Nghĩ về "Hành trình về đất Long Hồ dinh"

Cập nhật, 18:33, Thứ Bảy, 13/02/2016 (GMT+7)

Tháng 10/2015 vừa qua, sự kiện văn hóa- du lịch này được UBND tỉnh giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết hợp với Công ty TNHH MTV Lê Qúy Dương tổ chức để kỷ niệm 284 năm hình thành Long Hồ dinh (1732- 2016).

Nhưng từ một góc độ khác, phải chăng sự kiện này còn nhắc nhớ chúng ta về một trách nhiệm đối với tiền nhân trên bước đường đi tới?

Di tích cửa hữu của thành Vĩnh Long xưa . Ảnh: Hồng Vân
Di tích cửa hữu của thành Vĩnh Long xưa . Ảnh: Hồng Vân

Từ Long Hồ dinh xưa…

Sử nhà Nguyễn ghi chép: Năm 1732, thấy đất Gia Định rộng rải quá, chúa Nguyễn Phúc Trú (1696 – 1738) sai quan cai quản chia đất ấy đặt thêm châu Định Viễn, dựng dinh Long Hồ.

Châu và dinh này nằm ở Tây Nam dinh Phiên Trấn, thuộc phủ Gia Định. Lỵ sở lúc đầu đặt ở An Bình Đông (thị trấn Cái Bè – Tiền Giang ngày nay) đến năm 1767 chuyển về Tầm Bào (TP Vĩnh Long hiện nay).

Long Hồ dinh, một dinh trấn quan trọng của vùng đất cực Nam, là sở chỉ huy đầu não của một vùng rộng lớn gồm các tỉnh hiện nay là: Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng và Cần Thơ.

Từ năm 1779, trên giấy tờ hành chính địa danh Long Hồ không còn tồn tại và địa phận cai quản cũng bị thu hẹp với tên gọi là Hoằng Trấn dinh, rồi Vĩnh Trấn dinh (từ năm 1804), đến năm 1808 lại đổi thành Vĩnh Thanh trấn kéo dài đến năm 1832, vào đời vua Minh Mạng vùng đất này lại được chia thành “Nam Kỳ lục tỉnh” gồm: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.

Theo Đại Nam thống nhất chí, đất Tầm Bào là vùng đất phù sa màu mỡ do sông Cổ Chiên bồi đắp nước sông màu bạc và ngọt quanh năm, rất thuận lợi cho việc trồng trọt, chăn nuôi và sinh hoạt của dân…

Đặc biệt về mặt quân sự của quân chúa Nguyễn, quân Tây Sơn đối với quân Xiêm thì vùng đất mà Long Hồ dinh cai quản với lỵ sở có tên Long Hồ luôn đóng vai trò đại bản doanh, là đầu não của quân đội Việt ở vùng cực Nam. Mãi đến thời thực dân Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam vai trò này vẫn tiếp tục tồn tại và chỉ thật sự chấm dứt khi Pháp chiếm trọn Nam Kỳ năm 1867.

Về tên gọi “Long Hồ”, theo Trương Vĩnh Ký tên này gọi theo tiếng Khmer (Lốn hòr) mà ra, còn học giả Vương Hồng Sển (trong “Tự vị tiếng nói miền Nam”) thì nghi ngờ “có lẽ đây là tên gọi theo tiếng Miên (từ gọi người Khmer thời đó) gọi theo ta”.

Trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì giải thích như sau: “Sông này chảy đến quanh co, chảy đi vòng vèo, dòng ngang uốn lượn, nước đọng trong ngần, bốn mùa ngon ngọt, cồn cát cao thấp xa gần, thôn xóm la liệt khắp đông tây ẩn hiện như rừng, như động, như vực, như đầm, nên mới gọi là Long Hồ (hồ rồng)”.

