Buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi, manh động

Cập nhật, 19:33, Thứ Sáu, 03/07/2020 (GMT+7)

Thời gian qua, tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn còn diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động hơn. Buôn lậu thuốc lá không chỉ làm ngân sách nhà nước, thất thu tiền thuế mà còn ảnh hưởng lớn đến an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng bởi chất lượng thuốc lá lậu không được kiểm soát.

Hàng trăm ngàn gói thuốc lá lậu bị ngành chức năng tiêu hủy.
Hàng trăm ngàn gói thuốc lá lậu bị ngành chức năng tiêu hủy.

Thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, manh động

Theo BCĐ 389 tỉnh, thời gian qua, tình hình vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, đặc biệt là mặt hàng thuốc lá lậu vẫn diễn biến phức tạp. Theo đó, thuốc lá lậu thẩm thấu qua các tỉnh biên giới Tây Nam hoặc vận chuyển từ phía Bắc tập trung về TP Hồ Chí Minh rồi đưa về các tỉnh- thành để tiêu thụ.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu không mới nhưng ngày càng tinh vi hơn, các đối tượng buôn lậu dùng nhiều biện pháp ngụy trang cất giấu hàng hóa trong các bao tải, cốp xe, thùng hàng... để cất giấu thuốc lá. Đặc biệt một số phương tiện xe khách thiết kế hầm chứa thuốc lá điếu nhập lậu nhằm qua mắt lực lượng chức năng.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh- Lê Thanh Phong cho hay: “Trong quá trình vận chuyển, đối tượng thường xuyên thay đổi biển số xe và thời gian vận chuyển để tránh việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng. Khi bị phát hiện thì có lời lẽ hăm dọa, chống đối lại các lực lượng kiểm tra, bỏ hàng không nhận. Có nhiều trường hợp các đối tượng bỏ cả phương tiện xe máy, thậm chí bỏ cả ô tô nhằm trốn tránh việc xử lý của pháp luật”.

Mới đây, cuối tháng 6/2020, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện 1 vụ vận chuyển thuốc lá lậu với số lượng lên đến 12.500 gói. Là người trực tiếp tham gia đoàn kiểm tra và bắt giữ, Quyền Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4- Bùi Văn Chọn, kể lại: Nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, 11g đêm đoàn kiểm tra đã tiến hành theo dõi đối tượng vận chuyển hàng lậu trên ô tô từ Đồng Tháp về Trà Vinh và lập chốt kiểm tra. Để tránh lực lượng chức năng, đối tượng đã rẽ vào các nhánh đường hương lộ, len lỏi trong các con đường nhỏ.

Nhờ bám sát đối tượng nên gần sáng, đoàn kiểm tra đã bắt giữ được 2 người (1 nam, 1 nữ) trên ô tô. Cả 2 người liều lĩnh cố thủ trên xe, không chấp hành lệnh kiểm tra của ngành chức năng, sau đó lợi dụng tình hình đêm vắng thì chạy trốn và bỏ
lại tang vật”.

Ông Phạm Tứ Phương- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương- cho biết: Vụ việc trên chỉ là một trong số nhiều vụ việc mua bán, vận chuyển thuốc lá lậu bị phát hiện từ đầu năm đến nay.

Thuốc lá lậu được ngụy trang, cất giấu rất tinh vi. Các đường dây vận chuyển được tổ chức và hoạt động rất chuyên nghiệp để kịp thời thông báo cho nhau né tránh lực lượng chức năng. Địa điểm giao hàng thường là tại những khu vực vắng người, có nhiều đường nhánh để tẩu thoát hoặc để hàng ở nơi vắng vẻ.

Cần chung tay loại trừ

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, dù đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trên khâu lưu thông, song thời gian qua công tác phòng chống buôn lậu vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Đáng nói nhất là các đối tượng buôn lậu ngày càng liều lĩnh, manh động, sẵn sàng chống đối, cướp lại tang vật hoặc tấn công lực lượng chức năng trong khi biên chế làm nhiệm vụ chống lậu còn rất mỏng, điều kiện vật chất phục vụ cho công tác chống buôn lậu chưa được trang bị đầy đủ.

Bên cạnh đó, hầu hết phương tiện, xe máy được sử dụng vận chuyển hàng lậu đều không có giấy tờ, đã qua nhiều chủ sử dụng và không có hợp đồng mua bán nên việc truy tìm cũng rất khó khăn.

Theo ông Phạm Tứ Phương, muốn đấu tranh an toàn và hiệu quả, các lực lượng đấu tranh chống thuốc lá lậu phải phối hợp chặt chẽ để tăng cường sức mạnh, đủ sức chống lại số đông hoặc các băng nhóm buôn lậu.

Song song đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật, vận động các tổ chức, cá nhân ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân đã ký cam kết không buôn bán thuốc lá nhập lậu nhưng vẫn cố tình vi phạm.

Có thể thấy, không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước, thuốc lá nhập lậu không kiểm soát được chất lượng, chứa một số chất độc hại bị cấm sử dụng, có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe cho con người.

Do đó, để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi vấn nạn buôn lậu thuốc lá, bên cạnh sự tăng cường kiểm tra, kiểm soát của ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá đến người dân, góp phần giảm nhu cầu sử dụng đối với loại mặt hàng này. Bên cạnh đó, cần áp dụng chế tài nghiêm khắc, đích đáng nhằm răn đe và trừng trị các đối tượng buôn lậu, nhất là những vụ việc có số lượng hàng hóa lớn, hoạt động có tính chất chuyên nghiệp.

Ngày 20/6/2017, Quốc hội ban hành Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Theo đó, đối với trường hợp buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu: phạt tù từ 1- 5 năm khi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500- dưới 3.000 bao; phạt tù từ 5- 10 năm khi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000- dưới 4.500 bao; phạt tù từ 8- 15 năm khi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 4.500 bao trở lên. Đối với trường hợp tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu: phạt tù từ 6 tháng- 3 năm khi tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500- dưới 3.000 bao; phạt tù từ 2- 5 năm: khi tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000- dưới 4.500 bao; phạt tù từ 5- 10 năm khi tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10- 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1- 5 năm.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN