"Lời nhắc nhở nghiêm khắc!"

Cập nhật, 06:28, Thứ Ba, 30/10/2018 (GMT+7)

Quốc hội vừa tiến hành một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của kỳ họp lần này là lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Kết quả được công khai trước nhân dân và cử tri cả nước có sức thu hút rất lớn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh đúng thực tế, thể hiện trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với cử tri cả nước. Những con số “biết nói” là thước đo sự tín nhiệm của dân với từng “công bộc”.

Theo kết quả tín nhiệm 48 chức danh, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ có 140 phiếu tín nhiệm cao, 194 tín nhiệm và 137 phiếu tín nhiệm thấp. Người đứng đầu ngành giáo dục nhận được nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” nhất. Theo một số chuyên gia giáo dục, gian lận thi cử kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La; vụ sách giáo khoa lãng phí hàng ngàn tỷ đồng và nhiều vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết... là những vấn đề “nóng” khiến đại biểu Quốc hội và xã hội giảm niềm tin vào người quản lý ngành GD-ĐT.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng gánh trên vai những vụ việc “gai góc” như các trạm BOT. Bộ trưởng đương nhiên phải nhận trách nhiệm về các tồn tại đó. Hơn nữa, một con đường cao tốc 34.000 tỷ đồng bị hư hỏng và xuất hiện “ổ gà”, “ổ voi” thì Bộ trưởng phải tự nhận lỗi, không còn cách nào khác.

Đây là lần thứ 3 Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Hoạt động giám sát đặc biệt này đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Bởi không chỉ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, mà còn là “thước đo” giúp người được lấy phiếu thấy mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, để khắc phục những hạn chế.

Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: “Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân tôi và toàn ngành cố gắng hơn nữa, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa, để đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng và nhân dân đối với sự nghiệp GD-ĐT”.

Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói “lấy phiếu tín nhiệm là việc làm vừa động viên, vừa cảnh tỉnh, nhắc nhở”. Qua 2 đợt lấy phiếu tín nhiệm trước có thể thấy, hiệu quả từ hoạt động này là rất rõ. Những lá phiếu như lời nhắc nhở nghiêm khắc, thậm chí là răn đe để các bộ trưởng, trưởng ngành cần hành động quyết liệt hơn, tạo ra sự chuyển biến thực sự. 

HOÀNG HÀ