Câu chuyện cuối tuần

Ruộng đồng thao thức

Cập nhật, 05:21, Thứ Bảy, 16/03/2019 (GMT+7)

Nông dân làm lúa ở Vĩnh Long và khu vực ĐBSCL có thể nói đã thở phào (chứ chưa hề nhẹ nhõm), vì tuy giá lúa vụ Đông Xuân này tuột xuống thấp khiến lợi nhuận cho 1 vụ gần 3 tháng rất ít hoặc chỉ phá huề, nhưng may là lúa được tiêu thụ hết.

Thị trường ghi nhận tín hiệu khả quan, giá lúa tăng 100- 200 đ/kg được cho là tác động của các giải pháp tích cực, sự vào cuộc kịp thời của ngành chức năng.

Tuy nhiên, nhiều lão nông tri điền nói với nhà báo: “Nhà nước nắm các thông tin thị trường tiêu thụ, xuất khẩu, biết rõ diện tích gieo trồng, sản lượng lúa từng mùa vụ, sao không có chính sách mua tạm trữ, bình ổn giá lúa sớm để nông dân hưởng lợi.

Đợi đến khi lúa thu hoạch, thương lái đã đặt cọc, giá lúa giảm mạnh mới “giải cứu” thì… đã chậm một bước”.

Nghề nông nhiều nhọc nhằn “trên đồng cạn, dưới đồng sâu”, người nông dân ĐBSCL phải lo giảm chi phí, tăng chất lượng hạt gạo, phải đối mặt với phân bón, thuốc trừ sâu… lên giá “thẳng một đường”. Làm ra hạt lúa, lại còn phải lo ngay ngáy “lúa bán được hay không?”.

Có lập luận rằng, sản xuất phải theo nhu cầu thị trường, nông dân cần biết sản phẩm của mình bán ở đâu, người ta cần ăn gì để đáp ứng?

Có thể thấy, đây là ý kiến đề cao sự chủ động của người sản xuất, chứ không thể tự phát muốn trồng gì thì trồng; nhưng điều này cũng đẩy cái khó cho người nông dân hơn là đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng- định hướng, vạch ra một con đường chiến lược cho ngành hàng lúa gạo nói riêng, nông sản nói chung.

Một trong những gợi mở để giảm thiểu rủi ro, giúp người làm lúa ổn định là mô hình liên kết, xây dựng cánh đồng lớn.

Dù vậy, theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT), hiện nay, liên kết trực tiếp nông dân với doanh nghiệp chỉ chiếm chưa đến 4% tổng sản lượng lúa thu hoạch hàng năm ở ÐBSCL. Còn lại phần lớn nông dân trồng lúa vẫn đang sản xuất lúa đơn lẻ, đứng ngoài chuỗi giá trị hạt gạo.

Có thể thấy, những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành liên quan về việc gấp rút hành động để xử lý một tình huống giải cứu lúa gạo, giải cứu nông dân là việc “chẳng đặng đừng”.

Nhưng về lâu dài cần có giải pháp bền vững, một chiến lược dài hạn cho một ngành hàng liên quan đến sinh kế của hàng chục triệu người ĐBSCL.

TRẦN PHƯỚC