Sổ tay

Nghiêm minh với các trường hợp... lộng danh

Cập nhật, 14:53, Thứ Ba, 09/07/2019 (GMT+7)

Mấy ngày qua, nhiều người thực sự… ngả ngửa khi “Nữ hoàng văn hóa tâm linh” được chọn là Phó Ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả Việt Nam (Ban ra mắt ngày 28/6/2019 tại TP Hồ Chí Minh).

Anh T. P. - lãnh đạo một công ty cổ phần cho hay, chính anh cũng “sốc” vì 2 lý do. Thứ nhất, danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh” mà báo chí và nhiều chuyên gia đã chỉ rõ là mơ hồ, khó hiểu, vô nghĩa… nhưng tại sao trước đó lại được vị đại diện ngành chức năng trao bằng? Thứ 2, vì “nữ hoàng” không… phải doanh nhân nhưng vẫn được chọn làm Phó Ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả?

Sau nhiều ngày gây ồn ào với “ghế” Phó trưởng Ban chống hàng giả, “Nữ hoàng văn hóa tâm linh” đã có đơn viết tay xin rút lui khỏi ban này với lý do không đủ chuyên môn. Bên cạnh, 4 phó trưởng ban còn lại (cơ cấu tại thời điểm ra mắt gồm 1 trưởng ban và 5 phó ban) cũng có đơn xin rút khỏi vị trí trên với lý do chính là không phù hợp với chức vụ.

Trong khi, trước đó các vị này đã “nhận chức” và yên vị với “ghế” của mình trong nhiều ngày. Việc các vị này xin “thôi chức” có lẽ là để “xoa dịu” dư luận hoặc để tự tìm đường lui an toàn cho mình? Đây là chuyện khó có thể bàn sâu vì tất nhiên chỉ người trong cuộc mới rõ nhất.

Trước đó, vụ một “nhà báo quốc tế, thạc sĩ luật học, tiến sĩ, cựu học sinh, tiến sĩ danh dự từ Vương quốc Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế” cũng khiến dư luận một phen… hú vía vì không ngờ có cái chức danh “khủng” đến thế.

Và, nếu báo chí không thông tin, dư luận không “làm ầm lên” thì các vị “nữ hoàng”, “nhà báo quốc tế” này chắc sẽ còn tung hoành nhiều nơi, tham gia hoặc tổ chức nhiều hoạt động khác vì các mục đích riêng? Dư luận sôi sục một thời gian rồi sự việc cũng lắng dịu. Các sự việc như vậy coi sớm muộn cũng… chìm xuồng.

Tuy nhiên, hàng loạt câu hỏi đặt ra là: việc cá nhân nào đó muốn gắn cho mình một danh hiệu, chức danh phải chăng không quá khó?

Bên cạnh các “nhà báo quốc tế”, “nữ hoàng” này thì còn bao nhiêu danh hiệu ảo đang tồn tại và gây tác hại cho đời sống thực? Việc truy cứu sẽ đến tận gốc rễ trước khi mọi sự bị… chìm xuồng? Xử lý sai phạm sẽ đủ sức răn đe, ngăn ngừa tái diễn trong tương lai?

Thiết nghĩ, để chấn chỉnh và duy trì lòng tin, ngành chức năng các cấp- trong đó có các địa phương- rất cần rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp lộng danh.

SÔNG HẬU