Tin theo đây thì vùng đất được gọi theo tên sông, còn theo nhà nghiên cứu Huỳnh Minh trong “Vĩnh Long xưa và nay”, trang 226 viết: Trước kia sông có tên là Tầm Vồ. Khi nghe chúa Nguyễn đổi tên Nước Xoáy là Long Hưng (1787) thì nơi đây bỗng có câu ca: “Tầm Vồ rày đã đóng đô/Xin quan đổi lại Long Hồ cho xinh”. Sau đó Chúa cho đổi tên…

Ngày nay, địa danh Long Hồ được ưu ái đặt cho một huyện tiếp giáp với TP Vĩnh Long, nhưng dư âm hùng tráng của một thời mở cõi và chống ngoại xâm của tổ tiên trên vùng đất Long Hồ dinh đầy gian khó, trong đó có tỉnh Vĩnh Long ngày nay, khiến cho chúng ta tự hào và thấy có nhiều trách nhiệm trong dựng xây…

…Đến Vĩnh Long nay

Trong quá trình đi lên theo dòng lịch sử, một phần vùng đất có tên Vĩnh Long của Nam Kỳ lục tỉnh sau đó từng có thay đổi và ghép với một số vùng của tỉnh khác có tên là Long Châu Sa, Vĩnh Trà Bến hay Vĩnh Trà trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kể cả giai đoạn đế quốc Mỹ xâm lược vùng đất này luôn xứng danh là vùng đất anh hùng.

Cửu Long là tên gọi của một tỉnh mới được vinh dự mang tên cả một vùng châu thổ từ việc sáp nhập hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh sau ngày đất nước thống nhất và mãi đến năm 1992 mới được tách ra thành tỉnh Vĩnh Long ngày nay để thích hợp với sự phát triển của tình hình mới.

Thành tựu 5 năm (2010 – 2015) của tỉnh Vĩnh Long

Tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 6,97%; GRDP bình quân đầu người đạt 36,69 triệu đồng (tăng 1,7 lần so với năm 2010); 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; điện lưới quốc gia phủ kín 100% khóm, ấp với 99,5% hộ dân được sử dụng điện;

 

90% hộ dân đô thị và 60% hộ nông thôn được sử dụng nước sạch; 94% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 99% trẻ em được đến trường; 91% diện tích nông nghiệp được khép kín…

Quốc phòng an ninh được đảm bảo; vận động 773 tỷ đồng thực hiện an sinh xã hội; hộ giảm nghèo đạt bình quân 1,54%/năm…

(Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X).

Sau những phát triển nhanh chóng về cơ sở hạ tầng, nhất là thủy lợi và giao thông, người dân Vĩnh Long có lẽ khó quên cái ngày khánh thành cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền nối liền hai bờ của tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang vào năm 2000.

Ngày ấy, hàng triệu người dân đồng bằng nô nức kéo về chật cứng hai đầu cầu, trên sông hàng trăm ghe xuồng ken đầy một khúc sông, vui quá nên không ai bảo ai; ghe nào cũng giương cao cờ Tổ quốc để mừng một ngày trọng đại đánh dấu một ước mơ ngàn đời của mọi người dân vùng châu thổ này đã thành hiện thực. Ngày ấy có người lạc quan đã tin tưởng tỉnh nhà sẽ có bước phát triển nhảy vọt nhờ đường giao thông thêm thông thoáng, không còn lụy phà…

Với thiên nhiên sông nước, vườn cây ăn trái bạt ngàn, Vĩnh Long là điểm đến lý tưởng của
Với thiên nhiên sông nước, vườn cây ăn trái bạt ngàn, Vĩnh Long là điểm đến lý tưởng của "du lịch xanh". Ảnh: NVH

Nhưng sau đó cũng không ít người nghĩ rằng từ đây trên bước đường đi tới tỉnh nhà phải nỗ lực nhiều hơn trên nhiều mặt vì đã manh nha lộ rõ vai trò của một vị trí trung chuyển hàng hóa và một số dịch vụ khác đến các vùng rộng lớn thuộc tỉnh Trà Vinh, Bến Tre và Đồng Tháp có từ trước đang dần dần bị mất đi, trong khi vị trí địa lý của tỉnh không là trung tâm của vùng đồng bằng hay gần TP Hồ Chí Minh để thuận lợi cho phát triển công nghiệp.

