Phát triển sản xuất để nâng cao đời sống nhân dân

Cập nhật, 15:02, Thứ Tư, 08/05/2019 (GMT+7)

Là 1 trong 6 xã điểm nông thôn mới (NTM) của tỉnh, xã Trung Nghĩa (Vũng Liêm) đang tích cực đẩy mạnh các giải pháp để giúp nông dân phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

Nhờ chuyển lúa lên trồng màu giúp anh Thép nâng cao thu nhập hơn gấp nhiều lần.
Nhờ chuyển lúa lên trồng màu giúp anh Thép nâng cao thu nhập hơn gấp nhiều lần.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất

Hơn 1 năm nay, anh Phạm Văn Thép (Ấp 4) chuyển đổi sản xuất từ 5 công đất trồng lúa sang trồng các loại rau màu (ớt, cà, mướp...) cho thu nhập “ngon hơn trồng lúa gấp nhiều lần”.

Anh Thép khoe và làm phép so sánh: Bình quân mỗi công lúa lời từ 2,5- 3 triệu đồng/công, nhưng trồng màu thì lời từ 15- 20 triệu đồng/công. Nói về quyết định chuyển đổi mô hình sản xuất, anh Thép cho biết: “Thấy mấy anh em đi trước làm ăn có hiệu quả nên mình hỏi han và làm thử”.

Có thâm niên hơn 4 năm trồng màu, mới đây ông Nguyễn Văn Công (Ấp 4) chuyển qua trồng 1,5 công nhàu. Đây là loại cây dược liệu, khả năng sinh trưởng tốt, chịu được đất cằn và cho trái quanh năm.

Hiện, giá bán khoảng 15.000 đ/kg, trong khi “5.000 đ/kg cũng đã có lời vì không tốn nhiều phân thuốc, chỉ bón 1 lần duy nhất lúc mới trồng rồi thôi”- ông Công cho biết và dự kiến sẽ trồng xen thêm ớt để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Tận dụng 3 công đất nhà trồng bưởi da xanh, dưới ao thì nuôi cá tai tượng, anh Trần Văn Tú (Ấp 4) còn thuê thêm 6 công đất ruộng để chuyển lên vườn trồng cây dược liệu- đinh lăng, để phát triển sản xuất.

Là người tiên phong trong mô hình này, nên anh Tú chưa có kinh nghiệm sản xuất và không có người hướng dẫn, chủ yếu là tự lên mạng mài mò nghiên cứu và vừa làm vừa rút kinh nghiệm từ từ... “đến nay thì mọi việc cũng đã dần đi vào quỹ đạo”- anh Tú cho hay.

Cây đinh lăng đang mở ra hướng đi mới cho anh Tú.
Cây đinh lăng đang mở ra hướng đi mới cho anh Tú.

Theo anh Tú, đinh lăng là loại cây dược liệu có tác dụng trị mất ngủ, biếng ăn, suy nhược cơ thể... Trồng đinh lăng 1,5 năm thì có thể cắt bán hom giống, sau 3 năm là có thể cho thu hoạch.

Giá bán 7.000 đ/kg lá tươi, 27.000 đ/kg cây tươi, còn củ rễ thì thấp nhất cũng 15.000 đ/kg. Với mức giá như hiện nay đang hứa hẹn đem đến cho anh nguồn thu khá. Hiện, có công ty chuyên sản xuất trà, rượu và bột đinh lăng ở Đăk Lăk mời anh làm đại lý cấp 1.

Đời sống người dân nhiều thay đổi

Đến nay, xã Trung Nghĩa đã xây dựng đạt 11/19 tiêu chí, còn 8 tiêu chí có một số chỉ tiêu chưa đạt là: giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm; quốc phòng và an ninh.

Hiện, xã đang nhân rộng một số mô hình có hiệu quả như trồng nấm rơm; chăn nuôi gà, cá lóc; sản xuất lúa giống... đồng thời, phát triển mô hình trồng màu trên đất lúa, trồng lác ở một số vùng thích hợp.

Toàn xã có 4 tổ hợp tác xe lõi lác, trồng màu, trồng nấm rơm, sản xuất lúa giống, đã thành lập nhóm liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa. Đây là tiền đề giúp xã nâng tiêu chí thu nhập cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn.

Thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, các mô hình kinh tế có hiệu quả tại xã Trung Nghĩa tiếp tục được duy trì và phát triển như: mô hình trồng cam sành dưới ruộng, trồng bưởi da xanh, nuôi cá lóc..., thu nhập bình quân từ sản xuất nông nghiệp đạt 128 triệu đồng/ha.

Theo ông Trương Thành Do- Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã Trung Nghĩa, năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 42,43 triệu đồng/năm, hiện xã đang tiếp tục vận động người dân cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi sản xuất sang các mô hình có hiệu quả để cuối năm nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 45 triệu đồng/năm trở lên, xã cũng quyết liệt đề ra các giải pháp để về đích NTM trong năm nay.

Ông Nguyễn Văn Hải- Chủ tịch Hội Nông dân xã- cho biết thêm: Trước đây, người dân ở xã chủ yếu sống nhờ vào cây lúa, khoảng 10 năm nay Nhà nước vận động nhân dân cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển sang trồng màu và cây ăn trái, đối với một số vùng thuận lợi thì phát triển trồng thêm cây lác, nhờ vậy mà thu nhập của người dân nâng lên rõ rệt.

Để góp phần xây NTM về tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Văn Hải cho biết: Hội đã vận động 10 hộ trồng màu sử dụng phân sinh học trên diện tích 4ha (được hỗ trợ 50% phân thuốc), dự kiến khi triển khai mô hình có hiệu quả sẽ nhân rộng ra các ấp khác.

Đồng thời, vận động những hộ chăn nuôi làm hầm biogas, đào hố rác gia đình, kết hợp với các ngành xây bể chứa bao bì, thuốc bảo vệ thực vật...

Theo ông Nguyễn Văn Công, nhờ có được nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả mà người dân ở đây rất lo làm ăn, tùy độ tuổi, giới tính mà mỗi người tìm được công ăn việc làm phù hợp, nhờ vậy mà đời sống người dân ngày càng ổn định hơn.

Tin rằng, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền xã và sự đồng thuận của người dân sẽ đưa xã Trung Nghĩa sớm về đích NTM với chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng lên.

Xã Trung Nghĩa hiện có 2 doanh nghiệp, 1 công ty, 2 hợp tác xã và 28 cơ sở sản xuất kinh doanh. Tiểu thủ công nghiệp có các loại hình: xe lõi lác, tách vỏ hạt điều, may gia công, đan lục bình, đan giỏ nhựa, kết cườm... đã giải quyết việc làm cho 580 lao động. Về thương mại, dịch vụ có 446 hộ sản xuất kinh doanh, mua bán nhỏ, góp phần giải quyết việc làm cho 668 lao động.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI