Phát triển- nhìn từ chiếc điện thoại

Cập nhật, 17:09, Thứ Ba, 14/05/2019 (GMT+7)

Không nói đâu xa, cứ nhìn mặt bằng người dân sử dụng điện thoại, Internet đã thấy rõ ràng sự phát triển của đất nước.

Theo Google APAC- kênh bán hàng Việt Nam của Google thì Việt Nam là quốc gia đứng đầu về điện thoại di động.

Còn nhớ cuối thập niên 1980, điện thoại vẫn là một dịch vụ xa xỉ mà rất ít người dân biết tới. Năm 1985, phải mất 90 phút mới có thể có một cuộc điện thoại gọi từ Việt Nam ra nước ngoài. Lúc đó, Việt Nam chỉ có 6 kênh vô tuyến nối Việt Nam với Hồng Kông. Theo thống kê, đến năm 1990, cả nước có chưa tới 80.000 máy điện thoại.

Đến năm 1993, tỷ lệ điện thoại chỉ đạt 0,087%, nghĩa là trên một vạn dân (10.000 dân) Việt Nam chưa có được một máy điện thoại. Theo kế hoạch đến năm 2000, Việt Nam sẽ có 1 điện thoại/100 người dân. Lúc đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hỏi: “Tại sao phải là năm 2000 mà không phải là 1995?” May thay, những người nhận lãnh nhiệm vụ coi đó là một mệnh lệnh và ngay sau đó đưa ra chiến lược tăng tốc 2 giai đoạn: 1993-1995 và 1995-2000.

Vậy là đến năm 1993, Mobifone- mạng di động đầu tiên của Việt Nam- chính thức đi vào hoạt động. Hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ viễn thông phát triển là cơ sở để Việt Nam tiến tới kết nối Internet. Tháng 4/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt trở thành người Việt Nam đầu tiên từ trong nước chính thức gửi email ra nước ngoài cho Thủ tướng Thụy Điển, qua mạng NetNam. Đến 1/1996, VietNet chính thức hoạt động và sử dụng hệ thống điện thoại nội bộ để kết nối với các thuê bao cá nhân. Ngày 19/11/1997, lễ kết nối Internet toàn cầu đã được long trọng tổ chức.

Và đến năm 2018, Việt Nam có số lượng người dùng Facebook lớn thứ 7 trên thế giới, trong khi có điện thoại thông minh mới dùng mạng xã hội được. Và, không chỉ thế, giờ người dùng điện thoại còn dùng những ứng dụng khác để mua bán trực tuyến; trả tiền điện, nước, ngân hàng; hỗ trợ kiểm tra sức khỏe; giải trí,…

Quả thật là bước nhảy vọt thần kỳ! 

ĐÔNG PHƯƠNG