Chủ tịch UBND tỉnh trả lời giải pháp xử lý các dự án chậm triển khai và khai thác cát trái phép

Cập nhật, 21:51, Thứ Ba, 07/07/2020 (GMT+7)

 

Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời
Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời trả lời tại phiên chất vấn

Sáng 7/7- ngày thứ 2 kỳ họp lần thứ 18 HĐND tỉnh, đã tiến hành phiên chất vấn và chất vấn với những vấn đề “nóng” được cử tri và đại biểu quan tâm, như: giải pháp xử lý các dự án đã cấp phép đầu tư sử dụng sai mục đích và các dự án chậm triển khai; vấn đề xử lý nước thải của Công ty CP Thương mại- Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân Mê Kông; trường hợp khai thác cát trái phép của Công ty TNHH Thanh Lâm; giải pháp phòng chống xâm nhập mặn cho 5.000 cây ăn trái của 4 xã cù lao…  

Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời; Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường- Nguyễn Văn Hiếu; Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT- Nguyễn  Văn Liêm đã đăng đàn trả lời các vấn đề đại biểu đặt ra.

1/ Chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời:

* Đại biểu Nguyễn Văn Nhanh- đơn vị huyện Bình Tân:

Vì sao Công ty TNHH Thanh Lâm vi phạm nghiêm trọng kéo dài hơn 1 năm mà chính quyền các cấp, các ngành chức năng không dám xử lý? 

Chủ tịch UBND tỉnh bao giờ xử lý và xử lý ra sao về trách nhiệm của chính quyền các cấp và các ngành chức năng có liên quan đến sai phạm của Công ty TNHH Thanh Lâm.

- Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời:

Về vấn đề này, vào kỳ họp cuối năm 2019 đã được đại biểu, cử tri quan tâm,  UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành thực hiện và đối với Sở Tài nguyên- Môi trường cũng đã kiểm tra các bước. Theo báo cáo, trong phối hợp xử lý các tình huống sai phạm của các cấp thẩm quyền chưa được chặt chẽ. Từ đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên- Môi trường thực hiện và sở cũng đã báo cáo khá đầy đủ vào ngày 5/5/2020.

Trong báo cáo về quá trình xử lý, Phòng Tài nguyên- Môi trường cũng có kiểm tra nhưng đề xuất để xử lý với UBND huyện chưa kịp thời. Sau khi có ý kiến của cử tri và HĐND chất vấn, Sở Tài nguyên- Môi trường tiến hành kiểm tra.

Quá trình sai phạm của công ty rất rõ, vấn đề bơm hút cát chưa được cấp phép, sử dụng sai việc lắp 3 hồ được cho phép nuôi cá,... Sở Tài nguyên- Môi trường  đã báo cáo và tiến hành xử lý nghiêm vấn đề thực hiện sai việc khai thác khoáng sản. Về phía UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo thống nhất với báo cáo của Sở Tài nguyên- Môi trường vào ngày 30/6 để thực hiện việc đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về đất đai và khoáng sản đối với Công ty Thanh Lâm.

UBND tỉnh sẽ giao cho Cục Quản lý thị trường chủ trì phối hợp với Công an, Cục thuế, Sở Tài nguyên- Môi trường, huyện Trà Ôn xem xét xử lý thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khối lượng cát bùn khoảng 8.295 m3 không có chứng từ mua bán.

Giao Sở Tài nguyên- Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND Trà Ôn tham mưu UBND tỉnh xem xét việc sử dụng sai mục đích phần lấn chiếm và phần cho thuê đối với công ty. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có liên quan trong tháng 7 giải quyết dứt điểm, đảm bảo đúng theo quy định hiện hành. UBND tỉnh sẽ báo cáo đến Thường trực HĐND và đại biểu cụ thể vấn đề này.

