Kết nối phố

Cơm chiều nhìn từ... phố

Cập nhật, 06:58, Thứ Tư, 06/01/2016 (GMT+7)

Bà từ quê lên chơi, cháu đưa bà đi một vòng phố chiều. Bà nói phố vui, đường đẹp, nhà cửa sang trọng… nhưng “sao quán ăn, quán nhậu nhiều dữ vậy? Giờ này mà ai cũng ăn uống ngoài quán quá trời rồi làm sao về nhà ăn cơm? Bộ ở nhà hổng có ai đợi cơm sao?”

Một loạt câu hỏi làm cháu không biết làm sao trả lời. Quả thật, trên mỗi con đường mới mở ở đô thị, bao giờ cũng nhanh chân và mọc lên nhiều nhất là các quán ăn, quán nhậu, quán nướng… Và chỉ cần xế chiều, khi mọi người tan việc, lúc bóng nắng đã dịu hẳn, thì các quán bắt đầu đông khách dần lên… mãi cho đến tối khuya.

Trong khi thực tế ở đô thị, bữa ăn chiều (hoặc tối) luôn là bữa chính của các gia đình. Vào thời điểm này, mọi thành viên trong nhà mới có thể tụ họp đông đủ quanh mâm cơm và chuyện trò, chia sẻ với nhau. Bữa cơm tuy có thể không cầu kỳ đắt tiền, không nhiều món ăn, nhưng người vợ, người mẹ luôn quan tâm đến sở thích từng người trong nhà để bữa ăn không chỉ đủ dinh dưỡng mà còn là sự quan tâm chăm sóc. Các anh em lao nhao, cha nghiêm khắc rầy dạy…

Bỗng tự hỏi, trong những bữa cơm chiều sẽ có bao nhiêu lời nhắn “con (cháu, anh, em) không ăn cơm chiều nay đâu nhé, cả nhà đừng đợi”. Nếu tính một cách đơn giản, thì cứ bao nhiêu người đang “ngồi quán” cũng có nghĩa là bấy nhiêu bữa cơm chiều gia đình đang thiếu vắng một người. Đương nhiên, một bữa cơm thì chẳng “nhằm nhò gì” nhưng nếu bữa thứ hai, bữa thứ ba… chắc hẳn gia đình sẽ bớt ấm áp.

GS. Mạc Đường- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh từng cho rằng: Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng thì nguy cơ quên tổ tiên, dòng họ và sự gắn bó tình cảm gia đình ngày càng tăng.

Đô thị hóa trong những niềm vui xen lẫn băn khoăn.

NGUYÊN CHƯƠNG