ngăn chặn sự xâm lấn của phong kiến Xiêm La. Ông cũng đã cùng các tướng sĩ đào vét kinh Vĩnh Tế. Với công trạng đó, nhà Nguyễn phong ông chức Điều bát và được mang quốc thích Nguyễn Văn Tồn. Khi ông mất, triều đình nhà Nguyễn truy tặng Tiền quân Thống chế Điều bát.

Bà con trong vùng nô nức tụ hội về dự Lễ hội Lăng Ông.
Bà con trong vùng nô nức tụ hội về dự Lễ hội Lăng Ông.

Lễ giỗ ông vào mùng 3, mùng 4 Tết Nguyên đán hàng năm tại Trà Ôn, được tổ chức trang trọng và trở thành lễ hội lớn của cả vùng. Đặc biệt còn mang ý nghĩa cầu phước vào những ngày đầu xuân. Người Kinh coi đức Ông như vị thần hộ mạng; người Hoa xem là ông Bổn địa phương; người Khmer xem Tiền quân là Ông lớn của mình. Từ đó, đức Tiền Quân là vị phúc thần của 3 dân tộc
trong vùng.

Nâng tầm di sản văn hóa

Thu hút hàng chục ngàn lượt khách mỗi mùa lễ giỗ, theo ông Từ Hoàng Đương- đại diện Ban Quản lý di tích Lăng Ông, có thể khẳng định nơi đây bao đời đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa cộng đồng, cố kết tình đoàn kết 3 dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer. Mỗi năm, mỗi dân tộc anh em đều mang đến những tiết mục, chương trình văn hóa riêng, đặc sắc của mình để dâng lên đức Tiền Quân nhằm bày tỏ lòng thành kính tri ân sâu sắc.

Dự Lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn và cũng là lễ giỗ lần thứ 196 của đức Tiền Quân, hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2016 “Phú Quốc- ĐBSCL”, ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh: “Năm Du lịch quốc gia 2016 là sự kiện văn hóa- kinh tế- xã hội tiêu biểu nhằm giới thiệu những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh Kiên Giang và các địa phương phối hợp tổ chức, trong đó có tỉnh Vĩnh Long. Đây là cơ hội để quảng bá, thu hút khách du lịch thập phương đến ĐBSCL nói chung, tạo đà cho du lịch trong vùng phát triển. Nhiều năm qua, thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, chúng ta ghi nhận sự đóng góp to lớn của nhân dân góp phần tu bổ di tích ngày càng khang trang. Lễ hội hàng năm của di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát được tổ chức với quy mô rộng lớn, các nghi lễ, trò chơi dân gian được phục dựng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh và vui chơi giải trí của người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Quang Ngời cho biết: UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét quyết định xếp hạng Lễ hội Lăng Ông là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và nâng cấp lễ hội lên thành lễ hội cấp tỉnh. “Tôi kêu gọi nhân dân tiếp tục đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Lăng Ông, đưa di tích Lăng Ông trở thành một trong những điểm đến du lịch tiêu biểu của tỉnh”- ông Lữ Quang Ngời nói.

Lăng Ông tọa lạc tại ấp Giồng Thanh Bạch (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn). Diễn ra vào mùng 3 và 4 Tết Bính Thân 2016, Lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn cũng là lễ giỗ nhân 196 năm ngày mất của ông. Lễ hội năm nay là sự kiện đầu tiên nằm trong chuỗi các sự kiện hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2016 với chủ đề “Phú Quốc- ĐBSCL” sẽ khai mạc tại tỉnh Kiên Giang vào tháng 4 tới.

 

 Bài, ảnh: MINH THÁI