Mặt khác, hệ sinh thái thì chỉ tốt cho ruộng vườn và nuôi cá nước ngọt, không được đa dạng và phong phú như các tỉnh bạn trong vùng có biên giới, rừng, biển, núi non… phục vụ cho phát triển kinh tế đa dạng.

Nay thì có thêm cầu Rạch Miễu và cầu Cổ Chiên đã được đưa vào sử dụng, ít năm nữa thôi các cầu Đại Ngãi, Cao Lãnh và Vàm Cống sẽ hoàn thành, xa hơn là các cung đường của Quốc lộ 1B nối liền các tỉnh cực Nam của đồng bằng với TP Hồ Chí Minh, càng làm mất vai trò độc đạo của Quốc lộ 1A đi qua Vĩnh Long như hiện nay…

Đúng là đâu chỉ có lo, bởi song song đó cũng là thuận lợi lớn để người Vĩnh Long dựa vào đó biến các tiềm năng và thế mạnh thành “đặc sản” riêng của mình liên kết vùng và cả nước để phát triển…

Người dân trên vùng đất Vĩnh Long hiểu rằng quá trình từ Long Hồ dinh xưa để đến Vĩnh Long nay có khó khăn nào mà chẳng vượt qua- từ nghèo nàn, lạc hậu đến đối đầu với các kẻ thù xâm lược hung bạo nhất- đều bằng chính con người, nguồn lực của địa phương mình kết hợp với sức mạnh của vùng châu thổ và cả nước.

Nếu không thế sao Vĩnh Long được biết đến là một thời là vùng “đất học”, là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, mà chỉ riêng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược vừa qua đã sản sinh những người con kiệt xuất cho đất nước như các cố Thủ tướng Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, cố Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa…

Và cũng chính từ truyền thống đó và nỗ lực của toàn đảng bộ, toàn dân, đến cuối năm 2015 tỉnh đã được xác định là một tỉnh trung bình khá trong khu vực.

Mới đây, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X, Đảng bộ đã xác định rõ các mặt mạnh, mặt hạn chế và dựa trên thế mạnh, tiềm năng cùng niềm tin vào truyền thống cách mạng của toàn dân trong tỉnh đã hạ quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “nông nghiệp- công nghiệp- thương mại- dịch vụ” với 3 khâu đột phá là: phát triển và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội; tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm, để phấn đấu tới năm 2020 trở thành tỉnh khá của vùng ĐBSCL.

Chặng đường 5 năm tới của tỉnh nhà quả có nhiều thách thức để đạt các mục tiêu đó, nhưng rõ ràng trong tình hình mà sự hòa nhập của tỉnh nhà cùng cả vùng, cả nước đang trên đà phát triển, có một thuận lợi rất cơ bản là qua đại hội Đảng bộ các cấp mới đây, một thế hệ lãnh đạo mới trẻ khỏe, nhiệt huyết và có kiến thức bài bản qua các bước chuẩn bị từ trước sẵ n sàng đảm đương mọi vị trí của cuộc “chuyển giao thế hệ” từ những người lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm chiến đấu trong kháng chiến và kinh qua giai đoạn đầu xây dựng xã hội mới đầy gian khó đang đóng vai trò hậu thuẫn, tin rằng bước đường đi tới của tỉnh sẽ rộng mở.

 

“…Vĩnh Long còn nhiều tiềm năng, nguồn lao động dồi dào, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy thuận lợi. Sự phát triển của đất nước, của tỉnh, thành phố trong vùng sẽ tạo điều kiện quan trọng cho việc liên kết, thu hút đầu tư và giao lưu kinh tế. Đại hội cần tập trung thảo luận, phân tích kỷ những thuận lợi, khó khăn, xác định quyết tâm, thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phát huy mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững hơn…”

(Trích phát biểu chỉ đạo của đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại Đai hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X)

 

Hồng Vân