Mùa chim én bay...

Cập nhật, 06:18, Thứ Bảy, 05/01/2019 (GMT+7)

Bữa nay đã vào tháng Chạp, những đàn chim én vắng bóng cả năm giờ bắt đầu chao liệng trên phố, như một lời nhắc khẽ “mùa xuân đến rồi đó”…

Ở một vài công viên trong thành phố này thường có những chú chim về làm tổ trên các cây to. Mỗi sáng mỗi chiều, chúng líu lo, ríu rít sà xuống như chơi đùa cùng lữ khách rồi lại vui vẻ lao vút lên bầu trời...

Nhưng xem ra ít có đàn chim nào được “an cư, ấm tổ”. Bởi chúng rất dễ rơi vào tầm ngắm của những kẻ “rảnh rỗi sinh nông nổi” lấy giàn thun đi bắn tổ chim.

Có những chiều, người đi bộ trong công viên đành kêu thầm tuyệt vọng khi vài chú chim bé nhỏ rớt “bịch” ngay trước mặt và một đám trai tráng huýt sáo rân trời, khoe “bách phát bách trúng” rồi bàn nhau xem nên chiên hay nướng mới “ngọt mồi”. Ôi, vài con chim nhỏ, nào có bỏ bèn gì...

Không chỉ có vậy, lâu nay trên nhiều tuyến đường, vẫn có những điểm mua bán chim trời một cách rất “hồn nhiên”: chim bị treo dốc ngược thành từng chùm hoặc bị vặt lông trụi lủi, xác xơ, chỉ còn biết giương đôi mắt đen nhỏ xíu ngơ ngác nhìn…

Vào dịp năm mới sắp đến, một số loại chim trời còn được “đặt hàng số lượng lớn” để bán cho khách phóng sinh. Cũng vì vậy, nhiều người săn bắt chim đã đêm ngày dùng bẫy, lưới, hóa chất để săn lùng các loại chim cung ứng cho mùa lễ tết. Vô hình chung, việc phóng sinh đã trở thành tiếp tay cho cái xấu, cái ác.

Nhìn lại, từ năm 1963, Hội đồng Chính phủ đã sớm có nghị định ban hành “điều lệ tạm thời về săn, bắt chim, thú rừng” với lời phân tích vô cùng ý nghĩa: “Chim, thú rừng là một nguồn tài nguyên phong phú của nước ta, có giá trị về kinh tế và khoa học.

Đó là tài sản chung mà mọi người đều có nhiệm vụ bảo vệ và làm cho ngày càng dồi dào”. Nghị định cũng quy định rõ: “Bảo vệ các loài chim, thú rừng có ích, hiếm và quý, và bảo vệ chim, thú rừng trong mùa sinh đẻ, trong những trường hợp chúng không phá hoại sản xuất hoặc trực tiếp đe doạ tính mạng người.

Ngăn cấm dùng các phương tiện săn, bắt nguy hiểm cho người và gia súc, giết hại hàng loạt chim, thú rừng…”

Hiện nay, luật pháp đã quy định rõ ràng về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, nên rất cần ngành chức năng quản lý chặt chẽ, tránh việc săn bắt, đánh bắt một số loài động vật hoang dã mang tính hủy diệt, nhằm bảo vệ môi trường thiên nhiên tươi đẹp. 

PHƯƠNG NAM