Video trả lời chất vấn: Giải pháp xử lý liên quan đến sai phạm của Công ty TNHH Thanh Lâm

* Đại biểu Ngô Thị Hồng Gấm- đơn vị TX Bình Minh:

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long nói chung và TX Bình Minh nói riêng, có một số dự án đã giao đất nhiều năm cho các chủ đầu tư, song chậm được đưa vào sử dụng nên để hoang hóa, sử dụng sai mục đích. Trong đó có dự án nhà máy bánh kẹo Hải Châu (khóm Đông Thuận, phường Đông Thuận- TX Bình Minh) gần 3 năm nhưng chưa thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết giải pháp xử lý ? Hướng tới có biện pháp gì để chấm dứt tình trạng để hoang hóa, sử dụng sai mục đích?

- Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch- Đầu tư rà soát các thủ tục về đầu tư, về đất đai giải quyết dự án này. Qua quá trình làm việc, các thủ tục đầu tư doanh nghiệp cũng đã đảm bảo  đúng theo quy định.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sự phối hợp giữa các ngành có liên quan như: Sở Kế hoạch- Đầu tư, Sở Tài nguyên- Môi trường và doanh nghiệp trong việc xác định giao mốc đất cho doanh nghiệp chưa kịp thời nên doanh nghiệp chưa triển khai được.

Nếu giao được mốc đất thì doanh nghiệp sẽ triển khai nhà máy và đưa vào hoạt động vào năm 2022. Dự kiến trong tháng 7, Sở Tài nguyên- Môi trường sẽ chỉ đạo xử lý các tình huống xung quanh các thông tin về sử dụng đất đối với doanh nghiệp này. Nếu doanh nghiệp vẫn không đáp  ứng yêu cầu thì sẽ tiến hành thu hồi dự án đối với Công ty CP Bánh kẹo Hải Châu.

Trường hợp này, UBND tỉnh chỉ đạo rất rõ và các ngành cũng vào cuộc quyết liệt. Tuy nhiên xét thấy vấn đề kêu gọi đầu tư đối với các doanh nghiệp quan tâm  đến các dự án, đặc biệt là các dự án về tiêu thụ nông sản thì cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, xây dựng, cho nên  tỉnh cũng làm việc rất kỹ. Trong tháng 7 này thực hiện xong các bước sẽ đôn đốc  doanh nghiệp tiến hành triển khai dự án tránh để đất hoang hóa, gây lãng phí.

Video trả lời chất vấn: Giải pháp đối với dự án nhà máy bánh kẹo Hải Châu.

 

2/ Chất vấn Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Văn Liêm:

* Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Oanh- đơn vị huyện Trà Ôn:

Dự án kênh Đường Cầm (xã Hựu Thành- Trà Ôn ) đi qua xã Thuận Thới có được triển khai theo kế hoạch hay không?

- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Văn Liêm: Tuyến kênh Đường Cầm, xã Hựu Thành thuộc dự án sửa chữa hệ thống thủy lợi Nam Trà Ngoa, xã Hựu Thành, Thuận Thới (Trà Ôn)

Dự án được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 2563/QĐ-UBND ngày 10/10/2019 với quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư và nguồn vốn như sau:

Quy mô đầu tư: nạo vét kết hợp đắp bờ bao các tuyến kênh với chiều dài bờ bao 16,782km, chiều rộng mặt bờ từ 3-5m. Trong đó, chiều rộng mặt đường đan từ 2- 3,5m; đầu tư xây dựng mới 1 cống hở với bề rộng thông nước là 5m; bọng tròn các loại 15 bọng.

Tổng mức đầu tư: 37.290 triệu đồng. Nguồn vốn: Sử dụng nguồn vốn ngoài đầu tư công, từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cấp bù miễn thu thủy lợi phí (nguồn thực hiện chính sách sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi).

Đối với nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cấp bù miễn thu thủy lợi phí (nguồn thực hiện chính sách sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi): trước đây được thực hiện với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong đó: vận động nhân dân hiến đất, cây trồng, hoa màu, nhà, vật kiến trúc... chỉ hỗ trợ di dời nhà, mồ mã.

