Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Dồn lực cho phát triển và tăng trưởng kinh tế, đảm bảo đời sống người dân

Cập nhật, 18:43, Thứ Năm, 02/07/2020 (GMT+7)

Sáng 2/7/2020, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện phát triển kinh tế- xã hội tháng 6 và định hướng giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi phát triển kinh tế sau dịch COVID-19 trong thời gian tới.

Điểm cầu Vĩnh Long, đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương đảng- Bí thư Tỉnh ủy tham dự.
Điểm cầu Vĩnh Long, đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương đảng- Bí thư Tỉnh ủy tham dự.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh 6 tháng đầu năm nay xảy ra đại dịch COVID-19, gây ra sự sụt giảm kinh tế toàn cầu. Dự báo của Ngân hàng Thế giới, trong năm nay kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 5,2%.

Là một nước hội nhập quốc tế sâu rộng, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động.  Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch- Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GDP quý II tăng 0,36%, 6 tháng đầu năm tăng 1,81%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua đối với nước ta, nhưng so với khu vực và thế giới thì lại là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương.

Xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt khá cao, lên đến 11,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 850,3 ngàn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ và bằng 33% GDP.

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2020 giảm 5,8% so với quý trước; 6 tháng đầu năm ước giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 3.744.500 lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời phát biểu tại hội nghị.

GDP quý II/2020 tăng thấp, do đây là giai đoạn thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm giãn cách xã hội.  Tuy nhiên, với chủ trương chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân, thì mức tăng trưởng này theo nhận định chung là “không quá tồi tệ”.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tuy tăng trưởng thấp, nhưng trong bối cảnh quốc tế đang chống chọi dịch bệnh, chúng ta cần bình tĩnh, chủ động, vững tin trong nhận định, đánh giá tình hình, không chủ quan và tuyệt đối không được bi quan.

Tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” là dồn lực cho phát triển và tăng trưởng kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 ở mức 4-5%; đảm bảo đời sống người dân nhưng không để dịch bệnh trở lại, xóa đi thành quả đã phấn đấu.

Đánh giá trên thế giới, dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục quan tâm hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch chủ động.

Cho phép và tạo điều kiện các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao... nhập cảnh Việt Nam, kể cả nhập cảnh trong thời gian ngắn (dưới 14 ngày) và có biện pháp cách ly phù hợp, linh hoạt. Các bộ, ngành phối hợp chủ động triển khai các giải pháp kết nối, thúc đẩy lưu thông hàng hóa với thị trường quốc tế.

Thủ tướng chỉ đạo chưa mở cửa cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh Việt Nam, song cũng lưu ý các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cần có kế hoạch sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế trở lại khi điều kiện cho phép.

>> Xem Video

Tin, ảnh: MINH- TÂN