Qua rà soát, khảo sát thực tế, nhận thấy với phạm vi giải phóng mặt bằng 8m (tuyến đê bao mặt bờ 5m), phạm vi giải phóng mặt bằng 7m (tuyến đê bao mặt bờ 3m) thì số hộ dân bị ảnh hưởng tương đối lớn (404 hộ bị ảnh hưởng, trong đó: 65 hộ có nhà kiên cố, hàng rào kiên cố phải tháo dỡ di dời).

Qua làm việc với UBND huyện Trà Ôn, để giảm bớt ảnh hưởng của người dân tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương vận động giải phóng mặt bằng, thống nhất sẽ tiến hành rà soát số hộ bị ảnh hưởng, chủ đầu tư sẽ trình UBND tỉnh xin chủ trương hỗ trợ đền bù đối với các hộ bị ảnh hưởng nhà, vật kiến trúc. Chủ đầu tư đã kiểm tra rà soát các hộ dân bị ảnh hưởng.

Hiện nay, đang lập thủ tục trình UBND tỉnh xin chủ trương hỗ trợ đền bù đối với các hộ bị ảnh hưởng nhà, vật kiến trúc.

Ngoài ra, đây là vùng trọng điểm trồng cam sành của huyện Trà Ôn và thường ngày người dân có nhu cầu vận chuyển cam sành thu hoạch đi tiêu thụ nên cần giải pháp thi công nhanh gọn để không bị ảnh hưởng công việc làm ăn của người dân. Dự kiến, sau khi được chấp thuận chủ trương, chủ đầu tư sẽ phối họp cùng Hội đồng bồi thường kiểm kê áp giá lập phương án hỗ trợ bồi thường theo quy định và triển khai thi công ngay.

Video trả lời chất vấn: Dự án đầu tư tuyến kênh Đường Cầm (xã Hựu Thành)

* Đại biểu Lê Minh Thiện, đơn vị huyện Long Hồ:

Ngành nông nghiệp có giải pháp nào để phòng, chống xâm nhập mặn có hiệu quả với diện tích 5.000 ha cây ăn trái chuyên canh 4 xã cù lao, vừa đảm bảo an toàn vườn cây ăn trái vừa kết hợp thực hiện tốt Nghị quyết 01-NQ/TU về phát triển du lịch sinh thái miệt vườn của tỉnh Vĩnh Long?

- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Văn Liêm: Đánh giá được tác động của loại thiên tai này, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp- PTNT tham mưu UBND tỉnh các giải pháp chung như:

- Xây dựng kế hoạch phòng, chống, ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn hàng năm của tỉnh.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức trong dân về phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn; đầu tư cho công tác dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn, thiên tai.

- Rà soát điều chỉnh quy hoạch ngành như nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, nước sạch nông thôn, kế hoạch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thủy sản trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, áp dụng các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn; chuyển đổi thời vụ và áp dụng các mô hình đa dạng hóa sản xuất, sinh kế.

- Hình thành các chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả sau hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra.

- Tiếp tục triển khai xây dựng các công trình thủy lợi, nước sạch, dự án phát triển cây trồng-vật nuôi theo quy hoạch được duyệt, có lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn.

- Về công tác thủy lợi sẽ tính đến đầu tư xây dựng các công trình đê bao dọc theo các tuyến sông lớn, các cù lao trên sông lớn và các cống cửa sông để ngăn triều, ngăn mặn; đồng thời thực hiện các dự án thủy lợi, nước sạch tiếp nước ngọt cho vùng Nam Mang Thít, cho các cù lao trên sông lớn, trong đó có cù lao Minh; xây dựng các cống ở đầu kênh cấp 1, cấp 2 kết hợp nạo vét kênh, rạch để tăng cường năng lực trữ nước của các công trình thủy lợi trong mùa khô.

+ Về giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn đối với các xã cù lao huyện Long Hồ: Trong đợt xâm nhập mặn vào đầu năm 2020 vừa qua, Sở Nông nghiệp- PTNT đã thực hiện 19 cuộc tập huấn phòng chống hạn mặn trên cây trồng; tuyên truyền và cấp phát 69.500 tờ bướm về “Hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái trong điều kiện hạn mặn”, về “Hướng dẫn quy trình trữ nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường nông thôn và các giải pháp kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi”.

Từ các nguồn kinh phí khác nhau, các cấp chính quyền đã tổ chức thi công công trình thủy lợi chống hạn, mặn, hỗ trợ bồn, thùng, túi chứa nước, máy lọc nước mặn thành nước ngọt cấp nước miễn phí cho các hộ nghèo, hộ khó khăn vùng bị hạn, mặn xâm nhập...

+ Về hỗ trợ cây giống, hỗ trợ bằng tiền cho các hộ dân có thiệt hại nặng do hạn và xâm nhập mặn gây ra…

Sở Nông nghiệp-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc sở là Chi cục Thủy lợi, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tham gia hỗ trợ Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ và UBND các xã bị xâm nhập mặn trong việc khảo sát, đánh giá thiệt hại. UBND các xã cũng đã thống kê cụ thể, xác định đúng đối tượng, hộ bị thiệt hại để trình cấp thẩm quyền quyết định hỗ trợ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong đó, hỗ trợ cấp nước cho cây trồng và nước uống theo Công văn số 1875/ƯBND-KTNV ngày 23/4/2020 của UBND tỉnh về việc định mức, đơn giá  và mức hỗ trợ cấp nước cho các hộ dân bị ảnh hưởng do hạn mặn kéo dài;  hỗ trợ đối với diện tích cây ăn trái bị thiệt hại lớn hơn 70% (mức hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

+ Về giải pháp công trình cho phòng, chống xâm nhập mặn đối với các xã Đồng Phú, An Bình, Bình Hòa Phước: Sở Nông nghiệp- PTNT sẽ xem xét ưu tiên đầu tư các công trình ngăn triều, ngăn mặn cho vùng này theo Điều chỉnh quy hoạch xây dựng thủy lợi tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030 đã được duyệt.

Trong đó đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch- Đầu tư hỗ trợ tỉnh kinh phí đầu tư thực hiện “Dự án Hệ thông cống ngăn mặn, giữ ngọt khu vực các xã cù lao huyện Long Hồ (tổng mức đầu tư 197,193 tỷ đồng), là 1 trong 3 dự án thủy lợi cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, với tổng số đề nghị 535 tỷ đồng (UBND tỉnh Vĩnh Long đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 54/TTr-UBND ngày 23/4/2020 về hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng các dự án thủy lợi cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long), từ nguồn vốn khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn. Nếu được hỗ trợ, dự kiến thực hiện dự án từ năm 2021-2025.

Video trả lời chất vấn: Phòng, chống hạn mặn cho 5.000 ha cây ăn trái 4 xã cù lao

* Đại biểu Lê Thị Lệ Uyên- đơn vị TX Bình Minh:

Giống bưởi Nam Roi hiện đang thiếu, một số vườn cây đã lão hóa, số trồng mới phát triển không tốt, năng suất đạt rất thấp gây ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân. Sở Nông nghiệp- PTNT có kế hoạch như thế nào  để hỗ trợ toàn diện  cho cây bưởi Năm Roi, nhất là về giống?

-  Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Văn Liêm: Giải pháp trước mắt ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân cần tích cực hơn nữa trong khâu chăm sóc vườn, tăng cường bón phân hữu cơ nâng cao độ phì nhiều, tơi xốp của đất, bón vôi hoặc bón Dolomite nâng cao độ pH; mạnh dạn đốn bỏ những cây bị già, cỗi, không còn cho năng suất để trồng mới lại cây bưởi Năm Roi (có thể chuyển đổi một số loại cây trồng ngắn ngày để cải tạo đất như các cây họ đậu, bắp...trước khi trồng mới lại).

Chú ý đến chất lượng cây giống, chỉ sử dụng những cây giống đạt chất lượng tiêu chuẩn về giống,...

Kế hoạch hỗ trợ cho vùng chuyên canh bưởi Năm Roi Bình Minh:

+ Sở Nông nghiệp- PTNT đã phối hợp với Viện cây ăn quả Miền Nam triển khai thực hiện dự án tuyển chọn cây đầu dòng bưởi Năm Roi tại Bình Minh kết quả đã tuyển chọn được 5 cây đầu dòng, từng bước hình thành hệ thống nhân giống bưởi Năm Roi đạt tiêu chuẩn chất lượng cây giống cung cấp cho vùng trồng nguyên liệu bưởi Năm Roi Bình Minh (Trung tâm giống nông nghiệp chủ trì thực hiện).

Tiếp tục chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các chuyên gia Khoa nông nghiệp và sinh học ứng dụng Trường ĐH Cần Thơ tổ chức nghiên cứu thực trạng sản xuất bưởi tại Bình Minh và đề xuất các biện pháp cải tạo phù hợp, dự kiến trung tuần tháng 10/2020 tổ chức hội thảo chuyên đề về vấn đề này.

+ Hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu lớn bưởi Năm Roi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 30 ha và 95,1 ha đạt chứng nhận VietGAP; dự án đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu bưởi Năm Roi theo chuỗi giá trị giai đoạn 2017- 2020 thực hiện 40 ha đạt chứng nhận GlobalGAP và hỗ trợ 12.500 cây giống bưởi đạt tiêu chuẩn giống; Viện Cây ăn quả Miền Nam hỗ trợ mô hình đạt chứng nhận GlobalGAP 50 ha; xây dựng và cấp 06 mã số vùng với tổng diện tích 64,34 ha.

Qua đó từng bước đánh giá nguyên nhân suy giảm, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng làm cơ sở mở rộng đầu ra cho sản phẩm bưởi Năm Roi.

Video trả lời chất vấn: Giải pháp cho phát triển sản xuất cây bưởi Năm Roi ở Bình Minh

3/ Chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường- Nguyễn Văn Hiếu

* Đại biểu Ngô Thị Hồng Gấm- đơn vị thị xã Bình Minh:

Công ty CP Thương mại- Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân Mê Kông (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) có xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng còn hệ thống thải ra ngoài thì chưa được xây dựng nên nước thải sau xử lý chứa trong bể tràn ra bên ngoài, nếu tình trạng này để lâu ngày sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

 Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm giải pháp thời gian tới về cách xử lý nước thải tại hệ thống xử lý tập trung của công ty này như thế nào để đảm bảo môi trường xung quanh?

- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường- Nguyễn Văn Hiếu: Khu công nghiệp Bình Minh có xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất  2.200 m3/ngày đêm.

Ngày 10/6/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường TX Binh Minh và UBND xã Mỹ Hòa khảo sát việc xả nước thải sau hệ thống xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Bình Minh.

+ Kết quả khảo sát: Nước thải sau hệ thống xử lý nước thải vào ao chứa có lót chống thấm bằng tấm HDPE. Hiện nước thải sau xử lý đang chứa đầy nước và có chảy tràn ra bên ngoài đất của dân nằm trong quy hoạch của Khu công nghiệp Bình Minh nhưng chưa được giải tỏa (nước chảy tràn này là nước thải sau xử lý).

+ Ý kiến của Công ty CP Thương mại- Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân Mê Kông: Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm giải tỏa và bàn giao đất để công ty xây dựng đường thoát nước thải ra rạch Cái Tràm theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

+ Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị: UBND tỉnh chỉ đạo cho UBND  TX Bình Minh sớm tổ chức cưỡng chế các hộ dân đã được Tòa án nhân dân 2 cấp đã xét xử nhưng các hộ dân chưa chịu di dời để giao đất cho Công ty CP Thương mại- Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân Mê Kông xây dựng đường thoát nước thải sau xử lý ra rạch Cái Tràm.

Video trả lời chất vấn: Vấn đề xử lý nước thải của Công ty CP Thương mại- Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân Mê Kông

NHÓM PHÓNG VIÊN (thực hiện)